Đắk Nông hợp tác nước ngoài nâng chất và lượng quả bơ đặc sản

Duy Hậu Chủ nhật, ngày 22/07/2018 20:03 PM (GMT+7)
Trên địa bàn tỉnh Đăk Nông, hiện nông dân trồng nhiều giống bơ ngon nổi tiếng như 34, 36, booth, sáp da xanh, sáp da vàng, Trịnh Mười… Tuy nhiên cây bơ ở đây chủ yếu được trồng theo kiểu tự phát, phân tán, đặc biệt những năm gần đây diện tích tăng khá nhanh, dẫn đến những mối lo về cung vượt cầu.
Bình luận 0

"Thay da đổi thịt" nhờ trồng bơ

Theo khảo sát của Sở NNPTNT tỉnh Đăk Nông, đến tháng 5.2018, toàn tỉnh này có 2.583ha bơ, trong đó có gần 1.900ha được trồng xen. Sản lượng bơ năm 2017 toàn tỉnh đạt 4.253 tấn, năm 2018 ước đạt 11.164 tấn quả.

Báo cáo này cho thấy, hiện nay tỉnh này chỉ mới có quy hoạch chung về vùng sản xuất cây ăn quả tập trung (gồm các vùng: Cư Jút - Bắc Krông Nô, Đăk Mil, thị xã Gia Nghĩa và vùng Đăk Rlấp - Tuy Đức). Về việc quy hoạch cây bơ, tỉnh chỉ mới có định hướng vùng tập trung trồng cây bơ chứ chưa có quy hoạch cụ thể.

img

  Người dân Đăk Nông chọn lựa bơ để bán ra thị trường.   Ảnh: I.T

Tại hội thảo “Phát triển bơ bền vững” được UBND tỉnh Đăk Nông tổ chức mới đây, đại diện các bên gồm Công ty SAM  Agritech, Cơ quan hợp tác Chính phủ New Zealand, Viện Nghiên cứu cây trồng và thực phẩm New Zealand đã ký “Thỏa thuận dịch vụ sản xuất bơ tại tỉnh Đăk Nông”.

Ông Trần Xuân Hải - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Đăk Nông cho biết, thời gian tới địa phương sẽ chú trọng công tác nghiên cứu thị trường bơ thế giới để có chiến lược phát triển bơ phù hợp; xây dựng đề án phát triển vùng chuyên canh bơ với loại giống tốt, công nghệ canh tác tiên tiến, tạo ra sản phẩm chất lượng cao...

Sở NNPTNT đánh giá, Đăk Nông có địa hình, khí hậu, thổ nhưỡng đặc trưng, đất đai khá phong phú và đa dạng, trong đó nhóm đất đỏ bazan phân bố rộng trên địa hình đồi, núi cao, xen giữa thung lũng sâu và bình nguyên, có nguồn nước dồi dào từ hệ thống sông, hồ, đập phân bố trên địa bàn tỉnh là những ưu thế chính tạo thuận lợi cho tỉnh phát triển các vùng sản xuất chuyên canh cây trồng như: Cà phê, cao su, hồ tiêu, khoai lang, rau, hoa và đậu các loại... đặc biệt là cây bơ.

Với địa hình, thổ nhưỡng phù hợp để phát triển các giống bơ như:  34,  36, booth,  Hass reed, Hass,  sáp da xanh, sáp da vàng, Cuba, Trịnh Mười…, tỉnh Đăk Nông đang trở thành vùng chuyên canh bơ có chất lượng cao ở Tây Nguyên.

Năng suất bình quân trái bơ trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 10 - 15 tấn/ha. Cây bơ dễ trồng, ít sâu bệnh, chi phí chăm sóc chỉ bằng 1/3 so với trồng các loại cây lâu năm khác. Với giá bơ luôn ổn định suốt nhiều năm qua, nông dân có thể thu nhập từ 300-500 triệu đồng/ha/năm. 

Cũng theo Sở NNPTNT, quả bơ của địa phương đang được người tiêu dùng trong nước và quốc tế ưa chuộng vì cây bơ mọc trên nền đất đỏ bazan được hòa trộn với các khoáng chất hình thành từ núi lửa phun trào nên đã cho những trái bơ to hơn, dẻo hơn, màu vàng sậm hơn, mẫu mã đẹp hơn và chín kéo dài so với bơ các địa phương khác.

Ngoài ra, với sự chênh lệch về nhiệt độ giữa ngày và đêm khá lớn, đây là điều kiện khác biệt tạo nên hương vị đặc trưng của sản phẩm bơ tỉnh Đăk Nông.

Vẫn còn nhiều rào cản

Theo Sở NNPTNT tỉnh Đăk Nông, diện tích cây bơ có thể mở rộng ở các địa phương trên cơ sở rà soát chuyển đổi cơ cấu giống, chuyển đổi diện tích cây trồng khác có hiệu quả thấp, trồng xen canh trong vườn cây công nghiệp như: Cà phê, hồ tiêu... Việc này vừa góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, vừa góp phần nâng cao thu nhập và giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động nông thôn.

img

Vườn bơ sản xuất theo quy trình VietGAP của Công ty TNHH MTV Sản xuất Thương mại Dịch vụ bơ M’nông, xã Đắk R’moan, thị xã Gia Nghĩa (Đắk Nông). Ảnh: I.T

Theo đó, nếu chú trọng đầu tư thâm canh tăng năng suất, phát triển theo hướng bền vững, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm thì cây bơ sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao, phục vụ nhu cầu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu.

Tuy nhiên, nhiều vấn đề về phát triển cây bơ ở Đăk Nông cũng đã được đặt ra, trong đó hạn chế lớn nhất là quy mô sản xuất nhỏ lẻ, phân tán, khó khăn cho công tác đầu tư, quản lý chất lượng, tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, vốn đầu tư để trồng 1ha bơ tương đối lớn, hầu hết các hộ trồng đều có nhu cầu vay vốn, nhưng đang gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng hoặc mức cho vay thấp, lãi suất vay còn cao.

Năng suất và chất lượng bơ của Đăk Nông hiện nay còn thấp so với năng suất tiềm năng. Đây là một trong những hạn chế lớn làm giảm sức cạnh tranh trên thị trường và hiệu quả sản xuất.

Ông Lê Trọng Yên - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Đăk Nông cho hay, ngày trước, người dân địa phương trồng bơ chủ yếu để làm hàng rào và lấy bóng mát, quả bơ dùng để ăn trong nhà hoặc bán tại các chợ ở địa phương. Những năm gần đây, bơ dần trở thành một trong những loại quả có giá trị kinh tế cao, giá cũng tăng lên theo từng mùa. Do vậy, các hộ nông dân trong tỉnh có xu hướng mở rộng diện tích vườn bơ, đem lại nguồn thu nhập chính cho hàng chục nghìn hộ gia đình. 

Mặc dù vậy, các giống bơ đưa vào sử dụng vẫn chưa được kiểm định chất lượng, không có chứng nhận nguồn gốc, xuất xứ.

"Thông qua chương trình hợp tác với New Zealand, nông dân sẽ có cơ hội được tiếp cận nguồn giống bơ chất lượng, mang lại năng suất và hiệu quả sản xuất cao. Với chiến lược khoa học, khả năng nắm bắt cơ hội cùng sự nỗ lực của địa phương, trong thời gian tới, cây bơ Đăk Nông hứa hẹn sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nữa trên cả thị trường trong và ngoài nước” - ông Yên nhấn mạnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem