“Dòng sông” buồn nhớ không ngừng chảy

Thứ sáu, ngày 11/10/2013 06:50 AM (GMT+7)
Ngày 10.10, ngày cuối gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp mở cửa đón tiếp đồng bào cả nước về thăm viếng tại ngôi nhà số 30 Hoàng Diệu.
Bình luận 0
Trước giờ đóng cửa (18 giờ), dòng người vẫn còn quá đông, giống như dòng sông buồn nhớ không ngừng trôi chảy trước sự ra đi của vị Đại tướng nhân dân.

Tư liệu ảnh về Đại tướng

Vào ngày cuối tiễn biệt Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại gia đình, dòng người càng lúc càng thêm đông. Trên đường Điện Biên Phủ, Hoàng Diệu dẫn vào ngôi nhà số 30 Hoàng Diệu, vỉa hè không còn chỗ trống. Hòa vào dòng người đông đúc, nhà giáo Lưu Đức Ngò (67 tuổi, ở quận Ba Đình, nguyên giáo viên dạy văn Trường Học sinh miền Nam, Đông Triều, Quảng Ninh) đến xếp hàng từ 6 giờ sáng.

Sau khi vào viếng, ông Ngò trở ra chọn một vị trí trang trọng tại khu vực đường Hoàng Diệu để treo những bức ảnh tư liệu về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Dòng người đứng vòng trong, vòng ngoài để xem ảnh, ông lão gần 70 tuổi quên cả mệt mỏi, đứng liên tục cả buổi giải thích cho người xem về giá trị của những bức ảnh.

“Tôi làm việc này vì lòng ngưỡng mộ Đại tướng, tôi biết nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ chưa biết nhiều về vị tướng lừng danh nhưng lại giản dị, gần gũi nên tôi mang 42 bức ảnh tư liệu mà mình sưu tầm được ra treo để mọi người cùng được xem, để biết nhiều hơn về Đại tướng” - ông Ngò chia sẻ

Đến chiều qua 10.10, dòng người vẫn nối tiếp đến viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Đến chiều qua 10.10, dòng người vẫn nối tiếp đến viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Ông Ngò cho biết là đã mang theo cơm hộp để ở lại cả ngày phục vụ mọi người xem ảnh. “Nhìn những bức ảnh Đại tướng cùng Hồ Chủ tịch, rồi những bức ảnh Tướng Giáp đi chiến dịch, em liên tưởng đến một giai đoạn lịch sử kháng chiến oanh liệt của dân tộc” - Nguyễn Hoàng Nam (sinh viên Trường ĐH Quốc gia Hà Nội xúc động nói.

Cũng bày tỏ lòng kính trọng Đại tướng, anh Nguyễn Văn Phúc (ở Yên Phong, Bắc Ninh) sau khi vào viếng xong đã cầm tập giấy A4 in bài thơ mà anh đã sáng tác phát cho mọi người. Bài thơ có đoạn viết: “…Về đây thắp nén nhang hồng/Đoàn người rơi lệ, mủi lòng nín thanh…”. Sau khi cầm đọc bài thơ của anh Phúc tặng, nhiều người đã gấp cẩn thận cất vào túi.

3 chiến dịch cùng tụ về một chỗ

Đến xế trưa, khoảng không gian đang trầm lắng bỗng rộ lên khi có đoàn cựu chiến binh với hơn 300 người tay cầm hoa, tay cầm ảnh Đại tướng trang nghiêm bước vào. Cựu đại tá Nguyễn Văn Vị - Trưởng ban liên lạc của đoàn cho biết: Đây là đoàn cựu chiến binh của 3 chiến dịch là Chiến dịch Điện Biên Phủ, Chiến dịch Điện Biên Phủ trên không và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, không chỉ anh em trong cả nước mà còn các thế hệ trong chiến đấu cùng tề tựu.

Những cựu chiến binh này đã từng vào sinh ra tử, họ hiểu rõ sống thác là quy luật tự nhiên, nhưng khi bước chân qua cổng nhà 30 Hoàng Diệu, nhiều người trong số họ không cầm được nước mắt trước sự ra đi của người Anh Cả.


Cụ bà 110 tuổi đến viếng Đại tướng

Gần 16 giờ chiều ngày 10.10, trong đoàn người vào viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp có cụ bà Nguyễn Thị Tám (110 tuổi). Theo cháu dâu của cụ Tám, khi nghe tin Đại tướng mất, cụ Tám đã bảo cháu phải đưa ra 30 Hoàng Diệu để viếng. Mặc dù tuổi cao nhưng cụ Tám vẫn tỏ ra minh mẫn, cụ trả lời rành rọt những câu hỏi của mọi người. Cụ cho biết nhà ở 15 phố Chợ Gạo, phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, HN. Sau khi viếng Đại tướng xong, cụ lại lên ngồi sau xe máy để người cháu dâu chở về nhà.
Ngọc Lương

Không có điều kiện đi theo đoàn, một số cựu chiến binh xếp những xe ba gác ngay ngắn trên đường Điện Biên Phủ. Họ đã tạm dừng công việc mưu sinh để hòa cùng dòng người vào tiễn biệt người Anh Cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Trong dòng người đông đúc không chỉ có các cụ già, người trung tuổi, thanh thiếu niên mà còn có cả những bé nhỏ lẫm chẫm biết đi, hay đang ẵm ngửa. Chị Lê Thị Quỳnh ẵm đứa con trai 8 tháng tuổi cho biết, mới từ Thanh Hóa ra Hà Nội tối hôm trước.

“Cháu còn quá nhỏ chưa biết gì nhưng tôi vẫn cho đi theo. Hình ảnh của 2 mẹ con ngày hôm nay sẽ là một kỷ niệm được chụp hình giữ lại, đến khi cháu lớn, bức ảnh sẽ trở thành quý giá để giáo dục cho con về sự biết ơn, uống nước phải nhớ nguồn” – chị Quỳnh tâm sự.

Lời chia sẻ của chị Quỳnh cũng là suy nghĩ chung của nhiều bậc cha mẹ, ông bà khi đưa những đứa trẻ đến đây. Trong hàng người dài trật tự và lặng lẽ trên đường bước vào viếng Đại tướng, họ không quên mang máy ảnh, hay điện thoại di động ra ghi lại những bức hình. Họ hiểu rằng, muốn giáo dục cho thế hệ mai sau về những điều tốt đẹp, cơ hội tốt nhất bắt đầu chính từ những ngày như thế này.

Lương Kết (Lương Kết)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem