Luật sư Lê Thanh Sơn: Trung Quốc đang đánh tráo khái niệm

Thứ ba, ngày 13/05/2014 18:23 PM (GMT+7)
Luật sư Lê Thanh Sơn, trong cuộc trả lời phỏng vấn báo chí cho rằng, phía Trung Quốc đang đánh tráo khái niệm, cố tình hiểu và áp dụng sai Công ước quốc tế về Luật biển 1982 để biến không thành có.
Bình luận 0
Ông có nói đến việc Việt Nam có thể khởi kiện Trung Quốc. Vậy chúng ta có thể tiến hành các thủ tục khởi kiện như thế nào trong vụ việc này?

Tùy thuộc loại kiện để chúng ta tiến hành thủ tục phù hợp. Như trường hợp của Philippines kiện Trung Quốc chỉ để yêu cầu giải thích về luật nên không cần thiết phải có cả hai bên. Tôi cho rằng việc họ kiện là giải pháp rất thông minh, cốt để cả thế giới thấy điều đó.

Chúng ta cũng rút kinh nghiệm từ đấy để có cách kiện cho hợp lý. Trước bước khởi kiện chúng ta có thể gửi thư lên Tổng thư ký Liên hợp quốc hoặc có công hàm chính thức gửi Liên hợp quốc để giải quyết.

Nhưng cũng có vấn đề, Trung Quốc là một thành viên Hội đồng bảo an nên họ chắc chắn sẽ phủ quyết. Tuy vậy, chúng ta vẫn làm việc đó để đưa ra thông điệp mạnh mẽ và khẳng định vị thế của Việt Nam, tạo ra dư luận, khiến cả thế giới quan tâm đến vấn đề này.

img
Luật sư Lê Thanh Sơn, Văn phòng Luật AIC

Thứ hai, các nước ASEAN cũng nhận thức rất rõ, họ đã nhận thấy sự nguy hiểm về an ninh trên Biển Đông và trong khu vực. Nếu giàn khoan tiếp tục di chuyển sẽ hình thành đường lưỡi bò. Đây không phải vấn đề tranh chấp mà là vấn đề xâm phạm chủ quyền. Các nước ASEAN có cơ sở để lo lắng, tôi nghĩ họ sẽ còn có nhiều hành động sâu sát hơn nữa.

Về vấn đề khởi kiện, Việt Nam có thể thực hiện theo nhiều cách. Chúng ta có thể có các chủ thể khởi kiện khác nhau, ở đây tôi đang nói đến các nguyên đơn.

Ví dụ như Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam có thể kiện nhưng không phải kiện Nhà nước Trung Quốc mà kiện Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc. Hội nghề cá Việt Nam cũng có thể khởi kiện bởi trong quá trình hoạt động đánh bắt cá họ bị ngăn trở vì không thể vào khu vực đó đánh cá được nữa. Theo quy định của Nhà nước ta hiện nay thì thậm chí một ngư dân cũng có thể khởi kiện.

Nếu hiện còn đặt vấn đề bang giao thì tại sao chúng ta không thể đặt những vụ kiện mang tính chất dân sự như vậy. Khi đó Tòa án của Việt Nam sẽ xét xử theo đúng quy định pháp luật Việt Nam. Ta kiện cái đó để đạt được rất nhiều mục đích khác nhau. Tại sao ta không đặt ra những vấn đề đó?

Chúng ta có rất nhiều biện pháp để làm nhưng đến nay mạnh nhất là bài phát biểu của Thủ tướng, sau bài phát biểu đó còn các cấp lãnh đạo nữa.

Nếu khởi kiện, chúng ta có những bằng chứng pháp lý như thế nào để có thể nắm được phần thắng hay không?

Bằng chứng pháp lý có thể nói rằng chúng ta có quá nhiều và quá đủ. Nhưng có thể nói, bằng chứng pháp lý hiện nay đang tập hợp ở nhiều nơi và nhiều chỗ khác nhau. Nên chúng tôi nghĩ rằng phải tập hợp lại. Chúng ta cần phải làm được ba việc: tập hợp chứng cứ, xây dựng chứng cứ và củng cố chứng cứ. Cả ba nội dung phải làm được cùng một lúc.

Nếu tạo ra một vụ kiện như vậy sẽ là cơ hội để các cơ quan tư pháp của Việt Nam tập dượt, tiến hành thực hiện một vụ việc như vậy. Thứ hai, Việt Nam sẽ tập hợp được chứng cứ vào một chỗ để xây dựng và củng cố. Thứ ba là giới luật sư Việt Nam chưa bao giờ tham dự vào loại vụ kiện như thế này, đây cũng là cơ hội để giới luật sư Việt Nam tham dự vào vụ kiện như thế này. Đây là bước tập dượt để nếu sau này Việt Nam kiện Trung Quốc chúng ta đã sẵn sàng có kiến thức và kinh nghiệm.

Một vấn đề nữa, đó là lôi kéo được các tổ chức quốc tế, các luật sư Việt kiều đang ở nước ngoài. Nếu có được họ sẽ có thêm nhiều kinh nghiệm. Tôi tin rằng chúng ta sẽ thành công.

Cơ sở pháp lý chúng ta có, vấn đề là chúng ta có khởi kiện hay không mà thôi. Đặt ra giả thiết nếu trước đây chúng ta cùng Philippines khởi kiện Trung Quốc đối với khái niệm địa hình lưỡi bò ra tòa quốc tế thì bây giờ có xảy ra vụ việc giàn khoan hay không? Tôi cho rằng chưa chắc đã xảy ra. Do tư duy nước lớn họ vẫn làm như thế nên chúng ta phải có biện pháp.

Nếu chúng ta khởi kiện hay kiến nghị Liên hợp quốc, Trung Quốc phủ quyết thì có tác dụng gì về mặt pháp lý hay không?

Họ phủ quyết là quyền của họ nhưng chúng ta có thể không kiện về vấn đề giải quyết tranh chấp. Đây không phải là tranh chấp mà là hành vi xâm chiếm vào thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của ta. Nếu nói là tranh chấp là ta bị lừa, họ đang biến cái không thành có. Ta có thể kiện về vấn đề “đánh tráo khái niệm”, họ cố tình hiểu, giải thích và áp dụng các khái niệm của Công ước quốc tế về Luật biển 1982 sai.

Họ cố tình làm việc đó để từ đó họ có vùng lãnh hải và có vùng đặc quyền kinh tế. Đương nhiên nếu họ bác, chúng ta vẫn có một phiên tòa.

Nếu kiện về vấn đề đánh tráo khái niệm, chúng ta có cơ hội như thế nào?


Chúng ta có thể trông vào vụ kiện của Philippines. Chúng tôi có niềm tin rất lớn Philippines sẽ thắng. Đây là cơ hội lớn để chúng ta khởi kiện.

Xin cảm ơn ông!

>> XEM THÊM: Nguyên Đại sứ VN tại LHQ: Việt Nam có quyền đưa vấn đề ra LHQ
Đăng Thúy – Vinh Hải ghi ( Đăng Thúy – Vinh Hải ghi)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem