Cần chuẩn bị điều kiện gì cho vải thiều sang Nhật?

Minh Ngọc Thứ tư, ngày 25/12/2019 20:18 PM (GMT+7)
Sau hơn 5 năm đàm phán, ngày 15/12, Việt Nam chính thức được phép xuất khẩu vải thiều vào thị trường Nhật Bản. Để tận dụng cơ hội này, Bộ trưởng NNPTNT Nguyễn Xuân Cường đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của Bộ tiếp tục phối hợp chặt chẽ, hướng dẫn kỹ thuật, khâu đóng gói, xử lý đối với vải thiều của tỉnh Bắc Giang trước khi chính thức có mặt ở thị trường Nhật Bản.
Bình luận 0

Sẵn sàng đón cơ hội mới

Sáng 22/12, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã đi kiểm tra thực tế và làm việc với tỉnh Bắc Giang về các nội dung thúc đẩy chăn nuôi gia súc, gia cầm, tái đàn lợn… chuẩn bị nguồn cung thực phẩm phục vụ tết; chuẩn bị các điều kiện để xuất khẩu lô vải tươi đầu tiên sang thị trường Nhật Bản.

img

  Nông dân Bắc Giang chăm sóc vườn vải thiều. Ảnh: P.V

Doanh thu từ vải thiều và các hoạt động phụ trợ của Bắc Giang đạt 6.365 tỷ đồng; trong đó tổng giá trị thu được từ sản xuất đạt 4.675 tỷ đồng (tăng 1.223 tỷ so với 2018). Năm 2019 là năm đầu tiên huyện Lục Ngạn có sản phẩm vải thiều sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ. Các vườn vải tham gia mô hình có camera giám sát, nhật ký chăm sóc điện tử. Đối với thị trường xuất khẩu, chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc qua đường chính ngạch (đạt 78.989 tấn, chiếm 99,1% sản lượng xuất khẩu).

Với các yêu cầu khắt khe về kiểm dịch thực vật, quả vải thiều Việt Nam xuất khẩu vào Nhật Bản phải được trồng tại các vườn được Cục Bảo vệ thực vật kiểm tra, giám sát và cấp mã số vùng trồng, đáp ứng quy định về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm của Nhật Bản.

Tiếp theo đó, lô quả vải xuất khẩu phải được đóng gói và xử lý xông hơi khử trùng bằng Methyl Bromide tại các cơ sở được Cục Bảo vệ thực vật và Bộ Nông - lâm - ngư nghiệp Nhật Bản (MAFF) công nhận với liều lượng tối thiểu là 32g/m3 trong thời gian 2 giờ dưới sự giám sát của cán bộ kiểm dịch thực vật Việt Nam và Nhật Bản. Các lô quả vải thiều xuất khẩu phải kèm theo giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật do Cục Bảo vệ thực vật cấp.

Để xây dựng chiến lược cho vải thiều Việt Nam trước khi xuất khẩu sang thị trường khắt khe như Nhật Bản, làm việc với tỉnh Bắc Giang, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị địa phương cần chuẩn bị kỹ càng trước mùa vải mới, sẵn sàng đưa lô vải thiều đầu tiên chính thức đi Nhật Bản sau khi được cho phép xuất khẩu đối với vải thiều của nước ta.

"Ngay từ khi vải chưa ra hoa, tỉnh cần giao đơn vị chuyên môn lựa chọn vùng trồng thích hợp, trong đó, đặc biệt là diện tích vải đạt chuẩn GlobalGAP, lên kế hoạch chuẩn bị cho xuất khẩu khi vào vụ” - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

Đây cũng là gợi ý của Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đối với tỉnh Bắc Giang trong việc chuẩn bị toàn diện các điều kiện trước khi xuất khẩu vải thiều đi Nhật Bản. Trước khi vải ra hoa, địa phương cần xây dựng kế hoạch bài bản, phối hợp với Bộ NNPTNT, phía đối tác để khi xuất khẩu, chúng ta sẽ chủ động được nguồn cung, có những hướng đi đúng đắn cho vải thiều của Việt Nam tại "sân chơi" quốc tế.

Tăng diện tích trồng vải an toàn

Hiện, diện tích trồng vải toàn tỉnh Bắc Giang duy trì trên 28.300ha; trong đó, diện tích vải sản xuất sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP là 218ha được Mỹ cấp mã số IRADS với 394 hộ sản xuất.

“218ha vải đạt tiêu chuẩn GlobalGAP của tỉnh là cơ sở, điều kiện đáp ứng đủ các tiêu chuẩn để có thể xuất đi Nhật Bản” - ông Dương Văn Thái - Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang khẳng định.

“Năm nay, thời tiết chưa lạnh, cây vải có thể thiếu những điều kiện thuận lợi nên địa phương cần lưu ý chăm sóc, bên cạnh đó, việc phòng trừ sâu bệnh cũng phải đảm bảo các tiêu chuẩn phía bạn sẽ đưa ra” - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói. Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, trong thời gian tới, Bộ NNPTNT sẽ cử lực lượng chuyên môn, một số doanh nghiệp cùng địa phương xây dựng kế hoạch chi tiết, bài bản, bao gồm các bước từ mẫu mã, bao bì, tiêu chuẩn, kỹ thuật… để đưa những lô vài thiều đầu tiên ra thị trường Nhật Bản. Người đứng đầu Bộ NNPTNT yêu cầu tỉnh Bắc Giang phải có hướng đi bài bản, căn cơ để sớm xuất khẩu chính thức lô vải đầu tiên sang Nhật Bản, Bộ trưởng nêu rõ: “Nếu làm tốt việc này, chúng ta sẽ chủ động và mở rộng được thị trường”.

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Dương Văn Thái cho biết, tiếp tục đà thắng lợi của mùa vải 2019, thời gian tới, tỉnh sẽ đẩy mạnh sản xuất, mở rộng vùng trồng vải hữu cơ, kết hợp kiểm soát chất lượng chặt chẽ để không chỉ chinh phục được thị trường Nhật mà tiến xa hơn còn có thể xuất sang thị trường Mỹ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem