TGĐ VEAM nói gì về tài trợ cho lãnh đạo Bộ Công Thương xuất ngoại?

Phi Long Thứ bảy, ngày 28/07/2018 06:00 AM (GMT+7)
Trao đổi với Dân Việt, ông Trần Ngọc Hà - Tổng giám đốc Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) cho biết, VEAM chưa từng tài trợ cho lãnh đạo Bộ Công Thương đi nước ngoài.
Bình luận 0

img

TGD VEAM nói gì về tài trợ cho lãnh đạo Bộ Công Thương xuất ngoại (Ảnh: IT)

Nhiều lãnh đạo Bộ Công Thương được doanh nghiệp "đài thọ"

Trước đó, theo phản ánh của Dân Trí và một số tờ báo: Một trong số các chuyến đi tốn kém nhất mà Thanh tra Chính phủ vừa qua phát hiện được và nêu trong Kết luận thanh tra về các đoàn đi nước ngoài trong 5 năm: 2012-2016 chính là chuyến đi có tên “Tìm hiểu thị trường nguyên liệu và dự hội chợ tại Cuba, Argentina và Panama" kéo dài 12 ngày năm 2016.

Tổng chi phí chuyến đi này, riêng phần chi cho 5 cán bộ của Bộ Công Thương lên tới gần 1,4 tỷ đồng. Trong đó, riêng chi phí cho cựu Thứ trưởng Công Thương Hồ Thị Kim Thoa lên tới trên 320 triệu đồng; bà Lê Thị Thu Hương hết 207 triệu đồng; ông Phan Chí Dũng (thời điểm đó là Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ của Bộ Công Thương) chi phí hết 353,7 triệu đồng; ông Đào Vân Hải cũng hết 353,7 triệu đồng; bà Vi Thị Ngọc Trâm chi hết 153,35 triệu đồng.

Trong đoàn đi còn có 2 cán bộ ở cơ quan quản lý khác, chi phí cho 2 người này cũng lên tới …992 triệu đồng.

Trong danh sách các doanh nghiệp của Bộ Công Thương phải chi tiền tài trợ cho cán bộ, công chức đi nước ngoài trong các năm qua gồm: Tổng công ty Máy và Động lực, Công ty TNHH MTV Petrolimex Lào Cai; Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn; Công ty Cổ phần Hóa dầu Quân đội… và nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước khác.

Kết luận của Thanh Tra Chính phủ (Phụ lục 4) về Danh sách các lãnh đạo của 10 đơn vị bị thanh tra do đi nước ngoài trên 2 lần/năm, hoặc đoàn có 2 lãnh đạo chủ chốt cùng tham gia, đoàn dùng tiền doanh nghiệp tài trợ cho thấy: Quyết định 3517/QĐ-BCT ngày 25.8.2016 gồm 1 người đi Indonesia 3 ngày hội thảo và triển lãm là do Tổng công ty máy và động lực đài thọ.

Tuy nhiên, lãnh đạo VEAM đã khẳng định không hề tài trợ cho lãnh đạo Bộ Công Thương đi nước ngoài. Cụ thể, ông Trần Ngọc Hà khẳng định: “VEAM chưa bao giờ tài trợ cho lãnh đạo Bộ Công Thương đi nước ngoài, nếu cần biết gì thêm về kết luận của Thanh tra Chính phủ thì đi hỏi bên Thanh tra Chính phủ”.

img

Công ty Cổ phần (VEAM) tiền thân là Công ty TNHH Nhà nước 1 thành viên, hoạt động theo mô hình Công ty Mẹ - Công ty Con, thuộc Bộ Công Thương. 

Bộ Công Thương nói gì về việc đi nước ngoài?

Theo Báo cáo của Bộ Công Thương về Kết luận của Thanh tra Chính phủ về quản lý nhà nước và thực hiện pháp luật trong việc cử đoàn đi nước ngoài giai đoạn 2012-2016 cho thấy: Ngày 2.7.2018, Bộ Công Thương đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về Kết luận số 940/KL-TTCP của Thanh tra Chính phủ ngày 15.6.201818 về quản lý nhà nước và thực hiện pháp luật trong việc cử đoàn đi nước ngoài của một số bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, địa phương (giai đoạn 2012-2016).

Bộ Công Thương cho biết, thực hiện các quy định của Bộ Chính trị và Chính phủ về tăng cường quản lý các hoạt động đối ngoại, Ban cán sự Đảng và Lãnh đạo Bộ Công Thương luôn nghiêm túc quán triệt đến các cấp uỷ, các đơn vị thuộc Bộ theo đó nêu rõ trách nhiệm của thủ trưởng các đơn vị trong tham mưu, xây dựng chương trình đoàn đi công tác nước ngoài với tinh thần tiết kiệm, chống lãng phí, đảm bảo đúng quy định.

Đại diện Bộ Công Thương cũng cho biết, hàng năm, bộ này xây dựng kế hoạch đoàn ra do cấp Lãnh đạo Bộ làm trưởng đoàn gửi Bộ Ngoại giao để tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và căn cứ tình hình thực tế, yêu cầu nhiệm vụ công tác điều chỉnh bổ sung Kế hoạch này gửi Bộ Ngoại giao trong Quý II. Đối với các đoàn do Bộ trưởng làm trưởng đoàn hoặc tham gia theo yêu cầu của cấp trên, Bộ Công Thương thực hiện báo cáo xin ý kiến chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Công Thương cũng cho rằng: Là bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, đồng thời là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo liên ngành Hội nhập quốc tế về kinh tế, Bộ Công Thương đã tham mưu cho Chính phủ trong việc thiết lập quan hệ kinh tế thương mại với nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Thời điểm những năm 2012-2016 là giai đoạn cao điểm khi Việt Nam tiến hành đàm phán và ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do. Theo yêu cầu công việc và kế hoạch được phê duyệt, nhiều đoàn công tác nước ngoài cần Lãnh đạo Bộ Công Thương làm trưởng đoàn với thành phần tham gia của các Bộ, ngành hữu quan. 

Trong số 3.404 đoàn công tác trong giai đoạn 2012-2016 do Bộ Công Thương ban hành Quyết định, có nhiều đoàn mà Bộ Công Thương chỉ đóng vai trò chủ trì, thành phần tham gia bao gồm đại diện từ nhiều Bộ, ngành khác nhau để thực hiện công tác đàm phán, hội nhập với ASEAN, APEC v.v.. Ngoài ra còn nhiều đoàn khác do Lãnh đạo các doanh nghiệp trực thuộc Bộ Công Thương thực hiện nhiệm vụ đi công tác nước ngoài để đàm phán, ký kết hợp đồng tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường v.v..

Để tránh có các cách hiểu khác nhau, Bộ Công Thương xin kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét giao Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành hữu quan có hướng dẫn cụ thể Chỉ thị số 21-CT/TW trong đó lưu ý tới một số Bộ, ngành có nhiệm vụ đặc thù thực hiện các công tác đối ngoại theo nhiệm vụ, yêu cầu mà Đảng và Nhà nước giao.

Việc có bao nhiêu doanh nghiệp tiếp tục phủ nhận tài trợ cho cán bộ đi nước ngoài và việc tài trợ cho cán bộ đi nước ngoài có vi phạm các quy định của pháp luật hay không sẽ được chúng tôi tiếp tục làm rõ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem