Sản xuất đừng chỉ nhìn vào cái lợi của nhà hàng xóm

Nhóm PV Thứ sáu, ngày 06/12/2019 14:14 PM (GMT+7)
Đó là lời khuyên của ông Trần Đình Luân - Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NNPTNT) về việc sản xuất tuân thủ theo quy hoạch và tín hiệu thị trường tại Tọa đàm trực tuyến: Cơ cấu lại ngành nông nghiệp: Thúc đẩy liên kết, sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với thị trường tiêu thụ do Bộ NNPTNT phối hợp với Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt tổ chức chiều 6/12.
Bình luận 0

Triển khai Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững và Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2017 - 2020, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp rà soát, điều chỉnh các quy hoạch, cơ cấu sản xuất ngành, lĩnh vực trên cơ sở phát huy lợi thế địa phương, vùng, miền và nhu cầu thị trường; đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất, liên kết theo chuỗi…

img imgsan xuat dung chi nhin vao cai loi cua nha hang xom hinh anh 1

Qua hơn 6 năm, các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực triển khai thực hiện theo các nội dung và giải pháp của Đề án, kế hoạch và đạt được những kết quả bước đầu, góp phần quan trọng phát triển sản xuất, kinh doanh nông nghiệp theo hướng giá trị gia tăng và bền vững. Ngành nông nghiệp đã từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung chuyên canh quy mô lớn, chuyên canh nông sản chủ lực (tôm, cá tra, lúa gạo, trái cây…) gắn với công nghệ chế biến, tiêu thụ theo chuỗi giá trị nông sản. 

Bên cạnh những kết quả tích cực, quá trình cơ cấu lại ngành còn nhiều tồn tại hạn chế như: Quá trình phát triển còn tồn tại nhiều yếu tố thiếu bền vững, tăng trưởng chưa vững chắc; thị trường một số nông sản còn gặp nhiều khó khăn…

Trên cơ sở đó, Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp với Báo Nông thôn Ngày nay/Dân việt tổ chức buổi Tọa đàm trực tuyến: “Cơ cấu lại ngành nông nghiệp: Thúc đẩy liên kết, sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với thị trường&

img imgsan xuat dung chi nhin vao cai loi cua nha hang xom hinh anh 2

Tới tham dự tọa đàm trực tuyến: Cơ cấu lại ngành nông nghiệp: Thúc đẩy liên kết, sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với thị trường tiêu thụ có:

Ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NNPTNT).

Ông Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn.

Ông Trần Gia Long, Chuyên viên chính, Vụ Kế hoạch (Bộ NNPTNT).

Ông Ngô Quang Tú, Trưởng phòng Chế biến và bảo quản nông sản (Cục Chế biến và Phát triển thị nông sản, Bộ NNPTNT).

Ông Nguyễn Quốc Mạnh, Trưởng phòng Cây Công nghiệp – ăn quả (Cục Trồng trọt, Bộ NNPTNT);

Ông Nguyễn Quang Hiếu, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế (Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NNPTNT).

img imgsan xuat dung chi nhin vao cai loi cua nha hang xom hinh anh 2

Tái cơ cấu nông nghiệp những năm qua đã tạo ra những bước bứt phá, khắc phục những tồn tại và tạo ra sự phát triển rất tích cực. Phát biểu tại nghị trường Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường đã khái quát: Về tổng quan, sức sản xuất rất lớn, chúng ta chỉ có 10 triệu hecta, trừ 14 triệu hecta rừng thì chúng ta đã tạo ra một sức sản xuất đến mức độ lương thực đạt trên 45 triệu tấn, thịt 5,5 triệu tấn, cá là 8 triệu tấn, cây công nghiệp mấy thứ đều nhất thế giới về sản lượng.

Nhờ sức sản xuất lớn ấy, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản tăng mạnh, giai đoạn 2013 - 2018 đạt 197,51 tỷ USD, bình quân đạt 32,9 tỷ USD/năm, đặc biệt năm 2018 đạt mức kỷ lục 40,02 tỷ USD; năm 2019, ước đạt khoảng 41 - 42 tỷ USD.

img imgsan xuat dung chi nhin vao cai loi cua nha hang xom hinh anh 4

Đánh giá về kết quả này, ông Trần Công Thắng nói: Câu chuyện thành công hay thành tựu của ngành nông nghiệp không chỉ trong riêng năm 2019 hay chỉ trong 5 năm gần đây, ngay sau khi đổi mới chúng ta đã có sự phát triển rất mạnh.

Lấy ví dụ sau giai đoạn đổi mới đến năm 1988, mỗi năm chúng ta nhập khẩu 1 triệu tấn gạo nhưng năm 1989 đã xuất khẩu được gạo. Từ đó đến nay đã có nhiều chính sách về đổi mới đầu tư, doanh nghiệp, HTX… những chính sách này giống như luồng gió mới, giúp ngành nông nghiệp có thêm thành tựu ở lĩnh vực khác nhau chứ không riêng gì ngành lúa gạo.

Thành tựu này có nhiều nguyên nhân, đầu tiên là sự quan tâm và đầu tư của Nhà nước cho nông nghiệp. Đây chính là yếu tố tiên quyết nhất, đặc biệt là đầu tư cho thủy lợi, cơ sở vật chất, nghiên cứu khoa học. Bên cạnh đó, hệ thống các chính sách ngày càng hoàn thiện hơn, có hiệu quả hơn.

Sự sáng tạo và sức lao động của người dân đã giúp nhiều ngành hàng của chúng ta đứng top trên thế giới.Ngoài ra còn những yếu tố kéo đó là thị trường: chúng ta rất chịu khó hội nhập thị trường, chúng ta đã ký 14 hiệp định thương mại tự do, gần đây là CPTPP và EVFTA… giúp chúng ta điều chỉnh được sản xuất và tuân thủ được những quy định nghiêm ngặt của thị trường khi hội nhập... Đó chính là những yếu tố giúp chúng ta đạt được nhiều thành công trong sự phát triển chung của ngành nông nghiệp như hiện nay.

img imgsan xuat dung chi nhin vao cai loi cua nha hang xom hinh anh 2

img imgsan xuat dung chi nhin vao cai loi cua nha hang xom hinh anh 6

Tiếp tục nói về những kết quả đạt được sau quá trình triển khai đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, ông Trần Gia Long - chuyên viên chính - Vụ Kế hoạch (Bộ NNPTNT) nhấn mạnh:

Những kết quả đạt được sau gần 6 năm cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng tăng giá trị gia tăng, gắn với xây dựng nông thôn mới, bên cạnh nguyên nhân khách quan còn có nguyên nhân chủ quan từ sự lãnh đạo chỉ đạo xuyên suốt, sự quan tâm sát sao, liên tục của Đảng, Chính phủ, sự quyết tâm của bà con nông dân, doanh nghiệp, các hợp tác xã, nhất là có cả sự tham gia cổ vũ của các cơ quan báo chí…

Điều này đã tạo nên động lực mạnh mẽ cho quá trình tái cơ cấu nông nghiệp, góp phần nâng cao thu nhập của người dân nông thôn lên gấp 3,8 lần so với mục tiêu đề ra, kết quả chương trình xây dựng NTM về đích trước 1,5 năm so với chương trình tổng thể 10 năm.

Ngay từ khi xây dựng kế hoạch phát triển ngành năm 2019, Bộ NNPTNT đã dự báo sẽ cực kỳ khó khăn, nhiều thách thức. Ngoài những khó khăn chung về suy giảm năng suất, chất lượng, hiệu quả còn chịu tác động lớn do dịch tả lợn châu Phi bùng phát tại 63 tỉnh thành; thời tiết khắc nghiệt, thiên tai xảy ra nhiều như hạn hán, lũ lụt, cháy rừng ở miền Trung, Tây Nguyên, xâm nhập mặn ở ĐBSCL; thị trường tiêu thụ nhiều mặt hàng không ổn định, giá giảm 10-15% đối với các mặt hàng xuất khẩu, trong đó thị trường chủ lực là Trung Quốc đang gặp nhiều khó khăn do phía bạn thay đổi nhiều chính sách nhập khẩu.

Tuy nhiên, với việc Bộ NNPTNT ban hành kế hoạch hành động kịp thời, thực hiện trên tất cả các lĩnh vực nên kết quả sản xuất kinh doanh, cơ cấu lại ngành vẫn có những kết quả thực chất.

Giá trị thu nhập từ thuỷ sản, lâm nghiệp đạt kết quả cao, GDP toàn ngành tăng 2,02%, trong đó giá trị thuỷ sản tăng 6,12%, lâm nghiệp tăng 3,9%. Dự kiến cả năm nay sẽ đạt kết quả khá.

img imgsan xuat dung chi nhin vao cai loi cua nha hang xom hinh anh 2

img imgsan xuat dung chi nhin vao cai loi cua nha hang xom hinh anh 8

Trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, lĩnh vực thủy sản được coi là một điểm sáng với kim ngạch xuất khẩu tăng vọt, về những kết quả của ngành thủy sản trong những năm qua, ông Trần Đình Luân - Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản nói:

Hiện, mỗi năm chúng ta có 1,3 triệu ha nuôi trồng thủy sản, và với kịch bản biến đổi khí hậu hiện nay thì thời gian tới sẽ tăng lên 1,5-1,7 triệu ha. Ngay cả những phụ phẩm thủy sản cũng sẽ trở thành nguyên liệu sản xuất cho một số ngành hàng khác… Đó chính là tiềm năng rất lớn để nâng cao giá trị của ngành thủy sản.

Thực hiện việc tái cơ cấu ngành thủy sản, chúng tôi đã tổ chức lại sản xuất, có những tổ hợp, HTX tăng lên từng ngày, những liên kết dọc, liên kết ngang trong ngành cũng đã mang lại những giá trị rất cao. Tôi lấy ví dụ trong ngành sản xuất cá tra, hiện tại với 5.400ha chúng ta đang sản xuất cá tra thì bà con đều có lãi với trên 80 sản phẩm từ cá tra thay vì 1-2 sản phẩm trước đây. Hay trong lĩnh vực tôm, số lượng HTX tham gia liên kết với các nhà máy chế biến cũng tăng lên rất nhiều. Điều đó minh chứng cho sự tái cơ cấu đang đi đúng hướng.

Bên cạnh đó, để tái cơ cấu thành công thì chiến lược ngành rất quan trọng, ví dụ lĩnh vực tôm lại chia ra nhiều mô hình khác nhau để có thể ứng dụng khoa học kỹ thuật cho phù hợp như: tôm lúa, tôm quảng canh… làm sao để trên cùng diên tích nhưng giá trị lại có thể tăng gấp đôi.

Những mô hình về tôm hiện có chúng ta có thể dùng được từ “in được tôm” nghĩa là chủ động được nguyên liệu, chủ động được sản xuất, biết ứng dụng khoa học kỹ thuật…Cũng là câu chuyện ứng dụng kỹ thuật, ngành cá tra thay vì những con cá 800gr thì giờ có thể là 3-4kg. Điều đó khẳng định ứng dụng khoa học là một trong những điều kiện tiên quyết.

Bên cạnh đó là sự thích ứng với thị trường, chúng ta cũng cần phải tuân thủ các quy định, khuyến cáo của cơ quan chuyên môn, quản lý nhà nước để sản xuất đúng theo nhu cầu thị trường cần. Xoay chuyển trục dần dần để đưa thủy sản trở thành ngành chủ lực.Chúng ta muốn phát triển, hội nhập, cạnh tranh thì phải phát triển đồng đều tất cả các yếu tố, và rất mừng là Chính phủ và Bộ NNPTNT gần đây cũng đã có nhiều nghị quyết để ngành thủy sản có điều kiện phát triển tốt nhất.

img imgsan xuat dung chi nhin vao cai loi cua nha hang xom hinh anh 2

Trà lời câu hỏi của nhiều nông dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long về việc có thể chuyển đổi đất lúa sang nuôi trồng thủy sản trong bối cảnh thị trường thủy sản đang rất tiềm năng, ông Trần Đình Luân nhấn mạnh:

Như chúng ta biết là khi cá tra giá tăng cao thì nhiều địa phương đã tự ý chuyển từ đất lúa sang để nuôi trồng thủy sản, trong đó có cá tra.

Bộ đã rất quyết liệt trong việc nhắc nhở các địa phương thực hiện nghiêm các quy định không tự ý chuyển đổi mục đích sử đụng đất. Đặc biệt nuôi cá tra là một chuỗi, khi đã nuôi phải xác định bán cho thị trường nào, ví dụ với châu Âu thì tiêu chuẩn này, nhưng sang Mỹ lại tiêu chuẩn khác, quy trình khác… do đó không thể nuôi ồ ạt, tràn lan được.

Do đó chúng tôi nhấn mạnh các địa phương cần hết sức thận trọng, quản lý nghiêm việc việc này, để đưa được định hướng, chủ trương đúng đến bà con nông dân, đặc biệt là gắn sản xuất với tiêu thụ sao cho tốt nhất, tránh phát triển ồ ạt theo phong trào, để lại nhiều hệ lụy.

img imgsan xuat dung chi nhin vao cai loi cua nha hang xom hinh anh 2

img imgsan xuat dung chi nhin vao cai loi cua nha hang xom hinh anh 11

Một bạn đọc hỏi: Mới đây, chúng ta nhận được tin vui khi gạo ST25 được vinh danh “gạo ngon nhất thế giới”. Tuy nhiên, giá lúa và một số nông sản còn bấp bênh và có xu hướng giảm giá, ảnh hưởng đến thu nhập của nông dân. Vậy, đâu là nguyên nhân và ngành trồng trọt đã có những chuẩn bị gì tập trung cho tái cơ cấu ngành trồng trọt và đi sâu vào những cây trồng có giá trị cao để bà con nông dân tăng thu nhập?

Ông Nguyễn Quốc Mạnh - Trưởng phòng Cây Công nghiệp - ăn quả (Cục Trồng trọt) trả lời:

Năm 2019 lĩnh vực trồng trọt gặp rất nhiều khó khăn, giá nhiều loại sản phẩm có xu hướng giảm so với 2018. Để tái cơ cấu nông nghiệp, trong đó có phát triển bền vững cây lúa, giúp bà con nông dân tăng thu nhập từ trồng lúa, Bộ NNPTNT vẫn xác định cây lúa là lĩnh vực quan trọng, ngoài việc đảm bảo an ninh lương thực còn đảm bảo chỉ tiêu xuất khẩu.

Tin vui trong năm nay là giống lúa ST25 của Anh hùng lao động Hồ Quang Cua đã đạt giải nhất thế giới về chất lượng gạo, qua đó đem lại uy tín cho gạo Việt.

Trong quá trình thực hiện tái cơ cấu, thời gian qua Bộ NNPTNT đã chỉ đạo các địa phương chuyển đổi các diện tích lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác, song song với đó, ở những vùng trồng lúa thuận lợi thì đẩy mạnh các diện tích lúa chất lượng, lúa thơm để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.

Hiện diện tích trồng các loại lúa chất lượng đã tăng từ 10-15% so với 2018. Giá lúa gạo xuất khẩu của chúng ta hiện đã cao gần ngang bằng giá lúa Thái Lan, thậm chí có thời điểm cao hơn.

img imgsan xuat dung chi nhin vao cai loi cua nha hang xom hinh anh 2

img imgsan xuat dung chi nhin vao cai loi cua nha hang xom hinh anh 13

Nói thêm về việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở các địa phương, trong đó có việc giảm diện tích đất trồng lúa, chuyển sang trồng cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản ở Đồng bằng sông Cửu Long, ông Trần Công Thắng nhấn mạnh:

Việc chuyển đổi các mô hình ở ĐBSCL nhằm thích ứng được với biến đổi khí hậu cũng như đáp ứng được yêu cầu cơ cấu lại của ngành nông nghiệp. Viện chúng tôi đã thực hiện thí điểm nhiều mô hình như thay vì tập trung phát triển lợi thế của vùng là lúa gạo thì chuyển dần sang thủy sản, cây ăn trái…

Và thực tế đã chứng minh sự chuyển đổi này bước đầu mang lại hiệu quả cao, đời sống của người dân ở khu vực chuyển đổi cũng đã ổn định.

Đặc biệt, xu thế cũng như nhu cầu của thị trường thế giới thì các lĩnh vực về thủy sản, trái cây cũng đang tăng nhanh, nhiều thị trường tiềm năng, nhiều cơ hội để xuất khẩu, nhiều cơ hội để nâng cao giá trị…Bên cạnh đó thị trường lúa gạo của chúng ta đang dần hẹp lại và chắc chắn thời gian tới sẽ gặp nhiều khó khăn, bản thân các nước đối thủ của chúng ta chưa giảm sản xuất lúa, trong khi các nước nhập khẩu thì lại thắt chặt các quy định, kiểm soát chặt chẽ… do đó, việc chuyển đổi trục sản xuất ở ĐBSCL càng cho thấy hướng đi đúng đắn của ngành nông nghiệp.

Thậm chí, hiện rất nhiều tỉnh muốn có sự chính thức hóa trong chuyển đổi trục sản xuất để bà con nông dân yên tâm sản xuất.

img imgsan xuat dung chi nhin vao cai loi cua nha hang xom hinh anh 2

MC: Đáng mừng là năm nay cả nước có tới 17 dự án chế biến nông sản công nghệ hiện đại, quy mô lớn được khởi công và khánh thành với tổng giá trị đầu tư khoảng 20.000 tỷ đồng. Đây mới chỉ là sự khởi đầu, còn định hướng để phát triển chế biến và tổ chức thương mại trong thời gian tới của Bộ sẽ như thế nào?

img imgsan xuat dung chi nhin vao cai loi cua nha hang xom hinh anh 15

Ông Ngô Quang Tú - Trưởng phòng Chế biến và Bảo quản nông sản (Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản) trả lời: 

Thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư vào lĩnh vực chế biến, từ đầu năm tới giờ đã có 30 dự án tham gia vào lĩnh vực này.

Quay lại vấn đề chung, chúng ta cũng đã bước đầu hình thành được hệ thống công nghiệp chế biến với hàng nghìn doanh nghiệp, cơ sở cùng tham gia, khối lượng chế biến cũng tăng nhanh với gần 140 triệu tấn năm… thế nên nếu nói chế biến là khâu yếu nhất thì cũng không phải. Theo tôi nói chính xác là chưa đáp ứng được với kỳ vọng của ngành nông nghiệp thì đúng hơn.

Lĩnh vực chế biến đang đạt được nhiều thành tựu lớn, nó không chỉ là đầu ra của nông nghiệp mà nhờ chế biến mới thay đổi được phương thức sản xuất, thay đổi được bộ mặt nông thôn.

Tuy nhiên còn những điểm yếu, đó là: tổn thất sau thu hoạch còn nhiều, khâu bảo quản còn hạn chế, mới dừng lại ở việc sơ chế chứ chưa chế biến sâu. Đội ngũ cán bộ, công nhân của ngành cũng còn thiếu, yếu, bởi đây là ngành nghề tương đối vất vả.

Để tăng cường khâu chế biến, bảo quản này, Nhà nước cũng đang dành rất nhiều sự quan tâm, riêng ngành nông nghiệp cũng có nhiều quyết định, điển hình là QĐ 1003 định hướng nâng cao giá trị gia tăng trong chế biến và giảm tổn thất sau thu hoạch, QĐ 68 hỗ trợ mua sắm các trang thiết bị máy móc, bảo quản nông lâm thủy sản…

Nhờ những chính sách này đã khuyến khích và động viên các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào ngành chế biến. Và mục tiêu của ngành là trở thành quốc gia đứng thứ 10 trên thế giới về chế biến vào năm 2030.

img imgsan xuat dung chi nhin vao cai loi cua nha hang xom hinh anh 2

MC: Tiếp tục bàn về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trong đó có chủ trương chuyển đổi đất lúa sang trồng thuỷ sản, hay chuyển đổi sang trồng cây ăn quả đang cho thấy có những kết quả nhất định, tuy nhiên trong quá trình chuyển đổi đó cũng bộc lộ những vướng mắc, bà con chủ yếu chuyển đổi tự phát, dẫn tới những mối lo về giá cả, thị trường đầu ra bấp bênh. Đối với việc chuyển đổi sang trồng thuỷ sản cần lưu ý những gì, còn chuyển đổi đất lúa sang trồng cây ăn quả có phù hợp hay không?

Ông Trần Đình Luân trả lời:

Theo Luật Quy hoạch, hiện nay lĩnh vực thuỷ sản không có quy hoạch chung nữa ngoài một số quy hoạch đặc thù như cảng cá, vùng khai thác và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản. Vấn đề định hướng sản xuất thế nào sẽ thuộc nhiệm vụ của các tỉnh, họ sẽ biết vùng nào nuôi trồng thuỷ sản thuận lợi, vùng nào phù hợp cây ăn trái, trồng lúa…

Các địa phương sẽ rõ nhất và khi xác định rõ được lợi thế sẽ phải xây dựng những điều kiện đi theo, ví dụ như hệ thống thuỷ lợi cho nuôi trồng thuỷ sản khác với trồng lúa, công tác khuyến nông, khoa học công nghệ cũng khác, đặc biệt là khâu tổ chức lại sản xuất thế nào để gắn với tái cơ cấu khai thác tốt tiềm năng, số lượng đảm bảo, chất lượng sản phẩm đảm bảo hàng đầu…

Để đáp ứng những yếu tố này, rất cần liên kết để sản xuất theo tín hiệu thị trường, đáp ứng yêu cầu thị trường. Nếu không sẽ không bao giờ hết gặp rủi ro về thị trường.

Đối với người nông dân, tôi cho rằng trong sản xuất đừng chỉ nhìn cái lợi của người hàng xóm mà áp dụng vào bản thân. Hơn lúc nào hết phải gom vào với nhau cùng sản xuất theo yêu cầu của tín hiệu thị trường, doanh nghiệp là đầu tàu đặt hàng nông dân. Các hiệp hội ngành hàng chung tay với bà con sản xuất sao cho ổn định nhất.

img imgsan xuat dung chi nhin vao cai loi cua nha hang xom hinh anh 2

Ông Nguyễn Quốc Mạnh bổ sung về chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở các địa phương:

Trước hết phải xác định chủ trương chuyển đổi cây ăn quả đến giờ phút này là đúng đắn. Từ năm 2014 đến nay, diện tích cây ăn quả cả nước tăng khoảng 7-8%/năm, cá biệt một số cây tăng rất nhanh như cam tăng 15-20%/năm, bưởi tăng 15%, sầu riêng tăng 30%... Những loại cây này đang tăng rất nóng. Nếu không có chỉ đạo sát sao về tình trạng này thì sẽ dẫn đến chuyện cung vượt cầu, rất nguy hiểm.

Năm 2018, Cục Trồng trọt đã tham mưu Bộ NNPTNT có công văn gửi các tỉnh xem xét lại tình trạng tăng trưởng quá nóng một số cây trồng phải xác định thị trường đầu ra của một số loại cây ăn quả, xem có xuất khẩu được không, có thị trường hay không…

Cục đề nghị bà con nông dân hết sức thận trọng trong việc phát triển một số loại cây trồng có diện tích lớn như cây có múi, đặc biệt là cam, hiện nay chưa xuất khẩu được cam, chỉ nên sản xuất đủ đáp ứng nhu cầu thị trường. hiện nay giá trị xuất khẩu cây có múi thấp, khoảng 6 triệu USD. Sầu riêng cũng tăng nhanh, từ 43.000ha lên 55.000ha năm 2018, thị trường chính là Trung Quốc lại chưa mở cửa được, nên hết sức cân nhắc khi mở rộng diện tích.

 Hiện, Bộ NNPTNT đang trình Chính phủ Nghị định hướng dẫn việc sử dụng đất trồng lúa trong nuôi trồng thủy sản, đây chính là khung pháp lý rất quan trọng, làm cơ sở để việc chuyển đổi được thực hiện sao cho phù hợp nhất. Việc này sẽ đi từ cấp xã lên cấp huyện, tỉnh rồi Trung ương… Chúng tôi hy vọng là khi những văn bản này được ban hành thì việc chuyển đổi sẽ mang lại hiệu quả thực sự thiết thực.

img imgsan xuat dung chi nhin vao cai loi cua nha hang xom hinh anh 2

Trả lời câu hỏi về phát triển nguồn tôm giống đảm bảo chất lượng, ông Trần Đình Luân nói:

Phát triển giống đang là điểm trũng của ngành tôm, lãnh đạo Bộ đã đề nghị phải chủ động để có được nguồn giống bố mẹ thật tốt để chủ động sản xuất, đặc biệt là những cặp tôm giống bố mẹ ở trong nước.

Bên cạnh đó, Nhà nước đã đầu tư cho các viện nghiên cứu thủy sản trong nước nhập các cặp bố mẹ về để lai tạo, chọn lọc để đưa ra được những cặp tôm giống bố mẹ sao cho có chất lượng cao nhất.

Định hướng trong thời gian tới, tôm là sản phẩm chủ lực của quốc gia, do đó, chúng tôi đã bàn với các Viện, các doanh nghiệp tiếp tục chọn lọc, gia hóa sao cho có thể cạnh tranh được với tôm nhập khẩu. Phấn đấn chủ động được khoảng 70% nguồn tôm bố mẹ trong nước.

Đơn cử, tôm sú là giống tôm bản địa mà chúng ta đã rất thành công trong các mô hình tôm lúa, tôm rừng và tôm quảng canh, do đó, ngành cũng đã định hướng sẽ phải phát triển được hoàn toàn tôm giống bố mẹ của giống tôm này trong nước.

img imgsan xuat dung chi nhin vao cai loi cua nha hang xom hinh anh 2

Về việc khai phá, mở cửa thị trường đối với sản phẩm trồng trọt năm nay chúng ta có những bước đi đột phá nào, nhất là với thị trường đầy tiềm năng để tiêu thụ nông sản như Trung Quốc?

img imgsan xuat dung chi nhin vao cai loi cua nha hang xom hinh anh 20

Ông Nguyễn Quang Hiếu, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế (Cục Bbảo vệ thực vật) trả lời:

Trong thời gian vừa qua, Bộ NNPTNT đã tích cực chỉ đạo tăng cường công tác đàm phán kỹ thuật để mở cửa thị trường. Năm 2019 thị trường được đánh giá là khó khăn nên việc chỉ đạo càng quyết liệt. Cùng với đó, Việt Nam đã ký nhiều hiệp định FTA nên chúng ta phải quan tâm mở cửa thị trường để tận dụng ưu đãi về thuế.

Đầu tháng 2/2019, chúng ta đón tin vui khi trái xoài kết thúc 10 năm đàm phán để xuất khẩu sang thị trường Mỹ; giữa năm chúng ta xuất khẩu nhãn sang Úc với thời gian đàm phán nhanh kỷ lục, chưa đến 18 tháng.

Ngoài ra, Bộ NNPTNT và Cục BVTV đã chủ động đầu tư thực hiện các thí nghiệm kiểm chứng thay vì sử dụng của các nước như trước đây. Chúng ta cũng đã mời các đối tác sang để họ thấy Việt Nam có đủ năng lực thực hiện.

Hiện Cục đang thúc đẩy hoàn thiện các thủ tục cần thiết để xuất khẩu quả vải sang Nhật Bản, thanh long đi Hàn Quốc.

Đối với Trung Quốc, đây là thị trường nhiều tiềm năng. Trong năm Cục đã ký kết được hiệp định xuất khẩu măng cụt sang thị trường này. Đây là nghị định thư đầu tiên khi Trung Quốc chuyển đầu mối quản lý sang Tổng cục Hải quan. Trong thời gian tới, Cục sẽ sớm thúc đẩy hoàn thiện để xuất khẩu mặt hàng thạch đen, khoai lang tím… sang Trung Quốc.

img imgsan xuat dung chi nhin vao cai loi cua nha hang xom hinh anh 2

MC: Để xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc cũng như các thị trường khó tính như Mỹ, EU…, việc truy xuất nguồn gốc nông sản và cấp mã số vùng trồng là quy định bắt buộc phải thực hiện. Đến nay, chúng ta đã triển khai việc này như thế nào và kết quả ra sao?

Ông Nguyễn Quang Hiếu trả lời:

Đối với việc cấp mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc, các nước phát triển như Mỹ, EU, Hàn Quốc… họ đã áp dụng từ lâu. Ngay khi đàm phán xuất khẩu, yêu cầu này đã nằm trong nội dung đàm phán để thực hiện.

Đối với Trung Quốc, đây là một trong những thị trường tiêu thụ nông sản chính nhưng bà con chưa quen. Tháng 3/2018, khi có thông tin áp dụng mã số vùng trồng với thông tin chưa cụ thể, Cục đã liên hệ, làm việc với tỉnh Quảng Tây để làm rõ. Sau buổi làm việc đó, Cục đã tham mưu Bộ NNPTNT ban hành Công văn 3906 hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện.

Đến hết tháng 11/2019, chúng ta đã cấp được 1.400 mã số vùng trồng cho 140.000-150.000 ha (bằng 10% diện tích trồng cây ăn quả); trên 1.300 cơ sở đóng gói để phục vụ cho thị trường Trung Quốc.

Cục cũng phối hợp với phía bạn xây dựng cơ chế cập nhật mã số vùng trồng thường xuyên, đồng thời tích cực thông tin tuyên truyền, hướng dẫn cho bà con những khác biệt trong cách quản lý mới.

img imgsan xuat dung chi nhin vao cai loi cua nha hang xom hinh anh 2

Nói về việc liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, ông Trần Công Thắng nhấn mạnh: 

Trong quá trình trao đổi, làm việc với các doanh nghiệp, chúng tôi nhận định các doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn, họ sẵn sàng đầu tư nhưng làm sao phải xây dựng được vùng trồng, vùng nguyên liệu đáp ứng được yêu cầu của họ, đặc biệt là yêu cầu chế biến sâu.

Mặc dù chúng ta cũng đã có nhiều chính sách liên quan đến vấn đề này nhưng điều quan trọng là chúng ta phải có hệ thống đồng bộ, bên cạnh đó, vấn đề tín dụng đặc biệt là tín dụng theo chuỗi ở Việt Nam vẫn còn rất nhiều vướng mắc.

Vì thực tế các chuỗi của chúng ta chưa hình thành, mà muốn cho vay thì phải có chuỗi. Theo tôi, có mấy điểm thúc đẩy liên kết: đó là coi những vùng chuyên canh hiện có là những vùng nguyên liệu và đưa được doanh nghiệp vào, muốn như thế phải có hệ thống logicstic để khuyến khích doanh nghiệp tham gia.

Vấn đề thứ hai là khi đề ra chính sách chúng ta cũng cần phải tính toán kỹ để chính sách có thể đi vào cuộc sống, tránh tình trạng có rất nhiều chính sách như hiện nay nhưng hiệu quả thực sự mang lại chưa cao.

img imgsan xuat dung chi nhin vao cai loi cua nha hang xom hinh anh 2

Ông Trần Công Thắng bổ sung các vấn đề liên kết trong chuỗi giá trị:

Khó nhất với doanh nghiệp hiện nay là làm sao xây dựng được vùng trồng trọt, chăn nuôi ổn định, đảm bảo nguồn nguyên liệu cho chế biến, tiêu thụ. Về điều này, chúng ta đã có một số chính sách, quy định liên quan như xây dựng cánh đồng mẫu lớn, dồn điền đổi thửa. Ngoài ra, hiện nay chúng ta cũng đang dự thảo Nghị định tích tụ ruộng đất. Về cơ bản cần chính sách đồng bộ, làm sao giúp bà con nông dân dễ dàng tham gia vào chuỗi liên kết.

Ngoài ra, cũng cần lưu ý xây dựng tín dụng theo chuỗi, hiện nay vấn đề tín dụng còn khá nhiều vướng mắc. Mặc dù đã có chương trình thí điểm nhưng vẫn còn nhiều hạn chế.

Có mấy điểm tôi cho rằng cần lưu ý: Xây dựng vùng nguyên liệu thì phải có vùng chuyên canh, phải đưa doanh nghiệp vào kể cả trong sản xuất, tiêu thụ, phải có hệ thống logistics trong thương mại, tiêu thụ. Làm tốt cái này mới có thể thúc đẩy tiêu thụ tốt hơn và chính sách mới thực sự đi vào cuộc sống, hạn chế tình trạng ngân hàng có tiền mà nông dân không vay được.

Và để giảm rủi ro trong chuỗi, cần có doanh nghiệp đầu tàu, hạn chế tiền mặt, trong chuỗi có ngân hàng tham gia để kiểm soát rủi ro. Hiện nay mới có liên kết trong sản xuất, tiêu thụ chứ chưa có liên kết trong dòng tiền.

img imgsan xuat dung chi nhin vao cai loi cua nha hang xom hinh anh 2

Nói về tầm quan trọng của việc xây dựng chuỗi liên kết, ông Trần Đình Luân cho rằng:

Chuyện liên kết không phải là mới, bàn đi bàn lại đã nhiều năm nay. Về cơ bản, ở cơ sở, địa phương là những người gần dân nhất, hiểu rõ nhu cầu của bà con nhất, do đó địa phương phải đứng ra tuyên truyền và thay đổi cách tuyên truyền, để bà con hiểu việc liên kết có lợi cho bà con chứ không phải cho Nhà nước.

Không ai tổ chức liên kết hiệu quả bằng chính nông dân tham gia cùng nông dân. Chính quyền địa phương, hiệp hội sẽ là những người có vai trò hỗ trợ, vận động, cùng với sự tham gia của cả lĩnh vực khuyến nông, khuyến lâm, doanh nghiệp, ngân hàng… qua đó việc xây dựng chuỗi liên kết sẽ chuyển biến nhanh.

Hơn ai hết, chúng ta phải thay đổi chính sách truyền thông cả trước mắt và lâu dài, giúp bà con thay đổi tư duy, không làm ăn nhỏ lẻ mà bắt tay nhau nhắm xem thị trường cần gì để sản xuất đáp ứng nhu cầu, không bị dư thừa.

Sau hơn 2 giờ, tọa đàm trực tuyến: Cơ cấu lại ngành nông nghiệp: Thúc đẩy liên kết, sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với thị trường tiêu thụ đã nhận được nhiều câu hỏi của nông dân cả nước về chủ trương chuyển đổi đất lúa, về quy hoạch vùng sản xuất, phát triển thủy sản trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Các đại biểu, là những nhà quản lý của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đều khẳng định tầm quan trọng của việc xây dựng chuỗi liên kết gắn với chế biến, coi đó là mấu chốt để đảm bảo thành công của quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp. 

Việc thực hiện chuỗi liên kết sẽ giúp bà con nông dân thay đổi tư duy, không làm ăn nhỏ lẻ mà bắt tay nhau nhắm xem thị trường cần gì để sản xuất đáp ứng nhu cầu, không bị dư thừa.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem