Dân trồng đinh lăng Sông Lô nhờ Traphaco giải cứu nhưng không được

Khánh Nguyên Thứ ba, ngày 24/04/2018 16:02 PM (GMT+7)
Trồng theo phong trào, tự phát, không có hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm, nông dân huyện Sông Lô (tỉnh Vĩnh Phúc) đang sống dở chết dở với cây đinh lăng cao sản. Hiện, hàng chục hecta đinh lăng không có người mua, trong khi các công ty dược cũng không thể giúp đỡ.
Bình luận 0

Trao đổi với phóng viên Dân Việt trưa ngày 24.4, ông Nguyễn Tiến Phú, Chủ tịch UBND xã Phương Khoan, huyện Sông Lô cho biết, hiện hàng chục hecta đinh lăng cao sản trên địa bàn không có thương lái nào hỏi mua, hoặc nếu có ai mua thì cũng với giá rất thấp, chỉ trên dưới 10.000 đồng/kg.

“Nhìn đinh lăng của bà con ế thừa chẳng có ai thèm hỏi mua chúng tôi cũng rất đau lòng mà không biết làm thế nào. Lãnh đạo xã đã liên hệ với các công ty dược, thậm chí nhờ cả Công ty CP TRAPHACO thu mua giúp mà cũng không được”, ông Phú cho biết thêm.

img

Người dân xã Phương Khoan đau đầu vì đinh lăng cao sản không có đầu ra. Ảnh: Việt Sơn.

Cũng theo ông Phú, nguyên nhân khiến các công ty dược không mặn mà với đinh lăng cao sản vì hàm lượng tinh dầu của loại cây này rất thấp. “Thực tế, đinh lăng lá nhỏ (hay còn gọi là đinh lăng nếp) người ta vẫn thu mua với giá khoảng 50.000 đồng/kg cả lá, thân rễ. Còn đinh lăng cao sản thì không ai thèm ngó ngàng tới vì giá trị làm thuốc không đáng kể”, ông Phú nói.

Ông Phú thông tin, hiện trên địa bàn xã Phương Khoan có khoảng 20ha trồng đinh lăng cao sản, còn nếu tính trên địa bàn huyện Sông Lô thì con số phải lên đến cả trăm hecta.

“Xã chúng tôi không có chủ trương khuyến khích bà con trồng đinh lăng cao sản ngay cả khi loại cây này được giá, diện tích đinh lăng này là do bà con trồng tự phát, theo phong trào, trong khi không có mối liên kết tiêu thụ ổn định nào, chủ yếu phụ thuộc vào thương lái nên mới dẫn đến tình trạng này”, ông Phú cho biết.

Được biết, phong trào trồng đinh lăng diễn ra ồ ạt ở Phương Khoan và nhiều xã trên địa bàn huyện Sông Lô từ vài năm trước do nhiều hộ thu lãi lớn nhờ trồng loại cây này. Có những thời điểm, 60 – 70% số hộ dân trong xã tham gia trồng đinh lăng với diện tích lên tới 20ha, khắp trong vườn, đồng ruộng, trên đồi, đâu đâu cũng thấy đinh lăng.

Ông Phú bày tỏ nguyện vọng: “Rất mong báo chí kết nối với các cá nhân, đơn vị có nhu cầu mua đinh lăng cao sản để tiêu thụ cho nông dân xã Phương Khoan, giúp bà con bớt phần nào khó khăn. Mọi thông tin có thể liên hệ với tôi qua số điện thoại: 0966449933”.

Đinh lăng lai hay đinh lăng tàu thuộc dòng đinh lăng, là cây lâu năm, nhìn thoáng qua giống lá chè hay lá cây lát hoa;có thể sống đến vài chục năm, ưa ẩm, ưa sáng, chịu hạn tương đối, chịu bóng, không chịu được ngập úng. Cây trồng thích hợp ở các ruộng chân cao, thoát nước tốt hoặc có thể trồng xen canh dưới tán cây lâm nghiệp. Cây có thể chịu hạn tốt. Tuy nhiên, nếu được trồng tại các vùng đất ẩm nhưng không bị úng nước cây phát triển nhanh, năng suất có thể đạt từ 1 -1,3kg/cây sau 1 năm trồng. Sau 2 năm có thể đạt từ 2,5-3,5kg; 3 năm cây có thể đạt được 5kg; có những cây cá biệt cây có thể lên đến 7-8kg.

Theo các chuyên gia Đông y, dinh lăng cao sản không có giá trị làm thuốc cao như đinh lăng ta. Một thời gian, phong trào thu mua đinh lăng ta phát triển rầm rộ, nhiều thương lái thu mua cả đinh lăng cao sản trà trộn vào, đẩy giá lên cao khiến người dân đua nhau trồng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem