Được học môn y đức không đảm bảo thành bác sĩ tốt

Thứ năm, ngày 24/10/2013 18:28 PM (GMT+7)
"Có tốt nghiệp xuất sắc môn y đức thì cũng chẳng lấy thế để đảm bảo anh sẽ trở thành bác sĩ tốt nếu như anh không được làm việc trong môi trường có sự đánh giá, giám sát chất lượng thường xuyên một cách khoa học và khách quan.
Bình luận 0
"Xã hội trách người bác sĩ thiếu y đức 1 thì phải trách hệ thống quản lý người bác sĩ đó gấp 10 lần. Bởi nếu không có sự dung dưỡng của hệ thống quản lý chất lượng tồi tệ như hiện nay, thì anh không thể bị tha hoá đến mức khó có thể tưởng tượng được như vậy” - TS.BS Trần Tuấn - Giám đốc trung tâm nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng (RTCCD, thuộc liên hiệp các Hội khoa hoạ và kỹ thuật Việt Nam) đã nhận định như vậy khi trao đổi vớiDân Việt sau vụ việc bác sĩ thả xác khách hàng xuống sông Hồng để phi tang.

img

Gần đây, đã có quá nhiều vụ việc liên quan đến y đức xảy ra trong ngành y tế mà đỉnh điểm là vụ bác sĩ vứt xác phi tang vừa bị phát hiện ngày 22.10 khiến dư luận bàng hoàng, ông nhìn nhận thế nào về thực trạng y đức hiện nay?

- Vụ việc vừa xảy ra lại thêm một bằng chứng nữa khiến xã hội phải trăn trở về y đức người thầy thuốc hiện nay. Nếu như xâu chuỗi một loạt vụ việc gây xôn xao dư luận trong năm nay sẽ thấy ngành y đang đối mặt với rất nhiều tai tiếng: Từ việc “chết 3 trẻ sau tiêm vacxin ở Quảng Trị; làm chết sản phụ dẫn đến quan tài diễu phố ở Thanh Hóa, rồi nhân bản xét nghiệm, bớt vacxin khi tiêm cho trẻ, tráo đổi thuỷ tinh thể khi phẫu thuật ngay tại Thủ đô Hà Nội… và giờ đây là vụ bác sĩ bệnh viện Bạch Mai hành nghề tư gây chết người rồi vứt xác nạn nhân xuống sông…

Quả thực, dù giải thích thế nào đi nữa, thì không ai có thể chối bỏ được đấy là biểu hiện của tình trạng tha hóa nghiêm trọng của một bộ phận thầy thuốc. Ở đây chưa nói về vấn đề chuyên môn mà mới chỉ nói đến cách ứng xử của người bác sĩ, cách giải quyết vấn đề của ngành y tế đã thấy rất…bất thường. Nó khiến dư luận phải bất bình, phản ứng và thậm chí phản kháng dữ dội, y đức thực sự đã tụt tới mức đe dọa vượt ngưỡng chịu đựng của dân chúng!

Trước khi tốt nghiệp ra trường, bác sĩ nào cũng đã từng phải đọc lời thề y đức (lời thề Hippocrates): “Hy sinh bản thân, quên mình, đặt quyền lợi của người bệnh lên trên quyền lợi bản thân, không làm điều dối trá, gian lận…” vậy nguyên nhân gì đã khiến nhiều bác sĩ nhanh chóng phản bội lời thề đến như vậy?

- Lời thề y đức trước khi ra trường có giữ được hay không, là phụ thuộc vào thực tế môi trường công tác. Hoạt động của hệ thống giám sát chất lượng chuyên môn mới là cái chi phối sự tuân thủ y đức hàng ngày của người thầy thuốc. Rất đau đớn khi phải nói rằng, người ta đang đặt y, bác sĩ làm việc trong một môi trường rất dễ tha hóa!

Đó là môi trường khám chữa bệnh dịch vụ công tư lẫn lộn, quy trình chuyên môn và quy trình quản lý giám sát lỏng lẻo, chất lượng hành nghề chuyên môn không được đánh giá khách quan, tiếng nói của người bệnh, của xã hội bị bỏ qua… Từ ban giám đốc đến nhân viên bảo vệ ngày ngày đều xem bệnh nhân là “nguồn thu”, trong khi bệnh nhân vào đến viện nhất nhất phải nghe theo thầy thuốc! Thiếu giám sát đánh giá khách quan chất lượng chuyên môn, trong khi các hãng thuốc, sinh phẩm, trang thiết bị thì ra sức chèo kéo, chi hoa hồng… Làm việc trong một môi trường như vậy mà y đức không tụt dốc mới là đáng ngạc nhiên!

Vì thế, trước những sự việc xảy ra, mà tôi tin tới đây khó mà chấm dứt, nếu xã hội trách y, bác sĩ hành nghề 1 thì nên trách bộ phận thiết kế hệ thống y tế, tạo lập chính sách y tế và quản lý hệ thống này gấp 10 lần. Bởi không có sự dung dưỡng để tồn tại cái hệ thống công tư lẫn lộn, không có sự tồn tại phi lý của hệ thống y tế “một mình một chợ” thiếu vắng đánh giá chuyên môn độc lập thì nhân viên y tế không thể bị tha hoá đến mức như vậy, không thể xảy ra tình trạng xuất hiện hàng loạt các vụ việc vô cảm và phi đạo đức một cách đa dạng như vậy!.

Nhiều người “biện minh” rằng, người bác sĩ đã mất một khoản đầu tư không nhỏ vào việc mở phòng khám (tức là làm tư), khi sự việc xảy ra họ sợ ảnh hưởng đến “nồi cơm”của mình nên làm liều là tâm lý bình thường. Ông nghĩ gì về điều này?

- Vị trí bác sĩ không chấp nhận nhân cách “làm liều” hoặc “ hành động chỉ vì tiền”! Bởi nghề y là một nghề đặc biệt, người bác sĩ được đặt ở vị thế luôn đươc người dân sẵn sàng phục tùng trả tiền theo y lệnh. Ông cha ta trước kia và bao nước văn minh hiện nay, khi tuyển chọn người để đào tạo hành nghề y luôn chú trọng bên cạnh đánh giá mức độ thông minh, tri thức, còn luôn xem xét về nhân cách, tâm lý, ứng xử,

Tỷ lệ bác sĩ công hành nghề y tế tư nhân của ta cao, nếu cứ vì bảo toàn túi tiền “đầu tư” của mình mà hành xử như thế thì hỏi xã hội này sẽ đi về đâu?

Do vậy, không nên chỉ quy về vấn đề tiền, mà theo tôi, căn nguyên của các vụ việc trên nằm sâu xa do lỗi hệ thống cấu trúc ngành y tế trong môi trường kinh tế thị trường. Việc duy trì chế độ quản lý tài chính công-tư lẫn lộn và mức lương duy trì thấp, việc để bác sĩ công phải sống chủ yếu nhờ vào chạy việc làm tư, rồi cả bệnh viện công lẫn tư đều vận hành trong khung cảnh thiếu vắng giám sát chất lượng độc lập, đã vô hình chung làm nên bức tranh tối màu của ngành y.

Từ đó, hình ảnh phản cảm diễn ra phổ biến như tình trạng: co kéo bệnh nhân về phòng khám riêng; móc nối chia hoa hồng với nhà thuốc; khó quản lý được giờ giấc bác sĩ, phong bì khi sử dụng dịch vụ y tế công... đến những vụ việc giật mình nêu trên, tất cả đều chỉ là những biểu hiện muôn màu của một tình trạng rối nhiễu quản lý hệ thống, xuất phát từ một tình trạng cố gắng duy trì một hệ thống không phù hợp với thực tế cuộc sống.

Theo tôi, dù y tế công hay tư, quan trọng hơn cả vẫn phải là, lấy khoa học dẫn đường trong thiết kế cấu trúc hệ thống, tạo lập một hành lang pháp lý để cho phép thực hiện giám sát đánh giá chất lượng hành nghề y một cách độc lập, buộc các nhà quản lý hệ thống và cơ sở cung cấp dịch vụ phải thực hiện tiến trình quản lý minh bạch và chịu trách nhiệm giải trình. Tâm lý người thầy thuốc cũng như nhà quản lý ngành y khi biết mình đang được giám sát chuyên môn một cách khoa học và khách quan, sẽ thúc đẩy hình thành thái độ ứng xử phù hợp với sự đòi hỏi của nghề y

Hiện một số trường đào tạo ngành y đã đưa vào dạy bộ môn y đức? Theo ông, điều đó có thể giải quyết được tận gốc vấn đề y đức bác sĩ không?

- Không phải học cái đó sẽ có được y đức, anh có tốt nghiệp xuất sắc môn y đức thì cũng chẳng lấy thế để đảm bảo anh sẽ trở thành bác sĩ tốt nếu như anh không được làm việc trong môi trường có sự đánh giá, giám sát chất lượng thường xuyên một cách khoa học và khách quan.

Ngành y, như tôi đã nói, là ngành dịch vụ đặc biệt, bác sĩ tay nghề ra sao, chẩn đoán thế nào, can thiệp đúng hay không, dùng thuốc gì… bệnh nhân không đánh giá được mức độ phù hợp và chất lượng cụ thể. Tất cả sức khoẻ và tính mạng đều phải trông chờ vào bác sĩ. Điều tôi cho rằng tệ hại nhất hiện nay là chính quyền và cả quốc hội dường như khoanh tay đứng nhìn ngành y tự mình xoay xở. Trong khi các nhà khoa học và cả lãnh đạo ngành y tế dường như rối trí, thay vì nghiên cứu xem lại cấu trúc hệ thống và tìm lỗi chính sách quản lý, thì lại chăm chăm tập trung vào việc tạo hành lang pháp lý cốt để bảo vệ mình. Câu chuyện bắt ký cam kết chấp nhận rủi ro khi tiêm vacxin là một ví dụ vừa thương vừa giận!

Vì thế, tôi cho rằng có lập thêm bộ môn và tăng giờ dạy y đức lên bao nhiêu đi nữa, mà trên thực tế cứ co mình vào vỏ ốc, đặt bệnh nhân vào vị thế phải tự chịu bất kỳ hậu quả nào xảy ra, thì câu chuyện y đức vẫn là câu chuyện đèn cù!

Xem cung cách xử lý của ngành y với những sự việc xảy ra, người ta thấy rõ nặng về hình thức đối phó, chứ đâu có tâm trí dành cho cải tiến chất lượng hành nghề và đổi mới quản lý hệ thống? Vậy ra y đức là cái bệnh nhân chỉ có thể trông chờ vào may, rủi. Buồn thay!

Xin cảm ơn ông!

Y đức đã được coi trọng trong nhà trường

Ông Nguyễn Đức Hinh - Hiệu trưởng trường ĐH Y Hà Nội không thể ngờ trước hành vi thiếu y đức của bác sĩ Tường. Ông Hinh cũng cho biết: “Trước đây vấn đề y đức được lồng ghép trong các môn học nhưng từ năm 2010 bộ môn này đã được tách ra thành môn học riêng với tên gọi Y xã hội học và Y đức. Môn học này sẽ cung cấp cho sinh viên từ năm 2 đến năm 4 kiến thức căn bản về y đức, pháp luật và ứng xử giao tiếp với bệnh nhân. Đây là một quá trình học có sự tham gia phối hợp của các bác sĩ, điều dưỡng và hộ lý. Sinh viên được học việc xử lý khi gặp các tai biến, các quy trình, thủ tục, xét nghiệm…”. Tuy nhiên, ông Hinh cũng thừa nhận, việc học y đức trong trường chỉ là một phần, chủ yếu vẫn là tự học, tự rèn luyện để tâm hồn luôn sáng.


Tùng Anh (thực hiện) (Tùng Anh (thực hiện))
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem