“Thép đã tôi” của một “Trung đoàn thép”

Thứ sáu, ngày 15/11/2013 09:42 AM (GMT+7)
Hàng năm cứ đến ngày 20.11, toàn thể cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn BB1 dù đang tại ngũ hay đã trở về với đời thường trên mọi nẻo đường đất nước lại dậy lên niềm xúc động và tự hào hướng về ngày kỷ niệm thành lập.
Bình luận 0
Ngày kỷ niệm thành lập trung đoàn năm nay càng mang ý nghĩa đặc biệt: Trọn nửa thế kỷ trung đoàn đã đi suốt cuộc trường chinh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế trên đất bạn. Cùng với những địa danh Ba Gia, Vạn Tường, Đăk Tô, Đường 9 – Nam Lào, chiến công của trung đoàn đã đi vào lịch sử như những trang vàng chói lọi nhất: 3 lần được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT; 5 cá nhân, 3 tập thể được tuyên dương anh hùng; 11 vị tướng, 5 sư đoàn trưởng, 2 tư lệnh quân khu đã tôi luyện và trưởng thành từ đội ngũ trung đoàn…

Trên mảnh đất Khu V gian khổ quật cường

Tháng 6.1988, khi nhân dân Campuchia mở rộng cửa đón nhận cuộc sống hòa bình thì trung đoàn mới tự coi mình được là người lính thời bình… Chẵn một phần tư thế kỷ với số trận đánh tính bằng con số ngàn, đối mặt với đủ sắc lính thiện chiến và hung hãn nhất của Mỹ - ngụy, trong đội ngũ điệp trùng áo lính, thành tích của trung đoàn nổi bật với những ngôi sao sáng chói nhất: Diệt nhiều tiểu đoàn và đại đội địch nhiều nhất; loại khỏi vòng chiến đấu nhiều địch nhất; bắt nhiều tù binh nhất; cơ động nhiều nhất; có những cuộc hành quân dài ngày nhất…

Tuy nhiên, trong số những trận đánh tính bằng con số ngàn làm nên bảng thành tích chói lọi ấy, chỉ với 2 trận Ba Gia, Vạn Tường thì tên tuổi của trung đoàn cũng đủ trở thành bất tử… Trận Ba Gia mở màn ngày 30.5.1965. Chỉ sau 16 giờ chiến đấu anh dũng và mưu trí, trung đoàn đã tiêu diệt hoàn toàn 1 chiến đoàn quân ngụy gồm 3 tiểu đoàn, diệt hơn 900 tên, bắt sống 65 tên… Chiến thắng Ba Gia từ đây đã gắn liền tên tuổi trung đoàn. Trung đoàn được mang tên “Đoàn Ba Gia”.

Các cựu binh và những người lính trẻ cùng ca vang bài ca truyền thống trung đoàn.
Các cựu binh và những người lính trẻ cùng ca vang bài ca truyền thống trung đoàn.

Nếu Ba Gia là trận thắng đánh dấu sự sụp đổ cuộc “chiến tranh cục bộ” của Mỹ - ngụy thì Vạn Tường là trận thắng được Bí thư thứ nhất Đảng Lao động Việt Nam Lê Duẩn đánh giá “chẳng khác nào trận Ấp Bắc đối với quân ngụy đầu năm 1963, là “bước ngoặt chứng minh một cách hùng hồn rằng Quân giải phóng miền Nam hoàn toàn có khả năng đánh bại được quân đội Mỹ…”. Vạn Tường là một làng nhỏ thuộc xã Bình Hải (Bình Sơn, Quảng Ngãi).

Đầu tháng 8.1965 khi phát hiện được nơi đứng chân của trung đoàn, quân Mỹ liền tổ chức cuộc hành quân mang tên “Ánh sao” do viên đại tá Oscar Petross chỉ huy với mục đích “bóp chết trung đoàn”. Một lực lượng lớn được chúng huy động với khoảng 8.000 quân, 30 khẩu pháo, 1 tiểu đoàn xe tăng, thiết giáp; 100 máy bay lên thẳng, 70 máy bay phản lực – chưa kể số hỏa lực chi viện trên 3 tuần dương hạm.

Mờ sáng ngày 18.8.1965, trận đánh mở màn. Tin chắc vào ưu thế hỏa lực và quân số, quân Mỹ đã không ngờ giấc mộng trở thành ác mộng… Sau 1 ngày chiến đấu tuyệt vời dũng cảm và mưu trí, trung đoàn đã loại khỏi vòng chiến đấu hơn 900 tên, bắn cháy 13 máy bay trực thăng, 22 xe tăng, xe bọc thép… Với chiến công xuất sắc Vạn Tường, trung đoàn đã được thưởng Huân chương Quân công Giải phóng hạng Nhất. Khẩu hiệu truyền thống của trung đoàn lại được viết tiếp “dũng mãnh như Vạn Tường”…

Sinh ra và chiến đấu trên mảnh đất Khu V – chiến trường gian khổ và ác liệt vào bậc nhất - để viết nên những chiến công ngỡ như huyền thoại ấy, những gian khổ, hy sinh mà bao thế hệ cán bộ, chiến sĩ trung đoàn đã chịu đựng khó kể hết thành lời… Đại tá Trần Nghĩa Tiếp-nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 60 nhớ lại: Vừa kiếm cơm ăn, vừa đánh giặc là chuyện gần như ngày thường của người lính trung đoàn. Nói “cơm”, thực ra là bất cứ thứ gì có thể ăn được để sống mà đánh giặc: Cây móng ngựa, củ mài, củ chuối, môn thục…

Có những thời điểm ác liệt như năm 1969, mỗi ngày mỗi người được phát 1 lon bắp, chỉ dám rang lên ăn để cầm hơi. Thương binh cũng chỉ nửa lon gạo nấu cháo mỗi ngày; bông băng phải giặt bằng tro bếp dùng lại; sốt rét nấu lõi ụ mối uống thay thuốc… Có những thời điểm cán bộ, chiến sĩ trung đoàn hy sinh vì đói khát, bệnh tật hơn cả ra trận đánh giặc… Gian khổ, ác liệt là thế nhưng ai được đứng trong đội ngũ trung đoàn cũng đều lấy làm vinh dự, tự hào…

Có thể nói truyền thống chịu đựng gian khổ, ý chí quyết chiến quyết thắng đã làm nên những phẩm chất tuyệt vời của người lính trung đoàn. Có biết bao câu chuyện ngỡ như huyền thoại: Độn thổ đánh xe tăng, dùng súng cối diệt máy bay địch… Đại úy cựu chiến binh Trần Ngọc Thuận vẫn nhớ mãi một kỷ niệm ngỡ như là giai thoại của chính ông: Đánh giặc… mồm. Với một đại đội chỉ còn 18 người, vậy mà trong trận suối Cát, lẽ ra phải “mở đường máu” thì ông đã dùng miệng chỉ huy “tiểu đoàn” khiến địch hốt hoảng bỏ chạy…

Đối mặt với một kẻ thù được trang bị đến tận răng nhưng bất luận chúng là sắc lính nào, lỳ lợm và xảo quyệt đến mức nào, trung đoàn vẫn luôn giành chiến thắng. Cái tên “Đoàn Ba Gia” trở thành nỗi khiếp sợ của kẻ thù không chỉ bởi tinh thần quả cảm, mưu trí, mà còn bởi lòng nhân ái. Trung tá Trần Văn Tầng kể rằng đã có lần ông bẻ đôi nắm cơm ít ỏi của mình chia cho tù binh ngụy… Phẩm chất vẹn toàn của người lính trung đoàn đã khiến cả Vi Văn Bình – Sư đoàn phó Sư đoàn 23 ngụy bị bắt sống trong trận Đăk Tô – Tân Cảnh đã phải cảm khái: “Kha kha – giấc Nam kha đã phũ phàng/Cuộc đời binh nghiệp xin hàng từ đây…”.

Chất thép giữa thời bình

Hoàn thành nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia, tháng 4.1988, trung đoàn về đứng chân trên địa bàn huyện An Khê – cửa ngõ bắc Tây Nguyên. Nhiệm vụ của trung đoàn trong thời kỳ mới là huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, giúp đỡ nhân dân trên địa bàn đứng chân. Với chất thép truyền thống, trung đoàn không chỉ huấn luyện giỏi, mà còn biến một vùng đất hoang hóa của căn cứ Mỹ trong chiến tranh trở thành doanh trại khang trang, một “trang trại tổng hợp” đảm bảo phần lớn thịt cá, rau xanh đảm bảo sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ…

Thép đã tôi – hai thời kỳ, chất thép Đoàn Ba Gia – Trung đoàn BB1 vẫn sáng ngời ánh thép…

Huấn luyện giỏi, tinh thần sẵn sàng chiến đấu cao, trung đoàn cũng luôn là đơn vị thực hiện tốt công tác giúp đỡ nhân dân trên địa bàn, tạo dấu ấn đẹp trong lòng dân hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ”…

Chỉ từ năm 2008 trở lại đây, trung đoàn đã tổ chức 20 lượt ra quân với hơn 10.000 ngày công nạo vét hàng ngàn mét kênh mương; tu sửa, làm mới hàng trăm km đường liên thôn, liên xã; khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho hơn 1.700 người dân; tham gia xóa đói, giảm nghèo cho 8 hộ gia đình… Đó là chưa kể nhiều hoạt động khác như xây tặng nhà tình nghĩa, chung sức xây dựng nông thôn mới… Với những thành tích xuất sắc, 3 năm liên tục (2010 – 2012) trung đoàn đều được Bộ Quốc phòng tặng cờ Đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua Quyết thắng…

Thép đã tôi – hai thời kỳ, chất thép Đoàn Ba Gia – Trung đoàn BB1 (Sư đoàn BB2 Quân khu V) vẫn sáng ngời ánh thép…
Ngọc Tấn (Ngọc Tấn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem