Giá tăng cao, nguồn cung khan hiếm, lo thịt lợn nhập “lên ngôi”?

Ngọc Minh Thứ bảy, ngày 19/10/2019 06:15 AM (GMT+7)
Do bệnh dịch tả lợn châu Phi, các doanh nghiệp lo lắng nguồn cung thịt lợn cuối năm thiếu hụt, giá tăng mạnh. Và thịt đông lạnh, thịt nhập là giải pháp mà nhiều đơn vị lựa chọn.
Bình luận 0

Doanh nghiệp khó cầm cự

Ông Nguyễn Đăng Phú - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) cho biết, sau một thời gian dài giữ ổn định ở mốc 44.000 - 45.000 đồng/kg, từ đầu tháng 10, giá thịt lợn hơi xuất chuồng bắt đầu tăng mạnh.

“Chỉ trong vòng 15 ngày, giá thịt lợn hơi tăng lên 17.000 - 18.000 đồng/kg, hiện đã vượt mức 60.000 đồng/kg” - ông Phú nói. Giá lợn hơi Vissan thu mua ngày 18/10 ở khu vực phía Nam đã lên 62.000 đồng/kg.

img

Do nguồn cung khan hiếm, giá thịt heo trong 2 tuần qua tăng mạnh.  Ảnh:  P.V

Theo ông Phú, giá lợn hơi tăng là do dịch tả lợn châu Phi làm nguồn cung đàn lợn giảm mạnh. Bên cạnh đó, giá chênh lệch lớn từ thị trường lợn Trung Quốc cũng góp phần đẩy giá lợn trong nước tăng mạnh trong những ngày qua. Hiện Vissan vẫn cầm cự được, mỗi ngày cung cấp khoảng 1.200 - 1.500 con ra thị trường.

Tuy nhiên, ông Phú quan ngại, sự cố gắng này đã hết sức và Vissan lo lắng sẽ không đủ nguồn cung cho thị trường cuối năm, lễ, tết và giá sẽ còn tăng nữa.

Theo ông Nguyễn Văn Trọng - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, việc chỉ đạo các địa phương tăng nguồn cung các loại gia cầm và các loại thịt khác để bù đắp cho nguồn cung thịt lợn không dễ dàng. Bởi để bù đắp 1% thịt lợn bị giảm thì phải tăng 5% gia cầm hoặc 10% thịt bò mà thịt lợn là món được người dân Việt Nam yêu thích vì dễ chế biến.

Tương tự, đại diện hệ thống siêu thị BigC cũng cho biết, nhờ tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình kiểm tra, kiểm soát phòng dịch... sản lượng tiêu thụ thịt lợn của BigC ở khu vực miền Nam tháng 7/2019 tăng khoảng 15 - 20% so với cùng kỳ năm 2018. Tuy nhiên, từ giữa tháng 9/2019 giá thịt lợn bắt đầu tăng mạnh, nguồn cung dần khan hiếm.

“Hiện BigC chưa nhập thịt nhưng nếu nguồn cung cứ tiếp tục khan hiếm thì chúng tôi sẽ tính toán đến giải pháp này” - vị đại diện BigC nói.

Tại Công ty CP, ông Lê Xuân Huy - Phó Tổng Giám đốc phụ trách bộ phận chăn nuôi gia công phía Nam cho biết, CP hợp tác chăn nuôi lợn với người dân theo nhiều quy mô khác nhau trên địa bàn cả nước trên nguyên tắc xa khu dân cư, xa các trại chăn nuôi khác, ở những khu vực có khả năng cách ly và an toàn dịch bệnh tốt. CP cũng đang bảo vệ đàn lợn giống sạch bệnh và sẵn sàng cung ứng cho người chăn nuôi tái đàn nên không có biến động về nguồn cung cấp thịt lợn thời gian qua.

“Tuy nhiên, diễn biến dịch bệnh từ nay đến cuối năm rất khó dự đoán, nếu dịch bệnh được khống chế thì mức tiêu thụ thịt lợn sẽ tăng do sức cung cầu của thị trường. Hiện, giá lợn hơi xuất chuồng của CP đang cố gắng giữ mức dưới 60.000 đồng/kg để ổn định thị trường, giá niêm yết ngày 18/10 ở miền Đông Nam Bộ bình quân 57.500 đồng/kg, miền Tây là 58.000 đồng/kg. Mức giá này CP đã cố giữ trong gần 1 tuần qua. Thời gian tới thì chưa biết như nào ” - ông Huy nói.

Giải pháp nào cho thị trường cuối năm?

Do giá thịt lợn những ngày qua tăng mạnh nên lượng tiêu thụ trong hệ thống các siêu thị cũng đang giảm. Tại quầy thịt lợn G của Vinmart tại Vincom Mega Mall Thảo Điền (quận 2, TP.HCM), một số khách đến thăm, xem giá rồi lại… đi. Quầy thịt của một cửa hàng CoopFood ở Gò Vấp cũng tương tự, khách vắng hoe.

Theo ông Nguyễn Văn Trọng - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT), hiện nay dịch tả lợn châu Phi vẫn đang diễn biến phức tạp. Theo số liệu thống kê của ngành,  tổng đàn lợn hiện giảm trên 18%, sản lượng giảm 9 - 10%. Việc giảm sút các chỉ số như thế chắc chắn làm ảnh hưởng đến nguồn cung thịt lợn trong nước.

Ông Phú cho biết, hiện Vissan đã có các trang trại chăn nuôi lớn đáp ứng khoảng 50 - 70% nguồn cung cho toàn hệ thống, còn lại là thu mua trong dân.

“Nhưng hiện tại người dân chưa dám tái đàn do dịch vẫn diễn biến phức tạp. Do đó việc thiếu nguồn cung cuối năm là điều chắc chắn. Chúng tôi đang cho chạy thử nguồn hàng thịt đông lạnh đã được công ty trữ đông khi thấy dịch xảy ra. Nếu lượng tiêu thụ ổn, Vissan sẽ tìm thêm nguồn thịt nhập” - ông Phú nói.

Ngoài giải pháp thịt đông lạnh, thịt nhập, Bộ NNPTNT cũng đang tăng cường chỉ đạo các địa phương tăng nguồn cung các loại gia cầm và các loại thịt khác để bù đắp cho nguồn cung thịt lợn.

Ông Phạm Thanh Hùng - Phó Giám đốc Công ty CP Ba Huân cho biết, khoảng 1 tháng nay, lượng thịt gà, trứng gà bán ra trong hệ thống Ba Huân tăng mạnh từ 20 - 25%. Các loại sản phẩm chế biến, kể cả sản phẩm xúc xích tiệt trùng gà công ty vừa mới ra cũng được tiêu thụ tốt. “Chúng tôi đang đẩy mạnh công suất sản xuất lên 25% để chuẩn bị nguồn hàng cho thị trường lễ, Tết cuối năm và cố gắng giữ nguyên giá bán, không tăng” - ông Hùng tiết lộ.
 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem