Năm 2020: Thu 2.000 tỷ đồng mỗi năm từ sâm Ngọc Linh

Trương Hồng Thứ bảy, ngày 13/01/2018 20:29 PM (GMT+7)
Đề án phát triển sản phẩm quốc gia sâm Việt Nam (sâm Ngọc Linh) thuộc Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020 hoàn thiện quy trình công nghệ và đầu tư sản xuất sản phẩm chất lượng cao từ sâm Việt Nam đạt tổng quy mô giá trị tương đương với 2.000 tỷ đồng/năm.
Bình luận 0

Phát triển cây sâm xóa đói giảm nghèo

Ngày 12.1, ông Hồ Quang Bửu - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam cho biết, Bộ Khoa học và Công nghệ (Bộ KHCN) chính thức ban hành Quyết định 3750 phê duyệt đề án khung phát triển sản phẩm quốc gia sâm Việt Nam (sâm Ngọc Linh), thuộc Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020.

img

Một doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm sâm Ngọc Linh.  Ảnh: I.T

Cả nước chỉ có 5 huyện, với 16 xã thuộc huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum và huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam là có sâm Ngọc Linh. Đỉnh Ngọc Linh cao 2.598m được xem như nóc nhà của Tây Nguyên, có rừng nguyên sinh với các điều kiện tự nhiên đặc biệt phù hợp cho sự sinh trưởng và phát triển của cây sâm Ngọc Linh.

Theo kế hoạch, mục tiêu phát triển bền vững sản phẩm hàng hóa từ sâm Việt Nam (sâm Ngọc Linh) theo chuỗi giá trị trên cơ sở khai thác tiềm lực về khoa học công nghệ trong nghiên cứu sản xuất giống, dược liệu sâm Việt Nam đạt tiêu chuẩn quốc gia và sản phẩm chế biến từ sâm Việt Nam có chất lượng cao ở quy mô công nghiệp chiếm lĩnh thị trường trong nước, hướng tới xuất khẩu.

Mục tiêu của đề án nêu rõ: Xây dựng được hệ thống doanh nghiệp phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến thương mại các sản phẩm hàng hóa sâm Việt Nam có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước, khẳng định và nâng dần giá trị của sâm Việt Nam trên trường quốc tế, gia tăng giá trị tổng sản phẩm từ sâm Việt Nam đạt trung bình 30%/năm.

Đề án cũng góp phần xóa đói, giảm nghèo, giải quyết công ăn việc làm và nâng cao đời sống của người dân tộc thiểu số, miền núi tại địa bàn trồng sâm Việt Nam tại 2 tỉnh Quảng Nam và Kon Tum. Hình thành và phát triển được vùng nguyên liệu và các sản phẩm từ sâm Việt Nam với quy mô tương đương 50 tấn dược liệu sâm Việt Nam/năm, hướng tới 500 tấn dược liệu sâm Việt Nam/năm vào năm 2030.

Bộ KHCN còn nhấn mạnh về nhiệm vụ chủ yếu của đề án: Nghiên cứu ứng dụng công nghệ để chọn lọc giống chất lượng cao và sản xuất giống ở quy mô công nghiệp; nghiên cứu xây dựng mô hình canh tác tập trung sâm Việt Nam đồng bộ, đảm bảo chất lượng và hiệu quả.

Ngoài ra, đề án hoàn thiện quy trình công nghệ và đầu tư sản xuất giống sâm Việt Nam chất lượng cao đạt tổng quy mô 5 triệu cây giống/năm. Hoàn thiện quy trình công nghệ và đầu tư sản xuất tập trung dược liệu sâm Việt Nam đạt tổng sản lượng 50 tấn/năm, trong đó quy mô mỗi dự án sản xuất đạt sản lượng không dưới 5 tấn/năm. Hoàn thiện quy trình công nghệ và đầu tư sản xuất sản phẩm chất lượng cao từ sâm Việt Nam đạt tổng quy mô giá trị 2.000 tỷ đồng/năm.

Đề án sẽ hỗ trợ tối thiểu 10 doanh nghiệp đầu tư sản xuất, thương mại sản phẩm từ sâm Việt Nam theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến thương mại các sản phẩm hàng hóa sâm Việt Nam đạt trình độ khu vực và quốc tế, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước; thực thi đồng bộ các giải pháp hỗ trợ phát triển thị trường và thương mại hóa sản phẩm.

Đưa sâm Ngọc Linh ra thế giới

Theo đề án, sản phẩm dự kiến phải có quy trình công nghệ và thiết bị phù hợp nhằm: Sản xuất giống sâm Việt Nam chất lượng cao, đạt quy mô tối thiểu 1 triệu cây giống/năm; sản xuất tập trung dược liệu sâm Việt Nam đồng bộ từ khâu trồng, chăm sóc, bảo vệ thực vật, thu hoạch đến sơ chế biến, bảo quản với quy mô tối thiểu đạt sản lượng 5 tấn dược liệu sâm Việt Nam/năm; sản xuất sản phẩm từ sâm Việt Nam, trong đó có tối thiểu 10 sản phẩm có doanh thu không dưới 100 tỷ đồng/sản phẩm/năm.

Để khẳng định thương hiệu của sâm Ngọc Linh, Bộ KHCN còn nêu rõ, cần công bố được ít nhất 50 bài báo liên quan đến sâm Việt Nam trên các tạp chí chuyên ngành, trong đó có tối thiểu 20 bài báo công bố trên các tạp chí chuyên ngành quốc tế. Đào tạo được ít nhất 5 tiến sĩ, 10 thạc sĩ có khả năng nghiên cứu chuyên sâu về sâm Việt Nam và 50 cán bộ kỹ thuật trình độ cao, 200 người dân địa phương làm chủ công nghệ sản xuất giống, dược liệu và các sản phẩm từ sâm Việt Nam…

Ông Hồ Quang Bửu vui mừng khi đề án phát triển sâm Ngọc Linh được thông qua. Theo ông Bửu, đến năm 2020, tổng doanh thu 2.000 tỷ/năm từ sâm Ngọc Linh là khả thi, vì hiện tại mỗi năm sản phẩm sâm Ngọc Linh trên địa bàn Quảng Nam đã đạt tổng doanh thu khoảng 500 tỷ đồng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem