Thiếu tàu tuyến nội Á, cảng gần thành xa

An Phú Thứ ba, ngày 24/11/2020 06:04 AM (GMT+7)
Hiện nay, các tuyến tàu nội Á ghé cảng Cái Mép-Thị Vải (CM-TV) còn rất ít. Điều này đã khiến lợi thế gần cảng trở thành bất lợi với nhiều doanh nghiệp (DN), khi họ phải mất nhiều thời gian vận chuyển hàng hóa sang các cảng khác và “cõng” thêm nhiều chi phí logistics.
Bình luận 0

Chi phí tăng gấp đôi

Công ty TNHH Nitori chuyên sản xuất đồ nội thất (khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ 3, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) sử dụng nguyên liệu nhập khẩu và xuất khẩu toàn bộ thành phẩm. Đây chính là lý do Nitori chọn địa điểm gần cụm cảng CM-TV để đầu tư.

Thiếu tàu tuyến nội Á, cảng gần thành xa - Ảnh 1.

Hàng hóa xuất nhập khẩu sang thị trường nội Á qua hệ thống cảng CM-TV chỉ đạt từ 3-4%/năm. Ảnh: Bãi chứa hàng container tại cảng TCIT. Ảnh: An Phú

Theo thống kê tại cụm cảng CM-TV, tàu nội Á tập trung chủ yếu ở 3 hãng tàu MSC, WHL và One. Tổng sản lượng tuyến nội Á của TCIT và TCTT tăng lần lượt 41% và 83% trong 10 tháng năm 2020 so với cùng kỳ năm 2019. Từ đầu năm đến nay, hãng tàu One đã đưa tuyến JSM về cảng TCIT, nâng số tuyến nội Á của hãng tàu này qua CMTV lên 4 tuyến.

Tuy nhiên, do nguyên liệu đầu vào của nhà máy phần lớn có xuất xứ từ các nước châu Á nên phần lớn hàng nhập khẩu về đều cập tại cảng Cát Lái (TP.HCM). Ông Suzuki Tadashi - đại diện Tập đoàn Nitori cho biết, DN rất muốn thực hiện 100% hàng xuất nhập khẩu (XNK) tại CM-TV. Tuy nhiên, do tần suất các tuyến tàu nội Á cập CM-TV còn quá ít nên buộc DN phải chở hàng "ngược" lên Cát Lát. Vì vậy, mong muốn của DN là cụm cảng tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ và quan trọng nhất là tăng tần suất các tuyến nội Á.

Tương tự, đại diện Nhà máy giấy bao bì Kraft of Asia của Tập đoàn Marubeni (Nhật Bản) cũng cho biết, nếu tất cả hàng hóa XNK đi châu Á đều làm hàng tại CM-TV thì DN sẽ tiết kiệm nhiều thời gian và chi phí. Bởi sản lượng XNK khi nhà máy chạy hết công suất lên tới 40.000 container/năm. Chia sẻ về vấn đề này, bà Phan Thị Minh Hương - Trưởng phòng XNK Công ty TNHH Sang Fang Việt Nam cho biết: "Ở Cát Lái rất nhiều hàng, nên DN buộc phải chờ lấy hàng lâu, chi phí vận chuyển đường bộ lấy container từ Cát Lái về Bà Rịa - Vũng Tàu tăng gấp đôi. Chưa kể, để tiếp tục vận chuyển, các tàu nội địa châu Á lại phải qua các cảng trung chuyển tại Singapore, Hongkong khiến đội giá thêm gần 200USD/container".

Có cảng kế bên nhưng phải đi xa hơn 70km để XNK hàng hóa. Theo tính toán của các DN, việc đưa hàng lên Cát Lái để xuất khẩu khiến DN phải tốn thêm hơn 4 triệu đồng/container nếu như đi đường bộ và hơn 2 triệu đồng/container nếu đi bằng sà lan. Bất hợp lý này tồn tại hơn 10 năm qua đối với các DN tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Tăng tần suất tuyến nội Á

Bà Rịa - Vũng Tàu hiện có hơn 60% lượng hàng nhập khẩu và 80% hàng xuất khẩu thuộc khu vực nội Á. Tuy nhiên, hiện cụm cảng CM-TV có 30 tuyến tàu, trong đó có 23 tuyến quốc tế, 7 tuyến nội Á, quá ít so với cảng Cát Lái là 83 tuyến. Theo ông Nguyễn Anh Triết - Trưởng Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, các DN trong tỉnh xuất khẩu đạt 1,5 triệu tấn/năm và nhập khẩu 2,3 triệu tấn/năm. Trong đó, hàng nội Á nhập khẩu chiếm 85%, xuất khẩu chiếm 60%. Nhưng tỷ lệ hàng XNK thị trường nội Á qua CM-TV bình quân chỉ đạt 3-4%.

Nhiều ý kiến DN cho rằng, CM-TV cần phải tìm các giải pháp để tăng tần suất các tuyến tàu nội Á. Đứng từ góc nhìn của một DN kinh doanh cảng biển, ông Trương Tấn Lộc - Giám đốc marketing, Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn (SNP) cho rằng, việc triển khai các tuyến tàu feeder nội Á vào CM-TV sẽ phù hợp với xu hướng hiện tại và trong thời gian tới. Đó là xu hướng tăng kích cỡ, kể cả tàu tuyến nội Á. Với xu hướng này, CM-TV sẽ hưởng lợi trong khi tàu lớn không thể vào các cảng lân cận. Tuy nhiên, nếu tàu nội Á tăng tuyến ghé cảng CM-TV thì các DN cảng cần phải tiếp tục đầu tư tăng năng lực tiếp nhận.

Ông Vũ Hồng Hùng - Giám đốc cảng TCTT cho biết, cụm CM-TV hiện có 5 cảng container đang khai thác với khả năng thông qua 5,1 triệu TEUs. Cùng đó, sang quý II/2021, dự kiến cảng Germalink sẽ đi vào khai thác tăng sản lượng lên 6,6 triệu TEUs. Do đó, CM-TV hiện có đủ khả năng tiếp nhận thêm 9 chuyến tàu nội Á và các cảng của SNP có thể tiếp nhận 5 chuyến/tuần. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem