Bó tay với “việc đã rồi”

Thứ ba, ngày 08/06/2010 07:28 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Với những sai phạm trong việc quản lý sử dụng đất đai ở Ba Vì, đoàn kiểm tra liên ngành TP. Hà Nội đã đề xuất hướng giải quyết, xử lý. Tuy nhiên, những đề xuất ấy là không thể thực hiện...
Bình luận 0
img
Bà Đặng Thị Nguyệt nói về những khó khăn trong quản lý đất đai tại Công ty CP Việt -Mông.

Đất “vàng”... vô chủ

Bà Đặng Thị Nguyệt - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Việt - Mông cho biết:

"Năm 1983 - 1984, Nông trường Việt - Mông được tách ra từ Nông trường Ba Vì. Sau khi có Nghị định 01 của Chính phủ năm 1995, Nông trường có giao đất khoán cho người dân để sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và nuôi trồng thủy sản... Năm 2006, Nông trường giải thể và Công ty CP Việt - Mông ra đời kế thừa mọi quyền lợi, nghĩa vụ được bàn giao từ Nông trường Việt - Mông. Từ khi thành lập công ty đến giờ, chúng tôi chưa kí 1 hợp đồng giao đất hoặc liên doanh về đất với cá nhân hay đơn vị nào cả".

Ông Dương Quang Huy - Giám đốc Công ty CP Việt - Mông cho biết thêm: "Ngày 29 - 4 - 2010, Chủ tịch UBND huyện Ba Vì đã ra Quyết định số 314/QĐ-UBND thành lập đoàn kiểm tra rà soát hiện trạng sử dụng đất trên địa bàn Nông trường Việt - Mông cũ. Khi thực hiện quyết định này, chúng tôi đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc xác định danh tính chủ hộ.

Khi bàn giao với Nông trường Việt - Mông, chúng tôi không được nhận đầy đủ những hồ sơ liên quan đến hợp đồng khoán đất cho công nhân nên bây giờ có nhiều thửa đất không biết ai là chủ. Có những người ở xa, thậm chí ở cả trong Nam nhưng lại có hàng ha đất quây vào bỏ hoang gây lãng phí tài nguyên. Những trường hợp này chiếm đến 40% tổng diện tích đất được giao khoán".

Về việc công nhân Nông trường Việt - Mông cũ tự ý chuyển nhượng đất được giao khoán cho người khác, bà Nguyệt khẳng định: "Chưa có một người hay một tổ chức nào lên đề nghị lãnh đạo công ty chúng tôi xác nhận việc mua bán chuyển nhượng đất. Đó là việc làm sai trái, không đúng với cam kết trong hợp đồng khoán. Tôi nghĩ rằng, sau khi kiểm tra, rà soát xong, nếu diện tích đất nào sử dụng không đúng mục đích thì sẽ phải thu hồi lại".

Bó tay

Khác với suy nghĩ của bà Nguyệt, bà Nguyễn Thị Hiền - cán bộ theo dõi, thống kê và quản lý sử dụng đất đai của Trạm nghiên cứu và sản xuất tinh đông lạnh Môn Ca Đa khẳng định: "Việc thu hồi đất sai phạm là không thể làm được vì thời điểm xảy ra đã quá lâu rồi. Ngày xưa trạm chúng tôi quy mô nhỏ, giờ quy mô lớn hơn, đàn bò tăng thì cũng cần có thêm đất để phát triển nhưng để làm được việc thu hồi đất thì rất nan giải".

Theo kết quả của đoàn kiểm tra liên ngành báo cáo UBND TP. Hà Nội, Trạm nghiên cứu và sản xuất tinh đông lạnh Môn Ca Đa đã tự chuyển đổi mục đích từ 20,6ha đất nông nghiệp thành đất thổ cư; khoán sử dụng 1,450 ha đất 50 năm cho 14 cá nhân và tập thể, trong đó có 3 người ngoài trạm và 11 CBCNV của trạm để trồng cây lâu năm, thực chất là tiếp tục chia đất cho một số hộ cá nhân làm vườn, vi phạm Luật Đất đai năm 2003.

Về việc chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp thành đất thổ cư, bà Hiền cho biết, việc này diễn ra từ những năm 1981 - 1982. Khi ấy, người dân xung quanh trạm thường vào ăn trộm cây cối, hoa màu, thậm chí trộm cả bò. Lúc đấy chưa có khu nhà ở cho công nhân nên giám đốc cũ vận dụng chỉ thị 252 giao đất cho công nhân dựng nhà ở xung quanh trại để tạo thành hàng rào bảo vệ tài sản của trại. Khi giám đốc cũ nghỉ, hồ sơ về diện tích đất trên được bàn giao lại và phòng TN&MT huyện đo vẽ và công nhận đó là đất khu dân cư chứ không phải là đất thổ cư. Còn từ năm 1987 đến nay, trạm không giao đất cho bất cứ công nhân nào nữa.

Về việc khoán sử dụng đất 50 năm, bà Hiền cho biết:

"Năm 1995, NĐ 01 của Chính phủ được ban hành. Chúng tôi áp dụng NĐ 01 giao đất cho công nhân để thử làm mô hình trình diễn VAC nhằm giải quyết tình trạng khủng hoảng lúc bấy giờ. Thời điểm đó, việc làm này cũng phải vận động hết sức khó khăn.

Về sau không thấy có hiệu quả thì chúng tôi dừng luôn không giao đất nữa. 3 người ngoài trạm được giao đất thực ra chính là giám đốc và 2 phó giám đốc công ty chủ quản của trạm nhưng do không có hộ khẩu tại đây nên chúng tôi phải báo cáo như thế. Còn việc có tin đồn các hộ dân được giao khoán bán đất ra ngoài, tôi khẳng định là không có chuyện đó. Đất thổ cư cũng rất ít người bán vì người ta muốn giữ cho con cái".

Tuy nhiên, tại xã Tản Lĩnh, nơi Trạm nghiên cứu và sản xuất tinh đông lạnh Môn Ca Đa “đóng đô”, theo tìm hiểu của chúng tôi, mua đất khoán của trạm cũng chẳng khó khăn gì. Các “cò” đất ở đây bảo, nhiều hộ dân ở đây sẵn sàng bán khoán nếu gặp khách mua.

Cùng vấn đề giao khoán đất trái với quy định của Luật Đất đai năm 2003, ông Nguyễn Hữu Lượng - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bò và đồng cỏ Ba Vì cho biết: "Chúng tôi cũng đã xin ý kiến Bộ NN&PTNT cùng với Viện Chăn nuôi để tiến hành quy hoạch lại đất đai rồi mới dần dần chuyển đổi từ hình thức khoán theo NĐ 01/CP năm 1995 sang hình thức khoán theo NĐ 135/2005/NĐ-CP ngày 08 - 11 - 2005. 2 văn bản này cơ bản giống nhau về nội dung nhưng NĐ 135 là giao đất theo niên hạn kinh tế của cây trồng chứ không phải giao 50 năm như NĐ 01. Theo quy định này thì niên hạn khoán tối đa chỉ vào khoảng 30 năm".

Bài cuối: Rủi ro lớn cho các nhà đầu tư

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem