Đề xuất tăng thuế xăng dầu: “Người dân đóng thuế phải được biết tiền đi đâu”

Hoàng Thắng (thực hiện) Thứ hai, ngày 21/05/2018 06:16 AM (GMT+7)
Việc Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường (BVMT) từ 3.000 đồng/lít hiện nay lên mức kịch khung cho phép là 4.000 đồng/lít đối với xăng, đồng thời tăng kịch khung thuế BVMT với nhiều mặt hàng khác làm dấy lên lo ngại sẽ khiến giá thành sản xuất tăng theo, từ đó tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh... Dư luận băn khoăn: Tăng thuế thì người dân có được hưởng lợi ích gì?
Bình luận 0

Xung quanh vấn đề này, phóng viên Dân Việt đã trao đổi với TS Bùi Trinh - chuyên gia kinh tế.

Thiếu minh bạch, người dân khó bằng lòng

Ông đánh giá như thế nào về đề xuất tăng kịch khung thuế BVMT đối với xăng dầu của Bộ Tài chính?

- Những năm qua, tăng trưởng GDP bình quân của Việt Nam ở mức tương đối khá so với các nước trong khu vực. Về phía cung, tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2017 cơ bản do tăng trưởng của nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (14,5%), cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng GDP bình quân của nền kinh tế là 6,8%.

img

 Bộ Tài chính mới đây đã đề xuất tăng kịch khung thuế bảo vệ môi trường lên mức kịch khung cho phép là 4.000 đồng/lít đối với xăng (ảnh minh họa).  Ảnh: T.L

img

"Thuế và tăng trưởng có quan hệ nghịch biến. Khi tăng mức thuế của sắc thuế đều gây méo mó thị trường, ảnh hưởng tới nền kinh tế. Những người làm chính sách công phải cân đối giữa nhiệm vụ tăng thuế và phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Đồng thời, phải hài hòa giữa lợi ích của người dân, Nhà nước và doanh nghiệp”.

TS Bùi Trinh

Còn ở phía cầu, tăng trưởng về xuất khẩu lên đến 21%, nếu loại trừ yếu tố giá thì tăng trưởng xuất khẩu vào khoảng 19%. Hai yếu tố này liên quan với nhau do công nghiệp chế biến, chế tạo cơ bản là gia công rồi xuất khẩu, thành phần kinh tế chiếm tỷ trọng cao trong tổng kim ngạch xuất khẩu là khu vực FDI (có vốn đầu tư nước ngoài, chiếm 73%).

Ở một khía cạnh khác, nghiên cứu từ mô hình cân đối liên ngành (I/O) cho thấy lượng phát thải khí nhà kính (Greenhouse gas - GHG) của Việt Nam thực sự đáng báo động, đặc biệt ở hai lĩnh vực mà nền kinh tế lấy làm tự hào là nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và xuất khẩu hàng hóa.

Vậy mà thời gian qua, vấn đề phát thải khí nhà kính thường bị đổ cho hoạt động vận tải và người tiêu dùng sử dụng phương tiện giao thông như ôtô, xe máy.

Trong bối cảnh đó, việc mới đây Bộ Tài chính đề xuất tăng kịch khung thuế BVMT đối với xăng dầu, từ 3.000 lên 4.000 đồng/lít, không khỏi khiến nhiều người bức xúc. Bởi rõ ràng quá trình nghiên cứu không được thực hiện một cách nghiêm túc, cẩn thận.

Nếu cơ quan soạn thảo cung cấp những số liệu chi tiết, có phương pháp nghiên cứu, đánh giá rõ ràng, minh bạch nhằm chứng minh cho đề xuất tăng thuế của mình là cần thiết và hợp lý, tôi tin người dân sẽ đồng ý ngay.

Việc tăng thuế BVMT theo Bộ Tài chính là nhằm tăng thu ngân sách, nhưng lại đẩy gánh nặng lên vai người tiêu dùng, người dân. Cách làm này có vẻ như không hợp lý?

- Lý do chính của đề xuất này là để bù hụt thu ngân sách khi thuế nhập khẩu giảm theo các hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương. Trên thực tế, việc tăng thuế BVMT và một loạt sắc thuế gián thu khác là để bù đắp nguồn thu khi nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do.

Ngoài ra, ngân sách cũng đang dần cạn kiệt do số chi tiêu quá lớn. Báo cáo ước thực hiện ngân sách nhà nước quý I.2018 cho thấy, chi thường xuyên là 254.725 tỉ đồng, xấp xỉ 88% tổng chi ngân sách, chi trả nợ gốc chiếm khoảng 8% tổng chi.

Bộ Tài chính lý giải việc giảm thuế nhập khẩu về 0 do hội nhập kinh tế, ký kết các hiệp định thương mại khiến nguồn thu ngân sách giảm phải tăng các nguồn thu khác đề bù vào khoản thiếu hụt, vậy nên có ý kiến băn khoăn rằng như vậy hội nhập để làm gì?

- Nhiều chuyên gia cũng đã thảo luận về khả năng “thu lợi” khi tham gia các hiệp định thương mại tự do. Song khi sản xuất trong nước chỉ là sản xuất gia công và xuất khẩu mà bản chất là xuất khẩu hộ nước khác thì khả năng này thấp.

Quay lại chuyện gây ô nhiễm môi trường, đáng lẽ đây mới chính là lý do để đánh thuế BVMT nhằm phục vụ cho hoạt động bảo vệ, tái tạo môi trường. Theo nghiên cứu dựa trên bảng cân đối liên ngành (I/O) và số liệu từ báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy nhóm ngành thải ra lượng GHG lớn nhất là nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.

Nhóm ngành này thải ra lượng GHG gần gấp 3 lần mức bình quân chung của nền kinh tế. Tiếp đến là nhóm ngành xây dựng cao hơn mức bình quân chung 2,4 lần và nhóm ngành nông - lâm - thủy sản cao hơn mức bình quân chung 2,1 lần.

Một điểm đáng chú ý là sản xuất hàng xuất khẩu gây nên phát thải GHG lớn nhất, chiếm trên 50% tổng lượng phát thải GHG. Trong đó, sản xuất hàng xuất khẩu cơ bản lại thuộc khu vực FDI, chiếm 73%. Trong khi đó, với chính sách ưu tiên xuất khẩu hàng hóa hiện nay (gồm ưu tiên thuế và tín dụng) thì có hay không việc người dân vừa phải chịu đựng gánh nặng thuế khóa vừa phải chịu đựng ô nhiễm không khí, còn nhà đầu tư nước ngoài vẫn hưởng lợi?

Tăng thuế gây méo mó thị trường

Theo ông, việc tăng mạnh thuế BVMT đối với xăng dầu sẽ có tác động như thế nào đến nền kinh tế cũng như cuộc sống của người dân?

- Đáng nói hơn, xăng dầu là mặt hàng thiết yếu trong cuộc sống, là đầu vào của tất cả các ngành sản xuất trong nền kinh tế. Do đó, mặt hàng này có tăng giá như thế nào thì người dân và doanh nghiệp vẫn phải sử dụng.

Nhìn vào bối cảnh chung, toàn dân phải chịu thêm gánh nặng thuế, trong khi ngân sách nhà nước lại thất thu do những ưu đãi thuế với các sản phẩm nhập khẩu  trong bối cảnh hội nhập.

Tăng thuế xăng dầu sẽ tác động lên toàn bộ hệ thống sản xuất, làm tăng chỉ số giá sản xuất (PPI), tăng chi phí sản xuất. Từ đó, sẽ gây tăng giá thành sản phẩm, ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI), gây ảnh hưởng tới người tiêu dùng. Đây là ảnh hưởng trực tiếp.

Còn ảnh hưởng lan tỏa là khi thành phần kinh tế sau nhận sản phẩm, nguyên liệu đã được thành phần kinh tế trước đó tăng giá do mức thuế tăng lên, họ phải chịu nhiều chi phí hơn nên sẽ tìm cách san sẻ, đẩy khoản chi phí tăng lên này cho những đối tượng khác cùng gánh chịu. Vậy Bộ Tài chính khi đề xuất tăng thuế đã tính tới trường hợp này chưa? Kết quả của hoạt động tăng thuế này sẽ gây méo mó thị trường.

Đó là chưa kể 5 sắc thuế khác dự kiến sẽ tăng theo lộ trình vài năm tới, rồi phí BOT, lạm phát...

Ông có đề xuất giải pháp gì giúp giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước?

- Cần hài hòa giữa lợi ích của người dân, Nhà nước và doanh nghiệp. Người dân khi thực hiện nghĩa vụ đóng thuế cần được biết tiền của họ đi đâu, được sử dụng vào mục đích gì. Phương án tốt nhất hiện tại là giảm chi ngân sách nhưng Bộ Tài chính chỉ có quyền đề xuất tăng thuế, quyền quản lý chi, cân đối ngân sách, giảm chi nằm ở cấp cao hơn.

Tôi nghĩ việc chúng ta cần làm hiện nay là minh bạch những con số vĩ mô để phản ánh thực sự nền kinh tế. Có như vậy, chúng ta mới biết rằng mình đang ở đâu, trong tình trạng như thế nào, từ đó đưa ra được giải pháp phù hợp cho mục tiêu tăng trưởng.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem