Bác sĩ cảm ơn bệnh nhân: Liều thuốc đặc trị không tốn tiền!

Thứ sáu, ngày 26/04/2013 18:06 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Viện Huyết học và Truyền máu T.Ư là bệnh viện đầu tiên của cả nước phát động phong trào “Nói lời cảm ơn thân thiện với người khám bệnh, người hiến máu”.
Bình luận 0

Hôm qua, phóng viên NTNN đã có mặt tại Viện để ghi nhận việc thực hiện “chuyện lạ” (với rất nhiều người) này.

Lời cảm ơn chân thành

Mới 7 giờ 30 ngày 25.4, theo ghi nhận của phóng viên NTNN, tại khoa Khám bệnh Viện Huyết học và Truyền máu T.Ư đã có gần 100 bệnh nhân đến làm thủ tục khám bệnh. Theo quy định, bệnh nhân sẽ phải đăng ký lấy số khám, làm thủ tục nộp tiền, đi khám bệnh, được bác sĩ chỉ định làm xét nghiệm... Hầu hết mọi người đều xếp hàng tuần tự. Thái độ của của các nhân viên đón tiếp tuy không xởi lởi, hồ hởi nhưng đều nhẹ nhàng, từ tốn. Tại dãy phòng khám, liên tục có tiếng loa nhắc nhở, mời các bệnh nhân vào phòng khám, lúc nào cũng bắt đầu bằng từ “xin mời”...

img
Nhân viên y tế Viện Huyết học và Truyền máu T.Ư lấy máu của người hiến (ảnh chụp chiều 25.4).

Chỉ riêng tại phòng lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm, qua cửa kính trong suốt, có thể thấy rõ gần 10 bệnh nhân vây quanh 2 nhân viên lấy máu và 1 người làm thủ tục giấy tờ. Nhiều bệnh nhân chưa đến lượt nhưng vẫn nhốn nháo, chen chúc, chạy ra chạy vào. Một cán bộ y tế đi ra ngoài khay đặt giấy đăng ký lấy mẫu, đứng ở cửa nhăn mặt, nói gióng giả: “Đã nói mãi là phải xếp đúng chiều mũi tên, đặt úp xuống mà vẫn để lung tung. Các ông các bà ơi”. Giọng nói hơi “chua” khiến vài bệnh nhân đang định đặt giấy ngại ngần...

Anh Trần Văn An (21 tuổi, trú tại Quốc Oai, Hà Nội) bị đau xương hông, đã đến khám bệnh 4 lần, cho biết nhân viên y tế rất tận tụy và hướng dẫn nhiệt tình, tuy chưa bao giờ cảm ơn. Đến hôm nay, khi lấy máu, anh giật mình khi nghe nhân viên y tế nói: “Anh làm ơn, nắm chặt tay vào” và “cảm ơn anh, xong rồi”. "Mình hơi xấu hổ một chút. Cũng chỉ mong họ không mắng mỏ, hoạnh họe mình đã tốt rồi, nay lại được cảm ơn sau khi họ khám bệnh cho mình thì khá cảm động. Điều đó khiến nỗi lo lắng về bệnh tật của mình vơi đi phần nào”- anh An cho biết.

Đây là ngày thứ 3, Viện triển khai quyết định “Nói lời cảm ơn thân thiện với người bệnh, người hiến máu”. Theo TS Nguyễn Anh Trí – Viện trưởng, người bệnh chính là người trả lương cho cán bộ, nhân viên trong viện, vì thế, toàn bộ bác sĩ cần phải thay đổi quan niệm “người bệnh đang nhờ vả mình”, đồng thời đừng biện bạch cho việc ít cười, ít nói cảm ơn là do áp lực công việc. Tất cả cán bộ nhân viên trong Viện phải thực hiện nghiêm túc quy định này. Không chỉ cảm ơn như cái máy mà cần phải tỏ thái độ chân thành, xuất phát từ đáy lòng mình, cách tiếp nhận lời cảm ơn của bệnh nhân và người hiến máu phải hòa nhã, lịch thiệp...

Tuy nhiên, theo ông Phạm Tuấn Dương – Phó Viện trưởng, lượng bệnh nhân nội và ngoại trú của Viện khá đông nên áp lực công việc đối với các bác sĩ, y tá, điều dưỡng là rất lớn. Mỗi ngày Viện đón tiếp khoảng gần 200 bệnh nhân đến khám, trong khi chỉ có 4 phòng khám và 1 phòng lấy máu. Ngoài ra, tại Viện liên tục có khoảng 700 bệnh nhân nội trú. Khi có các chiến dịch hiến máu nhân đạo thì Viện phải huy động 100% các cán bộ làm việc ngoài giờ, thậm chí làm 24/24 giờ...

“Hầu hết các bác sĩ, y tá đều tất bật, căng thẳng với công việc. Vì thế để vui vẻ nói lời cảm ơn bệnh nhân 50-70 lần/ngày với vẻ mặt biểu cảm chân thành cũng không phải là dễ. Nhưng nếu mọi cán bộ đều xác định chăm sóc bệnh nhân với thái độ thân thiện, tôn trọng là trách nhiệm, công việc, đặt yêu cầu của bệnh nhân lên trên ý muốn cá nhân thì sẽ thực hiện được lời cảm ơn chân thành” – ông Dương cho biết.

Bỏ quan niệm “ban ơn”

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến từng chia sẻ: “Bệnh nhân là khách hàng, là thượng đế mang tiền đến cho bệnh viện, nuôi sống cán bộ y tế, tại sao lại quát mắng họ? Các cơ sở y tế cần tập huấn thái độ ứng xử thân thiện với người bệnh không chỉ có bác sĩ, y tá, điều dưỡng mà cả nhân viên vệ sinh hay bảo vệ...”.

Tại buổi tập huấn về kỹ năng giao tiếp, thực hiện quy tắc ứng xử, nâng cao đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ y tế do Bộ Y tế tổ chức mới đây, ông Phạm Đức Mục – Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, không có nơi nào mà khách hàng lại bị mắng như dịch vụ khám - chữa bệnh tại Việt Nam. Người bệnh trả tiền cho bác sĩ để được khám bệnh nhưng không ít cán bộ y tế lại tỏ thái độ ban ơn cho bệnh nhân, luôn thấy như bị bệnh nhân làm phiền.

TS Nguyễn Anh Trí bày tỏ day dứt: “Tại sao chỉ một nụ cười với người bệnh thôi mà khó khăn, thiếu thốn đến thế? Nếu mình cười với bệnh nhân, đồng cảm với nỗi đau đớn, lo lắng của bệnh nhân thì việc tiêm cũng sẽ khác, mũi tiêm sẽ nhẹ nhàng hơn, bệnh nhân đỡ đau đớn hơn. Theo ông Mục, cần phải thay đổi ngay quan niệm “bệnh nhân phải cảm ơn thầy thuốc”. Vì sự “cảm ơn” này sẽ dẫn đến việc các bác sĩ, cán bộ y tế luôn chờ đợi bệnh nhân cảm ơn (bằng phong bì) nếu họ không cảm ơn thì lại “tê tê buồn buồn”. Lúc đó, rất có thể, thái độ với bệnh nhân sẽ thay đổi vì việc người có, người không có “lời cảm ơn”. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem