Dự án nghìn tỷ "hấp hối", Đạm Ninh Bình đề nghị vay 350 tỷ giải cứu

Đức Minh Thứ bảy, ngày 24/02/2018 06:50 AM (GMT+7)
Nợ nần chồng chất, Đạm Ninh Bình, một trong 12 dự án nghìn tỷ thua lỗ của ngành Công thương lại muốn vay thêm 350 tỷ đồng để cứu nhà máy.
Bình luận 0

Trong buổi làm việc mới đây với Bộ trưởng Bộ Công Thương, Trần Tuấn Anh, lãnh đạo Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình (nhà máy Đạm Ninh Bình) đã đề nghị ngân hàng cho vay 350 tỷ đồng để duy trì hoạt động của nhà máy vì đang gặp phải quá nhiều khó khăn, nhất là về vốn.

img

Nhà máy Đạm Ninh Bình. Ảnh: Minh Đức

Được biết Nhà máy Đạm Ninh Bình là một trong 12 dự án thua lỗ ngành Công Thương, mới được “hồi sinh” đầu tháng 1.2018. 

Trong buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Công Thương, ông Vũ Văn Nhẫn – Tổng Giám đốc Nhà máy đạm Ninh Bình cho biết, sau khi nhà máy tái khởi động đã cơ bản có phương án bố trí đủ nguồn than để khởi động lại máy.

Công ty huy động được 63 tỷ đồng từ khách hàng mua đạm, sau khi biết công ty đã khắc phục xong máy thiết bị và chuẩn bị chạy lại máy. Ngày 29.1, Đạm Ninh Bình đã sản xuất gần 30.000 tấn urê, bình quân mỗi ngày sản xuất gần 1.300 tấn và đang vận hành ổn định.

Ngoài ra, Nhà máy Đạm Ninh Bình cũng đề nghị năm 2018, Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam (TKV) ký hợp đồng mua bán than tương tự với các điều khoản nội dung hợp đồng năm 2017.

Lãnh đạo Nhà máy này cũng cho biết, sẽ cần khoảng 40 tỷ đồng/tuần mua than để duy trì sản xuất của nhà máy . Dự kiến năm 2018, nhà máy Đạm Ninh Bình sẽ phải bỏ ra khoản tiền 220 tỷ đồng để đại tu các hạng mục máy nén Simen xưởng phân ly, thay xúc tác chuyển hóa CO và máy nén xưởng tổng hợp NH3.

img

Đạm Ninh Bình khởi động lại sản xuất vào đầu tháng 2/2018. Ảnh: I.T

Dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình được khởi công vào năm 2008 có tổng mức đầu tư là 667 triệu USD. Dự án được thực hiện theo phương thức tổng thầu (EPC) do Tổng Công ty Thiết kế và Thầu khoán Hoàn Cầu Trung Quốc thực hiện.

Từ ngày 15/10/2012, Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình tiếp nhận, quản lý và vận hành nhà máy. Theo tính toán, từ năm thứ 4 trở đi hoạt động sản xuất kinh doanh của nhà máy sẽ có lãi. Thế nhưng trên thực tế, tổng lỗ lũy kế từ khi nhà máy đi vào sản xuất năm 2012 đến ngày 31/12/2014 là 1.719 tỷ đồng, vượt so với kế hoạch là 694 tỷ đồng.

Đạm Ninh Bình vẫn lỗ luỹ kế lên tới trên 3.000 tỷ đồng. Trong đó, năm 2012, họ lỗ 75 tỷ đồng, năm 2013 lỗ trên 759 tỷ đồng, năm 2014 ước lỗ trên 500 tỷ đồng, năm 2015 lỗ trên 592 tỷ đồng, năm 2016 lỗ 1.132 tỷ đồng, năm 2017 lỗ 933,5 tỷ đồng.

Đầu tháng 2/2018, khi khởi động lại được dây chuyền sản xuất nhà máy Đạm Ninh Bình đã tiêu tốn thêm gần 270 tỷ đồng. Hiện nhà máy tạm thời đang sử dụng 100% doanh thu bán hàng để quay vòng vốn mua nguyên nhiên vật liệu để duy trì sản xuất đợt 1 năm 2018 (khoảng đến giữa tháng 3). Trong khi đó các ngân hàng vẫn đang cho vay với hình thức cho vay thu nợ, "trả 10 cho vay 9".

Tại buổi làm việc trên, Thứ trưởng Công Thương Đỗ Thắng Hải chỉ rõ Đạm Ninh Bình hiện đang rất khó khăn về vốn. Nhà máy cần tiền để mua nguyên liệu đầu vào và hiện vay của TKV 133 tỷ đồng để chạy thử đến nửa tháng 3. Giai đoạn tiếp theo cần mua thêm 40.000 tấn than nữa, tương đương khoảng 80 tỷ đồng.

Được biết, đây không phải là lần đầu tiên Đạm Ninh Bình kêu cứu và đề nghị được vay vốn để "giải cứu".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem