Tìm bạn ở đoàn thể thao Triều Tiên

Nam Hải Chủ nhật, ngày 04/09/2011 13:48 PM (GMT+7)
Niềm cảm xúc không như mong đợi nhưng tôi đã tìm được những người bạn của mình ở đoàn thể thao Triều Tiên... Gặp họ, tôi đã hỏi những người Triều Tiên cùng thế hệ “Bạn ơi, còn nhớ tớ chăng?”- Và tất nhiên, họ vẫn nhớ đến một Việt Nam đầy ân tình.
Bình luận 0

Những lò phản ứng nhiệt hạch

Thế hệ sinh ngay sau năm 1975 ở Việt Nam như chúng tôi khá đặc biệt. Chúng tôi có những người bạn ở khắp thế giới, nhưng các bạn nhỏ Ukraine và Triều Tiên là thân thiết hơn cả. Sau thảm họa hạt nhân Chernobyl khủng khiếp, học sinh Việt Nam miệt mài với phong trào tìm vỏ dừa khô đóng góp để làm than hoạt tính gửi sang cho các bạn nhỏ Ukraine nhằm khắc phục hậu quả hạt nhân.

Bọn trẻ con đều bảo nhau viết dăm dòng chữ nguệch ngoạc lên những chiếc vỏ dừa để động viên các bạn nhỏ Chernobyl. Bây giờ nghĩ lại vẫn còn thấy buồn cười vì lúc ấy không ai biết những chiếc vỏ dừa trước khi đến Ukraine đã được đốt thành than và… xay nhỏ.

img
Các cầu thủ bóng đá nam CHDCND Triều Tiên với kiểu tóc y chang nhau.

Sau này, khi gặp nhiều người Ukraine cùng tuổi, nhắc lại chuyện ấy, chúng tôi lại ôm nhau như đã thân thiết nhau từ lâu lắm rồi.

Phong trào “Kế hoạch nhỏ” nổi tiếng của thiếu nhi Việt Nam mà chúng tôi tham gia cũng đã nhiều lần viện trợ lương thực cho các bạn nhỏ Triều Tiên. Trong số những người được nhận món quà vào thời kỳ ấy, chắc chắn sẽ có người ở trong đoàn thể thao CHDCND Triều Tiên thi đấu tại ASIAD 16 Quảng Châu. Tôi cũng muốn gặp vài người để ôn lại cái thời không xa nhưng ăm ắp cảm xúc ấy.

Tuy nhiên, các VĐV Triều Tiên thì hầu như chả ai biết tiếng Anh, vả lại chuyện hỏi han họ ở nơi thi đấu là chuyện không tưởng. Đáp lại mấy câu mà phóng viên Việt Nam học mót được trên phim truyền hình Hàn Quốc là những cái cúi mình, gật đầu lịch sự nhưng vẫn im lặng, đến nỗi có cậu phóng viên trẻ còn thắc mắc “Hay tiếng Hàn Quốc với tiếng Triều Tiên khác nhau (!?)”.

Tóm lại họ hệt như những cỗ máy mang trong mình một lò phản ứng nhiệt hạch. Ngay cả kiểu đầu cũng như nhau cả, con gái thì cắt tóc tém, con trai thì “húi móng lừa”.

Ai cũng nhớ hình ảnh gây nhiều cảm xúc trái ngược trong trận Việt Nam gặp Triều Tiên tại vòng đấu loại trực tiếp môn bóng đá nam. Cầu thủ Phúc Anh của ta có một cú vào bóng khủng khiếp như trong phim chưởng vào cầu thủ số 7 của đội bạn.

“Ăn” cả gầm giầy vào ống chân, cầu thủ này ngã vật xuống sân, ngay lập tức hầu như cả đội Triều Tiên lao thẳng đến nơi xảy ra tranh chấp, một cuộc ẩu đả lớn có khả năng sẽ xảy ra. Nhưng không! Các cầu thủ Triều Tiên làm thành một vòng tròn xung quanh cầu thủ bị chấn thương, không ai có một phản ứng gì, không cãi cọ, không xô đẩy…

Ngay cả cầu thủ số 7 kia cũng không dám có một phản ứng, anh nằm lặng lẽ rồi cũng lặng lẽ như thế, anh leo lên cáng ra sân. Chỉ đến khi ra khỏi sân, được chăm sóc xong anh chàng mới 19 tuổi kia mới ngồi vào một góc ôm mặt khóc nức nở… Có lẽ cậu chàng khóc không phải bởi đau, cũng không bởi tức giận mà bởi thất vọng vì không có cơ hội để cống hiến cho đội bóng, cho Tổ quốc và cho Kim Chủ tịch.

“Tôi rất nhớ gạo Việt Nam”

Sau khi cuộc tranh chấp Hàn Quốc – CHDCND Triều Tiên xảy ra, tình hình căng như dây đàn. Bác sĩ của đoàn Hàn Quốc, Park Won trên sân Aoti (sân đấu điền kinh) đã chủ động gặp báo chí để phát đi thông điệp: “Xin đừng trút bom đạn nữa. Hầu hết VĐV Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên đều rất lo cho tình hình ở quê nhà”.

Bên phía đoàn thể thao CHDCND Triều Tiên thì không có lấy một tuyên bố nào nhưng các VĐV Triều Tiên vào cuộc trong tất cả những lần tranh tài với một sức mạnh “như lên đồng”. Trên sàn đấu, sân đấu bất chợt người ta lại giật thót mình khi bất chợt có một VĐV Triều Tiên nào đó đấm thình thịch lên lồng ngực và hô to một câu không hề có trong các phim Hàn: “Kim Chủ tịch muôn năm”…

Đến nước này thì cơ hội để hỏi mấy anh bạn Triều Tiên rằng “Ngày xưa, gạo bọn tớ gửi cho các cậu có ngon không?” thành nỗi vô vọng.

May mắn vô cùng là hôm đến thăm Trường Chính trị do Hồ Chí Minh sáng lập ở phố Văn Minh – Quảng Châu, tôi đã được gặp những người Triều Tiên cùng thế hệ. Đoàn thể thao Triều Tiên tham quan ngôi trường đào tạo ra lứa đảng viên Đảng Cộng sản đầu tiên của Việt Nam có 10 người thì phần lớn đã cứng tuổi lắm rồi. Họ đều là các cán bộ của ngành thể thao Triều Tiên, không có ai là VĐV cả.

img
Món Kimpap làm từ gạo Việt Nam là một phần ký ức trẻ thơ của người Triều Tiên sinh ngay sau năm 1975.

Năn nỉ chị Lưu Hương, nhân viên bảo tàng mãi, chị mới đồng ý “dò hỏi” hộ tôi. Trong số ấy chỉ có Ae Jung Hea và Kim Park Lea, một người sinh năm 1977, một sinh năm 1978, trước là VĐV điền kinh, giờ chuyển sang công tác huấn luyện. Trong căn phòng mà các bậc lão thành cách mạng Việt Nam: Lê Hồng Phong, Hồ Tùng Mậu, Phùng Chí Kiên… đã từng ngồi học, thông qua chị Lưu Hương, tôi đã thỏa nguyện khi được trò chuyện với hai người bạn đã từng được mình “giúp gạo” trước kia. Hóa ra, trong tâm trí của họ, những câu chuyện ấy vẫn còn tươi mới.

Kim Park Lea cứ cười khúc khích mãi về cái món Kimpap làm từ gạo Việt Nam. Món ăn này chế biến như cơm nắm của ta nhưng ngoài cơm (nấu từ loại gạo rất dẻo của xứ Kim chi) còn được trộn thêm trứng, thịt, tôm…

Tuy nhiên, cái thời ấy (lúc Kim học lớp hai – quãng năm 1985) tại CHDCND Triều Tiên cũng như ở Việt Nam lấy đâu ra những thứ xa xỉ trứng, tôm, thịt như thế, món Kimpap mà mẹ làm cho Kim để mang đi học làm bằng gạo Việt Nam viện trợ, có nhân là củ cải muối.

Chiếc Kimpap ngon lành trong cặp của Kim khi đến gần trưa, sau buổi học lúc mở ra thì ôi thôi, cơm rời theo đường cơm, củ cải rời theo đường củ cải… Khi được biết loại gạo rời như vậy là gạo Bao thai hồng, Kim cứ nhắc đi, nhắc lại từ ấy mãi.

Tuy nhiên Ae Jung Hea thì lại khẳng định, gạo Việt Nam nếu dùng để chan canh nấu từ Kim chi (món dưa muối có rất nhiều ớt) thì lại ăn rất tuyệt. Đúng! Món gạo Bao thai hồng chan nước dưa muối, chúng tôi cũng chén suốt hồi bé, phải công nhận là cực ngon (thêm dăm quả cà với vài con cua rang nữa thì… thôi rồi).

Gạo VN cũng đã gây ấn tượng sâu đậm trong tâm tưởng của những người bạn Triều Tiên cũng giống như ký ức về những: Gạo tấm Ấn Độ, bột dinh dưỡng Tiệp Khắc… của những đứa trẻ VN như chúng tôi.

Câu chuyện đang vui thì Kim Park Lea lại hỏi một câu nghe đầy ân tình: “Khi gửi gạo cho bọn tôi, các bạn có nhiều đồ ăn không?”. Tôi thật thà kể ra những món ăn thời bao cấp của trẻ em Việt Nam hồi ấy: Có loại hạt bo bo mà “đầu vào” và “đầu ra” vẫn giữ nguyên vẹn hình dáng - có loại bánh làm từ bột sắn, ăn vào, mỗi khi ợ lên thấy nóng như muốn lòi con mắt ra ngoài - có loại mì sợi làm từ bột mì mà mẹ dặn “Đừng ăn miếng to quá, kẻo bị nghẹn”...

Cả hai người bạn Triều Tiên cùng thế hệ nghe câu chuyện tôi kể bất chợt nghẹn giọng rồi thì thầm với chị Lưu Hương. Chị Lưu Hương quay sang tôi: “Mấy đồng chí này bảo, không ngờ trẻ em Việt Nam thời kỳ ấy cũng “gian khổ” thế. Nhưng họ chỉ nhờ tôi phiên dịch với anh rằng: Họ cảm ơn thiếu nhi Việt Nam rất nhiều. Họ nói: Chúng tôi rất nhớ gạo Việt Nam”.

Mãi mãi một tuổi thơ

Cuộc nói chuyện 15 phút theo quy định của các lãnh đạo đoàn thể thao CHDCND Triều Tiên dành cho chúng tôi đã kết thúc. Và có lẽ, sau cuộc nói chuyện này, cả tôi và hai người bạn Triều Tiên ấy đều muốn trở về với một tuổi thơ trong trẻo khi chúng tôi nhường cho nhau những gì ngọt ngào nhất…

Mọi rào cản, mọi mâu thuẫn, mọi xung đột… hình như đều do người lớn nghĩ ra thì phải?

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem