Các “ông lớn” ngành ô tô sẽ làm gì khi thuế nhập khẩu về 0%?

Thanh Xuân Thứ tư, ngày 01/03/2017 05:00 AM (GMT+7)
Từ đầu năm 2018, thuế nhập khẩu ô tô về mức 0%, xét về góc độ thị trường thì đây là tín hiệu tốt song đối với nền sản xuất trong nước thì đây lại là áp lực lớn.Làm thế nào để mức thuế đó trở thành cú “hạ cánh mềm” cho các doanh nghiệp sản xuất ô tô là một câu hỏi lớn cần giải đáp.
Bình luận 0

img

Các "ông lớn" sản xuất ô tô tại Việt Nam sau 20 năm vẫn chưa rõ số phận sẽ ra sao khi thuế nhập khẩu ô tô về 0%

Thị trường ô tô tăng trưởng 40%

Trong buổi tọa đàm về ngành công nghiệp ô tô diễn ra chiều 28.2 tại trụ sở Bộ Công Thương, với sự tham gia của đông đảo doanh nghiệp, chuyên gia, các nhà sản xuất và lắp ráp ô tô tại Việt Nam, Bộ Công Thương cho biết, với quy mô dân số gần 100 triệu dân, GDP bình quân đầu người và tỉ lệ dân số tầng lớp trung lưu ngày một tăng, thị trường ô tô Việt Nam được đánh giá là đang trên đà tăng trưởng tốt với tốc độ tăng bình quân hai năm gần đây đạt gần 40%. Nhiều chuyên gia đánh giá Việt Nam là thị trường tiềm năng mà không một doanh nghiệp sản xuất ô tô nào có thể bỏ qua. 

Theo thống kê của Bộ Công Thương, năm 2016, tổng số xe mới đưa vào lưu thông tại thị trường Việt Nam là 459.634 chiếc, trong đó sản xuất trong nước: 341.077 chiếc, nhập khẩu 118.557 chiếc. Hiện tổng năng lực sản xuất - lắp ráp ô tô  đạt khoảng 500.000 xe/năm. 12 hãng có hoạt động sản xuất, lắp ráp trong nước (Toyota, Hyundai, Kia, Mazda, Honda, Chevrolet, Ford, Mitsubishi, Nissan, Suzuki, Isuzu, Mercedes-Benz) đáp ứng khoảng 70% nhu cầu xe trong nước, với tổng sản lượng của thị trường xe du lịch khoảng 210 ngàn xe/năm trong năm 2016.  

Đại diện Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho biết, sức ép cạnh tranh sau năm 2018 là rất lớn và đang đến gần, do vậy, Bộ Công Thương cần kiến nghị Chính phủ các giải pháp hỗ trợ. Nếu không, các nhà sản xuất sẽ đối mặt với nguy cơ không thể cạnh tranh nổi, thậm chí là không tồn tại được trước sức ép xe nhập khẩu khi thuế được kéo về 0%.

Theo ông Trần Bá Dương - Tổng giám đốc Công ty ô tô Trường Hải, để tháo gỡ khó khăn cho cả ngành công nghiệp ô tô thì cần rất nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó có việc rà soát thực tế doanh nghiệp sản xuất để có đánh giá những điểm được, chưa được và giải thích rõ lý do vì sao. Trên cơ sở đánh giá này các cơ quan quản lý xác định nền công nghiệp ô tô có nên tiếp tục phát triển hay không nếu tồn tại thì nên như thế nào. Khi đã thống nhất chủ trương rồi thì các chính sách đưa ra mới nhận được sự đồng tình ủng hộ của người dân.

Còn tổng giám đốc Toyota Việt Nam Toru Kinoshita  thì cho rằng, trong 20 năm kinh doanh lĩnh vực ô tô tại Việt Nam, doanh nghiệp đã luôn cố gắng nâng cao tỷ lệ nội địa hóa. Tuy nhiên trong bối cảnh khó khăn hiện nay, doanh nghiệp đang giảm dần từ 5 dòng xe xuống còn 4 dòng xe, từ 4 dòng xe này sẽ tăng số lượng sản xuất, đảm bảo tính tập trung và đem lại hiệu quả kinh tế hơn. “Từ đầu năm 2018, thuế nhập khẩu ô tô về mức 0%, xét về góc độ thị trường thì đây là tín hiệu tốt song đối với nền sản xuất trong nước thì đây lại là áp lực lớn. Như vậy, "làm thế nào để mức thuế đó trở thành cú hạ cánh mềm là một câu hỏi rất lớn cần giải đáp?", ông Toru Kinoshita nhấn mạnh.

Bình luận về vấn đề này, ông Kayano Kiwamu - Phó Tổng Giám đốc Honda Việt Nam cũng chia sẻ: Tại Việt Nam, vấn đề gặp khó khăn do thị trường nhỏ, hạ tầng chưa đồng bộ, chính sách hỗ trợ chưa rõ ràng.  

img

Nhiều người lo ngại, nếu không đủ sức cạnh tranh, hàng loạt các doanh nghiệp sẽ rút lui phần sản xuất khỏi Việt Nam, chỉ còn hoạt động thương mại

Liệu các ông lớn có rút lui?

Từ năm 2014 đến nay, số lượng ô tô sản xuất trong nước đã có mức tăng trưởng cao trung bình 30%/năm, đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng của thị trường trong nước. Tuy nhiên, ngành công nghiệp sản xuất ô tô còn nhiều hạn chế rất lớn, ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững trong dài hạn.

Những tồn tại, bất cập đối với ngành sản xuất ô tô trong nước có thể kể đến như giá thành còn cao, khả năng cạnh tranh còn hạn chế, công nghiệp hỗ trợ kém phát triển, tỷ lệ nội địa hóa thấp. Theo cam kết AFTA, từ ngày 1.1.2018, thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc từ một số thị trường truyền thống sẽ đưa về mức 0%. Điều này tạo sức ép rất lớn đối với các doanh nghiệp sản xuất và lắp ráp xe trong nước.  Các nhà sản xuất sẽ buộc phải đặt mình trước quyết định mới, hoặc là sắp xếp lại hệ thống sản xuất khu vực hoặc là tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất trong nước hay chấp nhận rút lui hoạt động sản xuất khỏi thị trường Việt Nam và chuyển sang thương mại đơn thuần.

Ghi nhận các ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp, chuyên gia tại buổi tọa đàm, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng muốn tiếp tục phát triển công nghiệp ô tô thì cần phải làm và làm quyết liệt công nghiệp hỗ trợ. Bởi nếu không có công nghiệp hỗ trợ thì khó phát triển công nghiệp ô tô.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem