Cá tra Việt sẽ làm “mưa gió” ở thị trường Mỹ, EU 2019?

Vinh Khánh Thứ tư, ngày 16/01/2019 14:00 PM (GMT+7)
Theo Bộ NNPTNT, Việt Nam hiện là nước xuất khẩu cá tra lớn nhất thế giới, tập trung chủ yếu tại thị trường Mỹ (chiếm 91% thị phần) và Trung Quốc (chiếm 9% thị phần). Với những tín hiệu tích cực từ các thị trường, năm 2019 được dự báo vẫn là một năm khởi sắc của cá tra Việt.
Bình luận 0

Kim ngạch xuất khẩu ấn tượng

Cá tra là một trong những mặt hàng nông nghiệp xuất khẩu chủ lực và tăng mạnh nhất trong năm 2018. Giá trị kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt 2,26 tỷ USD, tăng 26,4% so với năm 2017. hội 

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), có được mức tăng trưởng cao trên là nhờ giá cá tra tăng, nhiều doanh nghiệp đầu tư vào chế biến sản phẩm cá tra có giá trị gia tăng cao, đẩy giá và giá trị xuất khẩu cá tra đi lên. Dự báo, kim ngạch xuất khẩu cá tra có thể vẫn giữ mức 2,2 tỷ USD trong năm 2019.

img

Chế biến cá tra xuất khẩu tại một nhà máy ở An Giang.  Ảnh: V.K

Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng Thư ký VASEP cho biết, để có được thành tích này, Việt Nam đã mất nhiều năm tích lũy về thương hiệu, chất lượng, chế biến… và Việt Nam đang nằm trong nhóm 5 nước cung cấp thủy sản trên thế giới. Hiện giá nguyên liệu cá tra xuất khẩu vẫn ổn định ở mức cao, nên đã có nhiều doanh nghiệp (DN) đầu tư vào chế biến sản phẩm cá tra.

Tuy nhiên, trong những năm tới, thách thức vẫn còn với cá tra, gồm các chương trình tại khu vực châu Âu, Mỹ… về kiểm soát nhập khẩu, sẽ tiếp tục là những điểm nhấn mà các doanh nghiệp phải cùng với cơ quan nhà nước phải chung tay nhiều hơn để vượt qua. Khi vượt qua, đồng nghĩa với việc năng lực cạnh tranh của cá tra Việt Nam sẽ được cải thiện hơn.

Theo Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), pháp lý và dư cung là những rủi ro đến từ thị trường nội địa mà các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản thường xuyên gặp phải. Thiếu hụt cá giống và cá tra gây ra sự tăng vọt đáng kể về giá kể từ đầu năm 2017.

Nhiều nông dân đang đổ xô nuôi cá giống và cá nguyên liệu, điều này có thể dẫn đến tình trạng cung cá nguyên liệu dư thừa khi nhiều trang trại cùng bước vào mùa thu hoạch. Giá bán cá nguyên liệu cho các nhà máy có thể lao dốc. Các trang trại có thể chịu thiệt hại lớn và ngừng thả giống cho mùa vụ tiếp theo, điều này sẽ dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguyên liệu trong các vụ mùa tiếp theo.

Hưởng lợi từ... chiến tranh thương mại

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc tuy ảnh hưởng đến nhiều nền kinh tế, trong đó có Việt Nam, nhưng lại có những tác động tích cực tới một số mặt hàng xuất khẩu. Do đó, năm 2019, cá tra là một trong những ngành được hưởng lợi nhiều nhất nhờ nhu cầu gia tăng tại Trung Quốc và các rào cản thương mại tại Mỹ.

Theo VDSC, nếu chiến tranh thương mại Mỹ - Trung vẫn căng thẳng, Việt Nam hoàn toàn có thể tăng thị phần xuất khẩu cá tra vào Mỹ, thay thế cho cá rô phi Trung Quốc vốn đang chiếm 40% trong tổng sản lượng cá nhập khẩu của Mỹ.

Trong đó, các rào cản ở Mỹ đã giảm bớt. Việt Nam vượt qua các cuộc kiểm tra thực địa của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), bước quan trọng nhất trong quy trình đánh giá tương đương ban đầu được thiết lập bởi Cơ quan Kiểm định và An toàn Thực phẩm Mỹ (trực thuộc USDA).

Ngoài ra, thuế chống bán phá giá sơ bộ đối với cá tra trong kỳ xem xét hành chính lần thứ 14 (POR 14) thấp hơn đáng kể so với POR 13. Nhờ đó, khối lượng xuất khẩu sang thị trường Mỹ sẽ tăng mạnh trong năm 2019.

Đối với thị trường Mỹ và EU, tiềm năng lớn gia tăng lợi nhuận với các sản phẩm có giá trị cao. Các sản phẩm ăn liền và nấu sẵn được ưa chuộng nhất tại hai thị trường này, nơi khách hàng có thu nhập cao. Tỷ suất lợi nhuận gộp của các sản phẩm này là 22 - 25%, so với 12 - 16% của philê đông lạnh.

Ngoài ra, dân số thế giới sẽ vượt 8,5 tỷ người vào năm 2030. Tuy nhiên, ngành đánh bắt cá từ tự nhiên sẽ không tăng trưởng để đảm bảo đa dạng sinh học. Tỷ lệ cá nuôi trong tổng nguồn cung cấp cá sẽ tăng từ 47% trong năm 2016 lên 54% vào năm 2030. Các công ty sản xuất cá tra sẽ có cơ hội lớn để mở rộng sản xuất.

Để nâng chất lượng cá tra xuất khẩu, ông Trần Đình Luân - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, Tổng cục Thủy sản đang cùng doanh nghiệp xây dựng thương hiệu cá tra phi lê chất lượng cao. Nghiên cứu, bổ sung thêm hàm lượng các chất dinh dưỡng, để chất lượng cá tra phi lê cao hơn, cải tiến quy trình công nghệ chế biến, để sản phẩm cá tra phi lê xuất khẩu chất lượng tốt hơn.

“Bên cạnh đó, sẽ nghiên cứu chọn giống, cần thay thế đàn cá bố mẹ để nâng cao năng suất, chất lượng, truy suất nguồn gốc. Nâng cao các sản phẩm chế biến giá trị gia tăng, tận dụng các sản phẩm còn lại của chế biến để sản xuất các sản phẩm giá trị gia tăng” - ông Trần Đình Luân nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem