TP.HCM: Thịt heo sạch "lên ngôi" giữa bão dịch tả lợn châu Phi

Phương Thảo Thứ sáu, ngày 07/06/2019 19:10 PM (GMT+7)
Những ngày này, các cơ quan chức năng, phường xã của TP.HCM ráo riết triển khai các giải pháp phòng chống dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) xâm nhập vào thành phố, giữ an toàn cho đàn lợn và đảm bảo nguồn thịt sạch cung cấp cho người tiêu dùng.
Bình luận 0

Chốt chặn 24/24 giờ

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm vừa ký quyết định thành lập thêm 2 chốt kiểm dịch động vật liên ngành tạm thời để ngăn chặn nguy cơ xảy ra DTLCP và kiểm soát động vật trên địa bàn thành phố. Các chốt chặn cũ được lệnh trực 24/24 giờ, đồng thời lập thêm các chốt chặn mới để kiểm tra, kiểm soát vận chuyển lợn sống và thịt lợn vào thành phố.

Hai chốt mới lập gồm: Chốt kiểm dịch động vật cầu Kỳ Hà 1, đặt tại khu vực Trạm cân cầu Kỳ Hà 1 gần Trạm thu phí cầu Phú Mỹ, do Đoàn kiểm tra liên ngành số 2 phụ trách; và chốt kiểm dịch động vật Phước Thạnh, đặt tại khu vực trước nhà số 1057, Quốc lộ 22, ấp Mây Trắng, xã Phước Thạnh, huyện Củ Chi, do Đoàn kiểm tra liên ngành số 1 phụ trách.

img

 Thịt lợn VietGAP tại chuỗi siêu thị Co.opmart được nhiều người tiêu dùng lựa chọn. (ảnh: Phương Thảo)

Thời gian hoạt động của các chốt 24/24 giờ, tất cả các ngày trong tuần (kể cả ngày lễ). Các chốt kiểm dịch tạm thời sẽ dừng hoạt động khi tình hình dịch bệnh động vật ổn định, không còn nguy cơ phát sinh và lây lan dịch bệnh.

Theo nhận định của lãnh đạo TP.HCM, với diễn biến bệnh DTLCP phức tạp như hiện nay thì trong thời gian tới, tình huống nào cũng có thể xảy ra. Vì vậy, bên cạnh làm tốt việc chốt chặn những tuyến đường giáp ranh các tỉnh để kiểm soát, mỗi địa phương cần chuẩn bị trước tất cả các phương án, có sẵn địa điểm tiêu hủy tại chỗ phòng khi trường hợp xấu khi có dịch bệnh xảy ra.

Chủ tịch UBND các quận, huyện chịu trách nhiệm nếu trên địa bàn có đàn lợn bị mắc DTLCP và còn tồn tại các trường hợp giết mổ trái phép”.
Ông Lê Thanh Liêm - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM 

Tuy nhiên, theo lãnh đạo UBND TP.HCM, quan trọng là tình hình phải được kiểm soát, không để dịch bệnh xảy ra và lan rộng, trong đó đặc biệt chú trọng kiểm soát việc giết mổ lậu, khuyến cáo 3.917 hộ chăn nuôi lợn nhỏ lẻ (274.154 con) áp dụng triệt để các biện pháp tiêu độc khử trùng, chăn nuôi an toàn sinh học, trong đó có 274 hộ nuôi lợn bằng nguồn thức ăn dư thừa - nguồn nguy cơ cao lây lan dịch bệnh.

Trước đó, các chốt kiểm dịch tạm thời tại các tuyến cửa ngõ đã được thành lập. Như tại tuyến Quốc lộ 50 và tuyến cao tốc TP.HCM (đi Trung Lương, Tiền Giang…), tuyến đường Trần Văn Giàu (tỉnh lộ 10), chốt khu vực cầu Phú Cường (khu vực giáp ranh giữa huyện Củ Chi với tỉnh Bình Dương) để chốt chặn, kiểm tra việc vận chuyển lợn sống và sản phẩm thịt lợn từ các tỉnh phía Bắc, Tây Nguyên, Bình Phước và Bình Dương nhập vào, hay vận chuyển qua thành phố đi về các tỉnh miền Tây, nhằm kiểm soát chặt chẽ nguồn lợn và sản phẩm thịt lợn vận chuyển vào/qua để giết mổ, tiêu thụ.

Thịt sạch “lên ngôi”

Cùng chung thực trạng với các tỉnh, thành phía Nam, giá thịt lợn tại TP.HCM tới thời điểm hiện tại đã giảm đáng kể. Lý do là bởi người chăn nuôi bán tháo chạy dịch, còn người tiêu dùng thì giảm mua thịt lợn và các sản phẩm làm từ thịt lợn như trước đây.

Sau gần 2 tháng tạm dừng hoạt động Tổ hợp chế biến thịt Meat Hà Nam để phòng, chống DTLCP, ngày 2/6, Công ty TNHH MNS Hà Nam đã chính thức mở cửa hoạt động trở lại theo hướng dẫn mới nhất của Bộ NNPTNT về kiểm soát an toàn giết, mổ lợn trong thời gian đang xảy ra dịch. 

Trước thực trạng trên, để kích cầu tiêu dùng, thu hút các bà nội trợ sử dụng thịt lợn  và sản phẩm từ lợn, tại các trung tâm thương mại, siêu thị đã đưa ra nhiều chính sách như giảm giá thịt lợn, trưng biển quảng cáo thịt lợn sạch.

Đại diện siêu thị Co.opmart cho biết, mặc dù tâm lý người tiêu dùng lo ngại, nhưng lượng thịt lợn bán ra tại hệ thống không giảm. Bởi, ngoài các khách hàng truyền thống thì một bộ phận khách hàng từ các chợ truyền thống đã chuyển sang mua hàng tại siêu thị.

Tại các chuỗi siêu thị trên địa bàn TP.HCM, đại diện những doanh nghiệp đều thừa nhận thời gian này giữ được lượng khách hàng tiêu thụ thịt lợn ổn định đối với họ là hết sức khó khăn. Tuy nhiên, cũng có nhiều người tiêu dùng đã có những hiểu biết về cơ chế lây lan bệnh dịch, không gây bệnh cho người và lựa chọn sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, được bán ở những địa chỉ uy tín nên mặt hàng thịt lợn vẫn tiêu thụ tốt.

Dự báo về nguồn cung và giá thịt lợn sau khi dịch bệnh được khống chế, ông Nguyễn Ngọc An - Tổng Giám đốc Vissan bày tỏ lo lắng: “Hiện TP.HCM chỉ có 15 - 20% lượng thịt lợn được nuôi chủ động, còn lại phải nhập từ các tỉnh, thành phố khác. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ thịt lợn tại TP.HCM vào khoảng 147 tấn thịt lợn/ngày, tương đương 4.000 tấn/tháng. Tôi chắc chắn sau khi dịch bệnh được khống chế, nguồn lợn hơi sẽ giảm sút đáng kể. Khi đó, nhu cầu sử dụng thịt lợn và các sản phẩm chế biến từ lợn của người tiêu dùng trở lại bình thường thì sẽ mất cân đối giữa cung và cầu. Sức mua tăng mà nguồn cung khan hiếm đương nhiên giá cả thị trường sẽ tăng cao”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem