Thế trận Liên Hoàn Giáp Mã và Thiết Phù Đồ có gì khác nhau?

Minh Anh Thứ sáu, ngày 12/06/2020 20:30 PM (GMT+7)
Đây là hai trận đồ nổi tiếng về ngựa đã được nhắc đến trong lịch sử Trung Quốc. Một có tên là Thiết Phù Đồ, một tên là Liên Hoàn Giáp Mã. Đó là những đội kỵ binh vô địch, tung hoành giữa chiến trận như “đi vào chỗ không người”, gây kinh hoàng cho địch quân. Thế nhưng chúng vẫn gặp khắc tinh và bị phá vỡ.
Bình luận 0

Theo thứ tự thời gian, trước hết phải nói đến Liên Hoàn Giáp Mã, vốn là sở trường của tướng Hô Diên Chước do triều đình nhà Bắc Tống điều đi để trấn áp quân Lương Sơn Bạc.

Thế trận Liên Hoàn Giáp Mã và Thiết Phù Đồ có gì khác nhau? - Ảnh 1.

Từ Ninh dùng câu liêm phá thế trận Liên Hoàn Giáp Mã. Ảnh: Youtube.

Liên Hoàn Giáp Mã là đội quân kỵ với khoảng ba chục con ngựa dàn hàng ngang, cả người lẫn ngựa đều mặc giáp dày kín đáo như tường thành. Tất cả đều được kết nối liền lạc thành một khối, chỉ hở bốn chân ngựa, vừa thường dài vừa cung tên đều lao lên cùng lúc, hết hàng này tới hàng khác. Cung tên không động đến được, quả thật lợi hại. Quân Lương Sơn Bạc bị thua to. Thủ lĩnh Tống Giang phải treo miễn chiến bài. Có người hiến kế mời tướng Từ Ninh, ngoại hiệu Kim Sang Ban, sở trường về đánh câu liêm có thể phá được Liên Hoàn Giáp Mã.

Quân sư Ngô Dụng của Lương Sơn bày kế đưa Từ Ninh về đầu Lương Sơn. Từ Ninh tuyển chọn 500 quân để tập luyện đánh câu liêm. Cứ 10 lính đánh câu liêm, xen lẫn với 10 lính đánh gậy móc. Trong khi đội câu liêm phá ngựa liên hoàn thì quân gậy móc bắt sống người. Quân Liên Hoàn Giáp Mã đã bị dụ vào rừng lau và trúng phải đội quân câu liêm mai phục móc vào chân ngựa khiến cả đám bị gục ngã và bị bắt sống toàn bộ. Hô Diên Chước đại bại, không còn đường về, về sau cũng đành phải quy hàng Lương Sơn Bạc.

Trận kỵ binh thứ hai là Thiết Phù Đồ. Trong cuộc nam chinh xâm lăng Nam Tống, tướng nước Kim là Kim Ngột Truật đã thất trận trước danh tướng nhà Tống là Nhạc Phi. Buộc lòng hắn phải sử dụng đến đội quân bách thắng Thiết Phù Đồ. Đây là đội kỵ binh tinh nhuệ. Cứ ba lính kỵ nối thành một đội, cả người lẫn ngựa đều mặc giáp rất dày. Lại có hai đội kỵ binh yểm trợ hai bên gọi là Quải Tử Mã.

Ban đầu đội quân này đã gieo rắc kinh hoàng cho quân Tống. Nhạc Phi theo dõi và nghiên cứu cách phá trận. Ông lệnh cho tiền quân mỗi người mang theo một cây búa, chờ cho kỵ binh Kim xung trận thì họ cứ nhằm chân ngựa mà chém. Cứ thế, quân Tống đã đánh cho Thiết Phù Đồ và Quải Tử Mã của quân Kim đến lạc hoa lưu thủy. Nghe tin bại trận, Ngột Truật đã khóc lóc thê thảm, nói: "Từ ngày khởi binh đến nay, toàn dựa vào Quải Tử Mã mà chiến thắng, nay không còn hy vọng gì nữa".

Nói chung, hai trận Liên Hoàn Giáp Mã và Thiết Phù Đồ tuy có khác nhau chút ít nhưng đại thể cũng tương tự như nhau. Cách phá trận của Từ Ninh và Nhạc Phi, kẻ dùng câu liêm móc chân ngựa, người dùng dao chém chân ngựa, cũng đều là lối đánh vào hạ bàn đối phương để phá vỡ thế trận "liên hoàn mã".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem