Hàng loạt doanh nghiệp thủy sản phá sản: Hệ lụy từ đói nguyên liệu

Thứ ba, ngày 15/05/2012 13:39 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Việc hàng loạt doanh nghiệp thủy sản bị phá sản như hiện nay có nguyên nhân do tình trạng phát triển quá ồ ạt, dẫn đến thiếu nguyên liệu để sản xuất.
Bình luận 0

Bùng nổ nhà máy chế biến

Chỉ trong khoảng 3 năm (từ 2007- 2009), các tỉnh ĐBSCL đã chạy đua nhau xây dựng các nhà máy chế biến thủy sản (chủ yếu là cá tra và tôm) với số lượng lên đến 190 nhà máy, với công suất thiết kế hơn 1,2 triệu tấn/năm. So với năm 2003, số nhà máy tăng gấp 2,3 lần, công suất thiết kế tăng gấp 2,7 lần.

img
Nhiều doanh nghiệp thủy sản ở ĐBSCL đang hoạt động cầm chừng.

Chính việc tỉnh nào cũng đua nhau xây dựng nhà máy chế biến thủy sản, nhưng lại thiếu định hướng đầu tư phát triển vùng nguyên liệu đã đẩy hàng loạt nhà máy lâm vào cảnh thiếu tôm, cá nguyên liệu để chế biến dẫn đến hoạt động cầm chừng. Từ đó tiếp tục kéo theo hệ lụy là làm ăn không có lãi, dẫn đến nợ nần ngân hàng không trả nổi, buộc phải phá sản.

Theo tìm hiểu của NTNN, thực tế ở ĐBSCL có rất nhiều DN ngoài ngành, không am hiểu về thủy sản cũng lao vào đầu tư thu mua, chế biến và xuất khẩu thủy sản, khiến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh diễn ra phức tạp như làm hàng kém chất lượng, bán phá giá… gây mất uy tín của thủy sản Việt Nam trên trường quốc tế.

Ông Lê Chí Bình – Phó Chủ tịch Hiệp hội Nghề nuôi và chế biến thủy sản An Giang cho rằng: “Chế biến thủy sản thời gian qua phát triển quá nhanh, đi trước quy hoạch của nhà nước. Việc quản lý thủy sản, quản trị DN, hỗ trợ kỹ thuật nuôi, cung ứng vốn, các dịch vụ đi kèm… hầu như chưa đáp ứng kịp tốc độ “bùng nổ” của ngành thủy sản. Bởi vậy, khi nền kinh tế lâm vào khủng hoảng, các ngân hàng không tiếp tục cho vay vốn, lập tức nhiều DN gặp khó khăn, vỡ nợ; nhiều nhà máy phải đóng cửa”.

Ông Nguyễn Văn Đạo - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Gò Đàng (Khu công nghiệp Mỹ Tho, Tiền Giang) cho rằng: “Xuất khẩu thủy sản năm 2012 đối mặt với nhiều thách thức. Các nước châu Âu tiếp tục giảm nhập khẩu thủy sản do ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế. Đây cũng là nguyên nhân khiến DN khó khăn”.

Vùng nguyên liệu bất ổn

Do các DN phá sản đã kéo theo hàng nghìn hộ nuôi cá tra đang “đứng ngồi không yên” vì thua lỗ triền miên. Ông Nguyễn Văn Nhựt là người nuôi cá tra lâu năm ở xã An Nhơn (huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp) cho biết: “Mấy năm trước, nuôi cá tra tỷ lệ chết chỉ 10%, giờ đây hộ nào nuôi giỏi thì bị chết 30%, còn bình quân cá chết đến 40- 50% so với tỷ lệ thả giống. Đã vậy, giá cá bán ra thấp hơn giá thành nên nhiều hộ nuôi cá đã treo ao, bỏ nghề”.

Theo tìm hiểu của NTNN, hiện tại đa số DN thủy sản thiếu vốn trầm trọng, năng lực tài chính kém, hoạt động phần lớn dựa vào vốn vay. Nếu ngân hàng tiếp tục siết chặt tín dụng, sẽ có thêm hàng loạt DN thủy sản khác.

Theo TS Dương Nghĩa Quốc - Giám đốc Sở NNPTNT Đồng Tháp, nghề nuôi cá tra bây giờ gặp bất trắc từ nhiều phía khiến nông dân treo ao. Vài năm trước, khi giá cá tăng, hàng loạt hộ ùn ùn thả nuôi, nay cá duy trì ở mức từ 22.500- 23.500 đồng/kg, nên chịu cảnh thua lỗ. Bên cạnh đó, các ngân hàng không còn mặn mà việc cho vay nuôi cá tra, nên người dân đành bỏ nghề bởi không có vốn.

Trong khi con cá điêu đứng, thì con tôm cũng làm cho nhiều DN và người nuôi đau đầu. Đến đầu tháng 5 này, tình trạng tôm chết vẫn diễn ra dai dẳng ở các địa phương ven biển ĐBSCL. Trong đó, tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng là những địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất với khoảng 6.601 hộ nuôi tôm bị thiệt hại.

Chính vùng nguyên liệu bất ổn, đời sống người nuôi cá tra, tôm sú, tôm thẻ chân trắng gặp nhiều khó khăn nên số lượng treo ao, bỏ nghề rất lớn. Nguyên liệu chế biến bất ổn khiến nhiều nhà máy hoạt động cầm chừng, một số chỉ hoạt động từ 30-40% công suất, thậm chí chỉ 10-20% công suất.

(Còn nữa)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem