Nỗi lòng của ông Giang “đen”

Lê Đức Thứ tư, ngày 07/10/2015 16:00 PM (GMT+7)
“Từ đời mình, tôi ngẫm, cứ sống tốt, làm việc với cái tâm sáng rồi kết cục có hậu sẽ tới. Cứ nhìn cách làm bóng đá hiện nay khiến những sân cỏ vắng tanh vắng ngắt, anh em cựu cầu thủ chúng tôi đau lắm” - cựu danh thủ của Tổng cục Bưu điện, Đường sắt một thời Vũ Trường Giang tâm sự với Báo NTNN.
Bình luận 0

Là trai Hà thành nổi tiếng lãng mạn với đôi chân rất “ngoan” ở vòng tròn giữa sân, giã từ nghiệp cầu thủ, ông Vũ Trường Giang (Giang “đen”) kinh qua cả việc lái xe, đi buôn để mưu sinh. Nhưng chính vào những thời điểm bĩ cực, tưởng như bóng đá... bạc nhất với mình thì chính môn thể thao vua lại mang lại cho ông Giang “đen” tất cả.

Chỉ xem bóng đá Việt Nam qua ti vi

Gặp người viết ở một quán cà phê quen, ông Giang mở đầu câu chuyện: “Cũng đã hơn 1 năm rồi, sau khi giúp Tây Ninh thăng hạng Nhất 2014 và tạm biệt đội bóng, tôi chỉ xem các trận bóng đá Việt Nam (BĐVN) qua ti vi. Không ra sân mà cũng thấy buồn lắm rồi khi chứng kiến những khán đài trống vắng. Ngay cả trận chung kết Cúp Quốc gia vừa qua giữa 2 đội bóng được coi là mạnh nhất BĐVN hiện nay là Bình Dương – Hà Nội T&T mà còn chẳng ai mặn mà thì đủ hiểu niềm tin của người hâm mộ đã chạm đáy. Càng nhìn, càng nghe, đọc những thông tin trên báo chí tôi lại càng buồn, nhớ những khán đài chật kín khán giả những năm 1970-1980 khi còn thi đấu...”.

img

Cựu danh thủ, HLV Vũ Trường Giang mơ ước một ngày bóng đá Việt Namkhôi phục lại được niềm tin của người hâm mộ. Ảnh:  I.T

Theo dòng tâm sự, ông Giang kể lại những trận thư hùng khi mình còn khoác áo Tổng cục Bưu điện, sau đó là Đường sắt: “Thế hệ ấy nhiều người hay lắm. Mình đá cũng được, lên đội 1 từ năm 18 tuổi và đá chính năm 20 tuổi nhưng so với các đồng nghiệp, các đàn anh như Lê Đình Chính, Lê Thế Thọ, Lê Thụy Hải, Lê Mai Tú, Hoàng Gia, Phúc “vẩu”, Thế Anh… còn thấy phải học hỏi nhiều. Tôi vẫn nhớ như in trận chung kết giữa Tổng cục Bưu điện và Thể Công vào ngày 1.5.1975. Chúng tôi được đá trên sân Hàng Đẫy với khẩu hiệu “Hoan hô Sài Gòn giải phóng”. Mọi cầu thủ ghi vào sân là chỉ cố gắng ganh đua, cố gắng đá thật tốt để chiến thắng. Các trận đấu được người hâm mộ bàn tán đến tận những ngày sau đó ở các quán cà phê có tiếng trên Cầu Gỗ, Hàng Gai, Lương Văn Can. Cầu thủ chúng tôi ra quán cà phê hóng chuyện, thấy họ khen “thằng này” hay lắm là sướng rơn, có thêm động lực tập luyện, thi đấu”.

So sánh ký ức về ngày xưa đẹp như mộng với những ngày buồn đằng đẵng, luôn ám ảnh với “bóng ma” tiêu cực của bóng đá ngày nay, ông Giang rít một hơi thuốc thật sâu, cảm thán: “Người hâm mộ giờ không còn tin tưởng nữa, các đội bóng có đá thật người ta vẫn thấy ngờ ngợ. Ngay cả lứa trẻ HAGL mùa giải vừa qua còn bị đặt vấn đề ở những trận cuối V.League 2015 thì còn gì mà nói nữa. Có thời, VTV làm chương trình “Một thời để nhớ” và giá như thời điểm này, có chương trình nào đó tương tự, cho cựu danh thủ chúng tôi “Nhớ lại một thời”. Biết đâu, những hình ảnh, những hào quang quá khứ có thể giúp cho giới trẻ, cổ động viên ngày nay có thêm niềm tin mỗi khi tới sân xem bóng đá. Các cầu thủ ngày nay cũng thấy rõ ý thức nghề nghiệp hơn khi thấy lại hình ảnh các bác, các chú mình từng nghĩ và chơi bóng thế nào”.

Làm việc thiếu tâm là hỏng

Nói về VFF, ông Giang “đen” lại nhớ lại chuyện 10 năm trước: “Tôi vẫn nhớ Đại hội VFF nhiệm kỳ 2005-2009. Đại hội VFF khi đó như một “cuộc cách mạng” vì bầu cử công khai mọi chức danh chủ tịch, phó chủ tịch, tổng thư ký… với sự tham gia bỏ phiếu của lãnh đạo, huấn luyện viên, giới truyền thông. Thế nên mới có chuyện anh Phan Anh Tú tưởng như đã chắc ghế tổng thư ký VFF cuối cùng lại  thua anh Trần Quốc Tuấn. Mọi thứ vẫn nên bầu cử công khai như vậy thì mới minh bạch được”.

Ông Giang cho rằng việc thành lập Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) cuối năm 2011 đáng ra phải được coi là một bước ngoặt trên hành trình tiến lên chuyên nghiệp của bóng đá nước nhà. Nhưng thực tế chứng minh những mùa giải đã qua, VPF cứ như là nơi để VFF đẩy “trái bóng trách nhiệm” đi. Còn với VPF, họ lại không hề thấu hiểu với các CLB, cứ “áp” quy chế, lấy Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) và FIFA ra mà “dọa” nên rất khó: “Khi BĐVN cứ mờ mờ ảo ảo từ trên xuống dưới thì người hâm mộ làm sao mà tin, mà đến sân được”.

Ông Giang tiết lộ: “Hiện tôi không bàn về chuyên môn của HLV Miura, nhưng HLV đội tuyển bóng đá nữ Takashi Norimatsu thì có những nguồn tin thân cận nói ông ta bảo thủ lắm, không bao giờ nghe góp ý từ các trợ lý. Sở dĩ chúng ta có thể thắng Thái Lan và lọt tới vòng loại cuối cùng Olympic 2016 hồi cuối tháng 9 vừa qua là do các tuyển thủ nữ tự họp riêng và quay lại lối đá ngắn quen thuộc của mình chứ không đá dài như ông thầy người Nhật Bản muốn. Điều này có ai ở VFF biết không?”.

Ông Giang thẳng thắn cho rằng, ngay cả việc xử lý tiêu cực, VFF, VPF nói thì hay nhưng khi làm cũng không quyết tâm, triệt để. “Từng là HLV ở các đội hạng Nhì, hạng Nhất và V.League nên tôi hiểu chuyện “bóng đá tình cảm” đã và đang tồn tại trong lòng BĐVN. Những vụ “xử điểm” như vụ V.Ninh Bình, Đồng Nai ở mùa giải 2014 là chưa đủ, đặc biệt khi VFF, VPF lại có biểu hiện “giơ cao đánh khẽ” ở mùa giải năm nay. Như thế làm sao răn đe được giới cầu thủ - những “đứa trẻ” vốn cạn nghĩ lắm và đôi khi chỉ một phút giây nghĩ sai, đánh mất mình là tiêu tan sự nghiệp”. 

Ngày 24.10 tới, các cựu danh thủ của 3 đội bóng Thể Công, Phòng không Không quân, Tổng cục Bưu điện sẽ tổ chức thi đấu giao hữu để ôn cố tri tân trên sân Hàng Đẫy: “Anh em chúng tôi tự đứng ra tổ chức. Ngoài việc gặp gỡ giao lưu, đây là dịp để chúng tôi quyên góp nhau mỗi người một ít để động viên những đồng nghiệp cùng thời đang bệnh tật, có hoàn cảnh khó khăn” - cựu danh thủ, HLV Vũ Trường Giang cho biết.  

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem