Nên xem Grab là doanh nghiệp vận tải hay công nghệ?

Song Hà Thứ ba, ngày 20/11/2018 15:46 PM (GMT+7)
“Bản thân Grab không có xe, cũng không có người lao động, tất cả những người chạy xe Grab không phải nhân viên của hãng, chính vì thế không thể xem Grab như một công ty vận tải mà nên coi đó là doanh nghiệp công nghệ”, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nói.
Bình luận 0

Theo dự kiến, ngày 22.11, phiên tòa xử vụ Vinasun kiện Grab sẽ được mở lại. Đây là một trong những phiên tòa xét xử dân sự nhưng thu hút sự quan tâm đặc biệt của công luận.

Trước đó, tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát đã đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Vinasun và buộc Grab phải bồi thường số tiền 41,2 tỷ đồng. Nhiều ý kiến cho rằng, nếu đề nghị này được chấp nhận, sẽ tạo thành một án lệ gây phản ứng dây chuyền, tác động tiêu cực tới phong trào startup và 4.0 đang truyền cảm hứng rộng rãi.

Thực tế, cho đến thời điểm này, grab được coi là hoạt động vận tải hay chỉ là dịch vụ công nghệ vẫn đang là điều  chưa được minh định. Cùng với sự phát triển của dịch vụ xe công nghệ, phải chăng "tấm áo pháp lý" đã quá chật, đã đến lúc cần có sự điều chỉnh các quy định phát luật để thúc đẩy kinh tế chia sẻ, để các doanh nghiệp được phát triển bình đẳng hơn?

img

Nên định nghĩa Grab thế nào?

Chia sẻ tại cuộc tọa đàm “Kinh tế chia sẻ: Mô hình xe công nghệ và những vướng mắc cần tháo gỡ” do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức chiều qua (19.11), chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, để định danh Grab hay GoViet… cần dựa vào hai đối tượng, đó là người chạy xe và xe. Grab là công ty cung ứng về công nghệ và người chạy xe Grab là người cung cấp dịch vụ. Theo đó, Grab không phải công ty vận tải. Họ cung ứng công nghệ để tài xế Grab dùng công nghệ đó đón khách, cung cấp dịch vụ.

Còn Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam Nguyễn Văn Chiến thì phân tích, Grab là hoạt động kinh doanh rất mới và không đơn giản, Grab không chỉ thuần túy là hoạt động của một hãng đăng ký để chở hành khách như taxi truyền thống mà kết nối bởi rất nhiều yếu tố và chủ thể khác nhau. Do vậy, việc định danh Grab không đơn giản, đòi hỏi sự tham gia của các cơ quan, bộ, ngành có liên quan, trong đó có Bộ Công thương.

Góp ý về vấn đề này, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh Thạch Phước Bình nêu ý kiến, “đọc quy chế hoạt động của Grab cho thấy họ vẫn nghiêng về cung cấp dịch vụ giống như đề án thí điểm theo Quyết định số 24/QĐ-BGTVT. Họ giống như một đơn vị trung gian nhưng bây giờ còn tham gia như một đơn vị vận tải thực thụ, có nhận khách, trả khách và thu tiền. Tôi cho rằng đây là doanh nghiệp trung gian có hoạt động kinh doanh vận tải, doanh nghiệp bổ trợ”.

Thực tế, ở nước ta dù chưa có số liệu thống kê chính thức về sự phát triển của kinh tế chia sẻ, nhưng có thể thấy dịch vụ kinh tế chia sẻ nổi bật nhất chính là vận tải trực tuyến với sự tham gia của Uber, Grab, GoViet… Mô hình kinh doanh mới đòi hỏi tư duy quản lý mới.

img

Mô hình đặt xe công nghệ như Grab, Goviet.... hiện vẫn chưa được định danh rõ ràng (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, với mô hình đặt xe công nghệ như Grab, GoViet… hiện vẫn chưa được định danh rõ ràng. Bằng chứng là trong bản dự thảo lần thứ 6 Nghị định mới thay thế Nghị định 86/2014 về điều kiện kinh doanh vận tải, Bộ Giao thông - Vận tải không thừa nhận “xe hợp đồng điện tử”.

Cần sự cạnh tranh bình đẳng

Trước sự việc mới đây, Công ty CP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) kiện Công ty TNHH Grab (Grab) đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, vì cho rằng doanh nghiệp đối thủ đã làm sụt giảm doanh thu, nhiều ý kiến cho rằng cùng với việc định danh rõ mô hình kinh doanh mới, Nhà nước cần tạo lập hành lang pháp lý rõ ràng, chặt chẽ để cả doanh nghiệp truyền thống lẫn doanh nghiệp công nghệ cạnh tranh bình đẳng, cùng phát triển.

Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Dương Minh Tuấn nêu ý kiến, để hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp taxi truyền thống với doanh nghiệp công nghệ, trước hết, Bộ Giao thông - Vận tải cần tổng kết việc thực hiện Quyết định số 24 về thí điểm ứng dụng khoa học - công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng.

Bên cạnh đó, ông Dương Minh Tuấn cũng cho rằng cần sửa đổi Luật Giao thông đường bộ, trong đó phải bổ sung một loại hình mới là taxi công nghệ. Cùng với đó, Nghị định 86/2014 cần được sửa đổi theo hướng rút bớt điều kiện kinh doanh không cần thiết, tạo đà cho doanh nghiệp kinh doanh vận tải phát triển.

Cùng chung ý kiến, Trưởng phòng Luật Kinh tế, Viện Nhà nước và Pháp luật Ngô Vĩnh Bạch Dương cho rằng các chính sách cần hướng tới gỡ rào cản cho cả doanh nghiệp taxi truyền thống lẫn doanh nghiệp ứng dụng công nghệ. Đồng thời, đối với các doanh nghiệp taxi truyền thống, cần đổi mới dịch vụ, chiến lược kinh doanh, ứng dụng công nghệ… để kéo khách hàng, tăng tính cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Có thể nói rằng, trong bối cảnh hiện nay, đặc biệt trong thời cách mạng công nghệ 4.0, chính sách không nên đặt ra điều kiện để hạn chế sự phát triển của kinh tế chia sẻ, với nhiều mô hình kinh doanh mới, như yêu cầu Grab phải gắn mào cho xe như với taxi truyền thống.  Như chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu phân tích: “Chúng ta phải chấp nhận thị trường đang mở rộng” và “cần bảo đảm cạnh tranh trong tất cả thành phần tham gia”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem