“Thịnh- Suy- Vi- Thái” lên hình quả phật thủ

Việt Tùng Thứ hai, ngày 02/02/2015 06:43 AM (GMT+7)
“Thịnh – Suy – Vi – Thái” là cách tính “ngón” của dân sành chơi phật thủ. Với những quả nhiều ngón và đặc biệt là ngón cuối cùng kết thúc bằng chữ “Thái” hoặc “Thịnh” thì rất quý. Năm nay những quả như thế có giá lên đến 1,8  – 2 triệu đồng và đang có nguy cơ “cháy” hàng.
Bình luận 0

Chơi Phật thủ cũng lắm công phu

Những năm gần đây, ở các xã Đắc Sở, Yên Sở, Tiền Yên (Hoài Đức, Hà Nội) được biết đến như một “vương quốc” của phật thủ. Tại đây, có đến cả trăm ha phật thủ, mỗi năm cung cấp cho thị trường hàng triệu quả để người dân chơi tết. Những tưởng phật thủ cũng chỉ là một thứ quả trong mâm “ngũ quả”, nhưng khi tìm hiểu mới biết, việc chơi phật thủ cũng lắm công phu, thú vị.

img
Những quả phật thủ có giá từ 200.000 – 500.000 đồng/quả. (Ảnh chụp tại xã   
Đắc Sở, Hoài Đức, Hà Nội).  
Được biết, tích chơi phật thủ xuất phát từ việc thờ cúng, tín ngưỡng ở Ấn Độ, quả phật thủ tượng trưng cho Đức Phật nghìn tay, nghìn mắt. Còn ở Việt Nam, từ xa xưa phật thủ đã được các thầy lang dùng để bào chế ra nhiều vị thuốc, bài thuốc khác nhau. Ngoài ra nó còn được người dân dùng để bày lên mâm ngũ quả vào dịp tết, vì có hình thù đẹp, mùi thơm đặc trưng, để được lâu. Song phật thủ mới thực sự được người dân và đặc biệt là dân sành chơi, tín ngưỡng để ý đến nhiều khoảng vài năm trở lại đây.

“Càng đi sâu vào cây phật thủ càng thấy nhiều điều thú vị. Lúc đầu tôi cứ nghĩ chăm sao cho quả to là bán sẽ có giá nhưng không hẳn thế. Dân chơi phật thủ thường chơi theo hai cách, một là quả béo to, ngón ngắn (tượng trưng cho ngón tay của Phật Di Lặc), hai là quả có nhiều ngón (tượng trưng cho Phật Bà nghìn mắt nghìn tay). Song các ngón phải tuân theo quy luật đếm “Thịnh – Suy – Vi – Thái”, rồi lặp lại, nếu ngón cuối kết thúc bằng chữ Thịnh hoặc Thái là quý nhất” – ông Chính cho hay.

Gần đây, dân chơi kiểng, bonsai đang rộ lên mốt chơi bonsai phật thủ và nó cũng được “thổi” theo cách nghĩ, cách luận của giới này. Thông thường những cây bonsai có giá trị và được dân chơi săn tìm nhiều nhất, ngoài thế đẹp, nó còn phải đạt được các yếu tố như: Cây có duy nhất 1 quả (có nghĩa là độc nhất vô nhị), cây 2 quả (song kiếm hợp bích), cây 6 quả (lộc), cây 8 quả (phát). Song những cây có đầy đủ các yếu tố trên và cộng thêm ngón của quả nhiều, to, dài và ngón cuối là chữ “Thịnh”, hoặc “Thái” thì vô cùng quý giá. Những cây như thế thường được chủ hét giá rất cao, có cây lên đến 15 triệu đồng và ông Chính cũng là người đi đầu trong trào lưu này.

Quả “độc” đắt tới cả 2 triệu đồng

Những ngày giáp tết này, về Đắc Sở, Yên Sở, Tiền Yên đi trên triền đê đâu đâu cũng thấy xe chở, người thồ, gánh phật thủ, mà hương thơm tỏa ngát cả một vùng quê. Theo ông Chính, với 2 mẫu phật thủ và khoảng 30 cây bonsai của ông thì hiện khách đã đặt quá già nửa từ cách đây 2 tháng. Số còn lại ngày nào khách cũng đến hỏi, trả giá cao nhưng ông chỉ bán một phần, còn để lại giáp tết mới bán.

Đang cặm cụi gò thế, tỉa tót cho những chậu cây bonsai, anh Phạm Bá Tú, xã Đắc Sở, chủ vườn Tú Thủy cho hay, năm nay anh có khoảng 5.000 – 6.000 quả phật thủ và 40 cây bonsai. Mặc dù còn khoảng một tháng nữa mới đến tết nhưng anh đã bán được hơn nửa. Anh Tú nhận định: “Chắc chắn năm nay phật thủ sẽ “cháy” hàng, đặc biệt là những quả đẹp, hàng bonsai. Giá năm nay cũng tăng so với năm ngoái khoảng 20 – 25%. Nếu năm ngoái trung bình 80.000 – 150.000 đồng/quả, loại vừa 200.000 – 250.000 đồng, quả to đẹp cũng chỉ 300.000 – 350.000 đồng/quả. Nhưng hiện trung bình 90.000 – 220.000 đồng quả, quả đẹp 300.000 – 500.000 đồng/quả, một số quả “độc” giá lên tới 2 triệu đồng/quả”.

>> Chiêm ngưỡng “nhan sắc” trái phật thủ “chục triệu chưa mua được"

Anh Tạ Đăng Thưởng, thôn Yên Thái, xã Tiền Yên, một trong những thôn có diện tích phật thủ lớn nhất xã vui vẻ cho hay, anh có 3 mẫu phật thủ, tất cả đều đã cho thu hoạch năm thứ 3. So với năm ngoái phật thủ năm nay sai, quả to, mã vàng đẹp, đặc biệt là quả rất nhiều ngón. Song cả vườn cũng chỉ tìm được vài chục quả chứa đựng tất cả các yếu tố, quả to, ngón nhiều và đặc biệt là đủ “Thịnh – Suy – Vi – Thái”. “Năm nay vườn của tôi cũng chỉ có khoảng hơn 30 quả “độc”, khách đang trả 1,8 – 2 triệu đồng/quả, nhưng tôi chưa bán. Không chỉ những quả “độc” cháy hàng, mà hầu như năm nay nhà vườn không có đủ phật thủ để bán cho thương lái” – anh Thưởng khoe.

  Mô hình trồng cây phật thủ bắt đầu ở Hoài Đức từ năm 2010 với 20ha, đến nay đã tăng lên tới hơn 100ha. Ban đầu, phật thủ xuất hiện ở các xã Đắc Sở, Yên Sở, rồi lan sang các xã Tiền Yên, An Thượng. Giá trị sản xuất trên mỗi ha phật thủ hiện đạt từ 800 triệu đồng đến 1 tỷ đồng. Diện tích cây phật thủ có thể tiếp tục mở rộng trong những năm tới do nhu cầu thị trường  vẫn đang ở mức cao.  

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem