Nông nghiệp CNC: Khi bản lĩnh của DN... chưa đủ

Nguyễn Đức Hưởng Thứ năm, ngày 29/06/2017 13:00 PM (GMT+7)
Tuy gần đây, nông nghiệp công nghệ cao đã trở thành chủ đề “hot” và thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia hơn, nhưng để đạt mục tiêu phát triển nông nghiệp công nghệ cao bài bản và bền vững, “bản lĩnh” của chính các doanh nghiệp vẫn... chưa đủ, mà quan trọng hơn là sự liên kết chặt chẽ, sự vào cuộc đồng bộ của 5 nhà: Nhà nước, nhà nông dân, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà băng (ngân hàng).
Bình luận 0

img

Doanh nghiệp có... hào hứng với nông nghiệp CNC?

Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được hiểu là nền sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, với sự tích hợp của nhiều ngành từ công nghệ cơ khí, điện tử, tự động hóa, hóa học, công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, khí tượng, tài chính - quản trị kinh doanh, chế biến, bảo quản... để làm ra sản phẩm nông nghiệp năng suất, chất lượng, hiệu quả cao, đảm bảo phát triển bền vững.

Trên thế giới phát triển nông nghiệp công nghệ cao đã được thực hiện từ nhiều thập kỷ trước đây. Ở Việt Nam, từ những năm 90 của thế kỷ trước đã bắt đầu phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đến đầu năm 2017 đã có gần 30 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được quy hoạch, xây dựng và đưa vào hoạt động ở một số địa phương.

Theo số liệu thống kê, số lượng doanh nghiệp nông nghiệp năm 2015 chỉ có hơn 3.600 doanh nghiệp (chiếm khoảng 1% tổng số doanh nghiệp). Đến hết quý III năm 2016 có thêm hơn 1.300 doanh nghiệp nông nghiệp đăng ký thành lập mới, đưa tổng số doanh nghiệp nông nghiệp lên trên 4.000 doanh nghiệp. Theo đánh giá, con số dưới 1% đầu tư của doanh nghiệp vào nông nghiệp, nông thôn còn rất nhiều hạn chế, thiếu ổn định và chưa tương xứng với tiềm năng, cũng như nhu cầu phát triển của ngành. Hơn nữa, đa số doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp lại là các doanh nghiệp có quy mô nhỏ.

Nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp ngại đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao ngoài những rủi ro về thiên tai, khí hậu, dịch bệnh, lợi nhuận thấp… thì những rào cản về đất đai, đặc biệt là thiếu những “cánh đồng mẫu lớn” để đầu tư nông nghiệp công nghệ cao; thiếu và hạn chế trong tiếp cận nguồn vốn; rào cản về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính, tâm lý và thói quen sản xuất cũ, lạc hậu của người dân... là những khó khăn, vướng mắc không dễ giải quyết ngày một ngày hai.

Đặc biệt, nhân lực được coi là hạn chế lớn nhất khiến các nhà đầu tư còn “chần chừ” khi đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao bởi lẽ đây là lĩnh vực phải được vận hành bởi “nông dân trí thức”, nhưng khoảng trên 97% lao động nông nghiệp hiện nay chưa qua đào tạo và để vận hành hiệu quả nông nghiệp công nghệ cao thực sự cần thiết phải đào tạo nguồn nhân lực nông nghiệp công nghệ cao, đào tạo nghề cho người dân, người nông dân không chỉ là người lao động mà còn phải là những chuyên gia trên đồng ruộng.

Tuy những năm gần đây, nông nghiệp công nghệ cao đã trở thành chủ đề “hot” và thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia hơn, nhưng để đạt mục tiêu phát triển nông nghiệp công nghệ cao bài bản và bền vững, “bản lĩnh” của chính các doanh nghiệp vẫn... chưa đủ, mà quan trọng hơn là sự liên kết chặt chẽ, sự vào cuộc đồng bộ của 5 nhà: Nhà nước, nhà nông dân, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà băng (ngân hàng).

Bài toán đầu ra là cốt lõi

Để thành công với nông nghiệp công nghệ cao, bài toán đầu ra được cho là vấn đề cốt lõi.

img

Cái gốc của vấn đề là chúng ta phải tổ chức mô hình nuôi, trồng tập trung chuyên nghiệp mà nông dân được biến thành công nhân hoặc chỉ là bàn tay nối dài để phát triển trồng trọt, chăn nuôi, thực hiện nghiêm ngặt quy trình của chủ đầu tư đảm bảo chất lượng. Sau đó là việc tổ chức tiêu thụ theo quy trình chuỗi khép kín. Khi nào ở Việt Nam hết chăn nuôi, trồng trọt tự phát, manh mún thì mới có thể hết giải cứu cho các sản phẩm đầu ra của nông nghiệp.

Trong khi đó, nông nghiệp công nghệ cao thường gắn liền với giá thành sản xuất cao, nhất là trong giai đoạn đầu, cộng với tâm lý của người tiêu dùng chưa đủ niềm tin thế nào là sản phẩm sạch, thế nào là sản phẩm công nghệ cao để đủ sức đánh đổi chi phí lớn khi người tiêu dùng cần bỏ ra để mua sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao. Ngoài ra, hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn là vấn đề “đau đầu”, trong đó có nguyên nhân do luật và thi hành luật không đủ lực và yếu kém.

Đầu tư vào nông nghiệp dễ rủi ro, chuyện nhà nông “loay hoay” với bài toán đầu ra và bài học “được mùa, mất giá, bí đầu ra” đến nay vẫn là bài học nhãn tiền chưa có đáp án giải quyết triệt để. Và chuyện đầu ra cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao cũng có thể là bài toán “tâm lý thấp thỏm”..., các nhà đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao đa số bị lỗ vì sản phẩm “vàng thau lẫn lộn”, luật pháp bó tay, nhà đầu tư bó toàn thân!

Do đó, Nhà nước bên cạnh việc phải bổ sung, sửa đổi luật theo hướng xử phạt thích đáng, cần có chính sách khuyến khích để các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm của bà con nông dân... Các hình thức liên kết, hợp tác trong nông dân, đặc biệt giữa nông dân với doanh nghiệp nhằm đầu tư mở rộng sản xuất, gắn với chế biến tiêu thụ, tạo sản xuất ổn định và nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp, làm cơ sở để xây dựng thương hiệu sản phẩm có uy tín trên thị trường cần được khuyến khích.

Các doanh nghiệp cần phát triển theo hướng gắn với hình thức liên kết theo chuỗi từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm, xây dựng “cánh đồng mẫu lớn” nhằm nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao và nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường.

* TS. Nguyễn Đức Hưởng – Chủ tịch HĐQT NH LienVietPostBank

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem