Trăn trở giúp hội viên làm giàu, đau đáu chuyện được mùa mất giá

Minh Huệ - Anh Thơ Thứ năm, ngày 13/12/2018 17:56 PM (GMT+7)
Bên cạnh tâm trạng háo hức, phấn khởi được về Thủ đô dự Đại hội, các đại biểu còn gửi gắm nhiều tâm tư, nguyện vọng của hội viên, đau đáu chuyện nông sản được mùa mất giá và cùng “hiến kế” để sản xuất nông nghiệp hiệu quả, bền vững hơn…
Bình luận 0

Có Hội đồng hành, bản làng đổi thay

Trong câu chuyện với chúng tôi, ông Thao Lợi - Trưởng thôn, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân Đăk Mế, xã Bờ Y (huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum) luôn nhắc đến sự đổi thay kỳ diệu của làng mình. Đã có kinh nghiệm 10 năm làm trưởng thôn, ông Thao Lợi chứng kiến nhiều sự đổi thay của dân tộc mình - những người B’râu tại một ngôi làng vùng biên giới, chứng kiến cả sự hồi sinh kỳ diệu của tộc người mà năm 1979 chỉ còn vỏn vẹn 96 người, thậm chí có thời điểm đứng trước nguy cơ tuyệt chủng vì tỷ lệ tử nhiều hơn tỷ lệ sinh.

img

Ông Thao Lợi - đại biểu ND tỉnh Kon Tum trao đổi với phóng viên bên lề Đại hội. Ảnh: Trần Quang   

"Hội ND tỉnh Gia Lai đã xây dựng các mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã kiểu mới, vận động nông dân tham gia trực tiếp, qua đó bà con thấy được hiệu quả thực tế từ quá trình liên kết sản xuất. Người nông dân tham gia  mô hình sẽ là những tuyên truyền viên hiệu quả nhất cho các nông dân khác”.

Ông Nguyễn Minh Thưởng

“Có thời điểm người B’râu của mình chỉ sống trong hang tối, năm 1976, một cuộc di dân ra vùng sáng được Nhà nước triển khai. Hơn 150 hộ dân với khoảng 400 nhân khẩu được đưa về Đăk Mế sinh cơ lập nghiệp, trẻ con được đi học, người lớn được chỉ cách trồng cây cao su, cà phê... Từ đó cái đói không còn đeo bám nữa...” – ông Thao Lợi nói.

Thôn Đăk Mế hiện có 275 hộ, 995 nhân khẩu, trong đó khoảng 138 hộ đồng bào B’râu sinh sống (452 khẩu). Theo ông Thao Lợi, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, những năm gần đây, cuộc sống của đồng bào B’râu ở làng Đăk Mế có nhiều đổi thay tích cực. Từ chỗ chỉ trồng lúa, trồng mì, đến nay, hầu hết các gia đình người B’râu đều đã chuyển đổi trồng cao su, cà phê, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, giảm dần tỷ lệ hộ nghèo.

Không chỉ là một già làng uy tín của cộng đồng người B’râu, ông Thao Lợi còn có kinh nghiệm 10 năm làm trưởng thôn, Chi Hội trưởng Chi Hội ND.

Khi chúng tôi hỏi về kinh nghiệm làm thế nào để đồng bào nghe và làm theo, ông Lợi cười bảo: “Muốn bà con nghe thì mình phải tiên phong làm trước, như nhà tôi, nhiều năm nay cũng tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa cà phê, cao su vào trồng. Hiện, gia đình tôi có 1.500 cây cao su, 1,5ha trồng sắn, cuộc sống đã ổn hơn trước rất nhiều” – ông Lợi khoe.

Trò chuyện với phóng viên, chị Vàng Thị Ngùng, 22 tuổi, người dân tộc Lử ở huyện Sìn Hồ (Lai Châu) - đại biểu ít tuổi nhất dự đại hội cho hay, chị không hề cảm thấy trách nhiệm nặng nề mà rất vinh dự, tự tin khi có cơ hội được đem tiếng nói, nguyện vọng của hội viên, nông dân quê mình chia sẻ tới đại hội.

Về dự đại hội, điều chị Ngùng mong muốn nhất là được học hỏi, chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm, kiến thức với các đại biểu ở các vùng miền, sau đó sẽ về quê chia sẻ với bà con để cùng nâng cao trình độ sản xuất, tham gia phát triển kinh tế gia đình và góp phần phát triển kinh tế địa phương, xây dựng nông thôn mới.

Không làm theo kiểu phong trào, truyền miệng

Chia sẻ bên lề đại hội, ông Nguyễn Minh Thưởng - Chủ tịch Hội ND tỉnh Gia Lai cho biết, tỉnh có diện tích đất sản xuất nông nghiệp khá lớn, mỗi khi vào mùa vụ sản xuất, bà con nông dân gặp rất nhiều áp lực về nguyên liệu đầu vào như phân bón, cây, con giống, nhất là đối với những hộ trồng mía, hồ tiêu, cà phê…

“Để giảm thiểu tình trạng này, chúng tôi đang phối hợp với các doanh nghiệp giúp nông dân tiếp cận nguồn giống và phân bón tốt, đảm bảo chất lượng với giá thành hợp lý. Tuy nhiên, còn một vấn đề mà nông dân nào cũng lo ngay ngáy, chính là chuyện được mùa mất giá. Hiện nay nhiều người vẫn sản xuất theo phong trào, kiểu truyền miệng nhau, thấy cây, con nào cho hiệu quả kinh tế cao là ào ạt làm theo dẫn tới diện tích, sản lượng tăng mạnh...” - ông Thưởng nói.

Theo ông Thưởng, các cấp Hội ND cần thể hiện rõ hơn vai trò của mình trong việc tăng cường tuyên truyền vận động hội viên, nông dân không sản xuất theo phong trào mà phải bám theo tín hiệu của thị trường, tích cực tham gia tổ hợp tác, hợp tác xã để làm ăn theo chuỗi. Về phía Nhà nước, trước mắt cần có cơ chế chính sách hỗ trợ bà con tiếp cận thông tin thị trường, xúc tiến thương mại để nông sản làm ra tiêu thụ thuận lợi hơn…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem