Olympic 2016: Người Jamaica xứng danh “con của thần gió”

Tuyết Sơn Thứ hai, ngày 15/08/2016 06:00 AM (GMT+7)
Trong khi chờ đợi siêu sao Usain Bolt lập nên cú “triple-triple” (3 lần liên tiếp đoạt 3 Huy chương Vàng-HCV) ở các nội dung chạy cự ly ngắn, người Jamaica đã kịp ăn mừng với tấm HCV ở nội dung 100m nữ. Dù “nữ hoàng” Shelly-Ann Fraser-Pryce không thể giành HCV thứ 3 liên tiếp, nhưng Elaine Thompson, quán quân ở cự ly này cũng là một người Jamaica.
Bình luận 0

Chạy là niềm đam mê

3 kỳ Olympic vừa qua, các nội dung chạy cự ly ngắn của Olympic gần như là nơi để người Jamaica phô trương sức mạnh. Không chỉ đoạt HCV, họ thậm chí còn thường xuyên giành các Huy chương Bạc, đồng, bất chấp sự cạnh tranh quyết liệt của các đối thủ. Nguyên nhân dẫn tới thành công đáng ngưỡng mộ này thì có nhiều, nhưng xuất phát điểm, theo đánh giá của huấn luyện viên Locksley Anderson của Trường Mona Preparatory tại thủ đô Kingston thì tố chất bắt nguồn từ việc hầu hết những đứa trẻ tại Jamaica đều thích... chạy. “Trẻ em từ 3-5 tuổi là dễ quan sát để phát hiện năng khiếu nhất. Cũng may, chúng đều khoái chạy nên việc theo dõi khả năng càng dễ dàng” - Anderson cho biết. Sau giai đoạn phát hiện này, từ 6-12 tuổi, những đứa trẻ được lựa chọn sẽ trải qua các khóa đào tạo nâng cao để trở thành các vận động viên trẻ. Sau đó, những cuộc sàng lọc gắt gao hơn được tổ chức và những thần đồng có tài năng nhất sẽ được bồi dưỡng nhiều hơn nữa để trở thành vận động viên chuyên nghiệp, tranh tài ở những đấu trường đỉnh cao.

img

Elaine Thompson (phải) giành Huy chương Vàng chạy 100m nữ với thành tích 10 giây 71.  Ảnh: I.T 

Tại Jamaica có 2 câu lạc bộ điền kinh nổi tiếng là MVP và Racers Track. Đây là nơi các tài năng trẻ cũng như những nhà vô địch thế giới, vô địch Olympic tập luyện cùng nhau, tạo nên một môi trường phát triển điền kinh đặc biệt bậc nhất thế giới.

Ở Jamaica, các tuyển trạch viên chỉ lo phát hiện những vận động viên có năng khiếu, còn về khát vọng, quyết tâm thì họ khỏi phải quan tâm. Những đứa trẻ ở Jamaica luôn được truyền niềm cảm hứng mà không phải nơi đâu cũng có: Luôn được gặp mặt các nhà vô địch thế giới, quán quân Olympic thường xuyên, cả trên sân tập cũng như cuộc sống đời thường. Usain Bolt và Fraser-Pryce chẳng bao giờ nề hà việc tới các trung tâm để giúp đỡ thế hệ kế cận phương pháp tập luyện. Đó chính là những tấm gương lớn mà vô cùng gần gũi để Bolt, Fraser không bao giờ trở thành siêu sao mang tính xa vời mà là động lực để các tài năng trẻ phấn đấu nhiều hơn. Việc Fraser-Pryce chỉ giành Huy chương Đồng Olympic, nhưng rất vui vẻ, thân thiện chúc mừng đàn em Elaine Thompson đã chứng minh điều đó.

Cơ hội đổi đời

Ngoài vinh quang về thể thao và niềm tự hào dân tộc, việc trở thành một ngôi sao điền kinh, đặc biệt ở những nội dung chạy cự ly ngắn sở trường có thể giúp các vận động viên Jamaica có cuộc sống sung túc hơn. Usain Bolt hồi nhỏ từng tập chạy với đôi chân trần bởi gia đình không có tiền mua cho anh một đôi giày. “Chạy chân đất trên cát bỏng đã giúp tôi phải... chạy nhanh hơn để kết thúc một bài tập” - Bolt từng nửa đùa nửa thật về thời thơ ấu của mình. Trong khi đó, Fraser-Pryce lớn lên trong một gia đình nghèo khó. Ngoài giờ tập, cô thường phải giúp mẹ mình buôn bán các món đồ lặt vặt trên đường phố. “Chính sự nghèo khó ấy càng hun đúc quyết tâm cho chúng tôi ngay từ khi còn nhỏ” - Fraser-Pryce chia sẻ.

Cùng một môi trường sinh sống, trưởng thành, sự gần gũi đã giúp các thế hệ vận động viên Jamaica luôn gắn bó với nhau. Khi Bolt hay Fraser-Pryce đi ngoài đường, họ thường xuyên được những đứa trẻ gọi tên. Đổi lại, họ không bao giờ xa cách, lạnh lùng mà luôn nở nụ cười tươi kèm theo lời chào vui vẻ. Và đó cũng là bí quyết để thành công.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem