Những ngày “bước chân nát đá...” Bài 3: Tiến vào Mường Thanh

Thứ bảy, ngày 22/03/2014 06:59 AM (GMT+7)
Đợt tiến công thứ 2 diễn ra trong lòng chảo Mường Thanh, trên địa hình khá trống trải. Những đơn vị mạnh nhất của ta đã gặp phải khó khăn ở C1, A1… và những tổn thất không đáng có xảy ra.
Bình luận 0
Chấn chỉnh tư tưởng chủ quan, coi thường địch

18 giờ ngày 30.3.1954 ta mở đợt tiến công thứ hai. Đây là một loạt các trận đánh có quy mô lớn nhất từ trước đến nay (khác với trận mở đầu chỉ đánh từng cứ điểm đề kháng, đánh từng tiểu đoàn riêng lẻ) nằm ở nhiều cao điểm trong lòng chảo Mường Thanh. Cách đánh công kiên, nghĩa là đánh vào lô cốt có nhiều hàng rào dây thép gai, các chiến sĩ dùng bộc phá phá hàng rào, sau đó tiểu đoàn chủ công xông lên ném mìn vào các lỗ châu mai và khẩu pháo.

Đợt tiến công của quân ta trong trận đánh ở lòng chảo Mường Thanh.
Đợt tiến công của quân ta trong trận đánh ở lòng chảo Mường Thanh.

Các trận đánh diễn ra ác liệt, ta và địch giành nhau từng thước đất. Nhà báo Pháp Bernard Fall trong cuốn sách “Địa ngục thu nhỏ” mô tả cảnh tượng như trận Verdun trong Chiến tranh thế giới thứ nhất.

Đại đoàn 312 đánh cao điểm E (Dominique 1), D1 (Dominique 2), D2 (Dominique 3), E 316 đánh A1 (Eliane 2), C1 (eliane 1), C2 (Eliane 4), Đại đoàn 308 tấn công cứ điểm 106 (Huguette 7) và 311 (Francoise). Trung đoàn 57 của E 304 và Đại đoàn pháo 315 phối hợp…

Điều đặc biệt trong đợt tiến công lần 2 đã bắt đầu xuất hiện tư tưởng hữu khuynh và được Đảng ủy mặt trận kịp thời phát hiện làm công tác tư tưởng, động viên kịp thời cho chiến sĩ.

Trận đánh khó khăn nhất là cứ điểm C1. Thượng tướng Vũ Lăng khi đó là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 165, Đại đoàn 316 kể lại: Trung đoàn chiếm được đồi C1 sau 20 phút công kiên, sớm hơn 40 phút so với quy định của Bộ Tổng tham mưu, nhưng khi anh em đánh sang đồi C2 thì bị phản công, phải bật lại C1. Giữa C1 và C2 có một cái bẫy mà ta không biết. Rút ra thì không được vì pháo địch chặn đường. 3 đại đội của ta nằm phơi lưng ở đây dưới pháo địch. Cuộc chiến đấu ở đây diễn ra ác liệt. Tổn thất rất nhiều. Bộ đội ta nhiều lần xung phong chiếm được cột cờ của C1 rồi lại bị địch đánh bật ra.

Thượng tướng Vũ Lăng cho biết: Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã cho gọi ông lên, phê bình nghiêm khắc tư tưởng chủ quan của cán bộ. Trong căn hầm chỉ huy ở Mường Phăng, Đại tướng đã chỉ ra ưu điểm của đơn vị và khuyết điểm nôn nóng chủ quan. Sau 32 ngày chiến đấu, cuối cùng được bổ sung thêm đơn vị mới nên ta đã làm chủ được đồi C1.

Đào dũi, khoét hầm để tiến công


Thiếu tướng, nhà văn Hồ Phương cho biết, lúc đó ông là chính trị viên Đại đội pháo cao xạ 12 ly 8 của Sư 308. Đơn vị ông được lệnh cùng bộ binh đánh vào sân bay Mường Thanh. Ông nói: “Đây là quyết định rất thông minh, sâu sắc của lãnh đạo. Địch có 49 cứ điểm, ta không thể “nhổ” hết được (mà nhổ hết thì thương vong rất lớn). Sau khi phá được vòng ngoài Him Lam, Độc Lập, Bản Kéo, việc đánh chiếm sân bay Mường Thanh rất quan trọng vì nó là “dạ dày” của Điện Biên Phủ. Chiếm sân bay là cắt đường tiếp tế của địch, tự nhiên sớm muộn gì cũng rối loạn, lo lắng mà thua”.

Nhà báo Eawan Bergot trong tác phẩm “170 ngày ở Điện Biên Phủ” kể cảnh tượng trong Huguette 6 về lính Pháp trong lòng chảo Mường Thanh: “Họ cũng hầu như không còn chút gì để ăn uống, mỗi ngày chỉ có một ca nước trong khi phải 2 lít nước mới đủ. Giấc ngủ của họ luôn bị ngắt quãng bởi pháo bắn, bởi phải đi tuần tra và đổi gác. Tất cả quân số chỉ còn 180 binh sĩ. Sống trong cứ điểm này có nghĩa là ăn, ngủ, chiến đấu trong một khu vực lầy lội đến tởm lợm, xung quanh là xác chết, chuột và ruồi nhặng”.

Khi chiến hào ta gần đến cứ điểm của địch thì những “con cúi” (những tấm ván rơm ghép lại) không đủ bảo vệ cho chiến sĩ được nữa. Nó không ngăn được hỏa lực lướt sườn cũng như lựu đạn trong đồn ném ra. Một chiến sĩ tân binh đã đề nghị cho “đào dũi” khoét ngầm tới lô cốt địch. Phương pháp “đào dũi” được chấp nhận và phổ biến rộng rãi, tuy vất vả nhưng tránh được thương vong. Ông Hồ Phương kể:

- Cứ một chiến sĩ đào đằng trước, một người đi sau hót đất đi đổ. Cứ thế những chiến hào được đào sát tới tận sân bay. Bộ binh đào tới đâu thì cao xạ chúng tôi đi theo liền tới đó. Chúng tôi có 6 khẩu cao xạ. 3 khẩu chúng tôi để bắn máy bay khi chúng tấn công anh em, còn 3 khẩu hạ thấp nòng bắn thẳng vào công sự địch như súng bộ binh. Cách đánh sáng tạo này rất hay, rất uy lực.

- Thưa bác, trong tình huống đó việc tắm rửa, vệ sinh cá nhân thế nào?

- Khi mạng lưới giao thông hào ngang dọc vùng lòng chảo Mường Thanh thì chúng tôi trở thành “người chủ”. Có những vách hầm được khoét ra làm toilet, có những vách hầm được khoét ra để những lúc rỗi rãi anh em tụ tập đàn hát, thư giãn sau trận đánh… Đặc biệt chúng tôi còn có ngách hầm làm “cửa hàng cắt tóc”, mỗi lần cắt giá 2 hào, có thợ cắt chuyên nghiệp. Giá 2 hào là nói đùa cho vui chứ ai có thì trả, không trả cũng được. Tắm thì đợi trời tối thì chạy ào ra suối tha hồ kì cọ…

Cuối cùng thì bằng chiến lược tài tình là cắt “dạ dày” Mường Thanh với chiến thuật sáng tạo là “đào dũi”, chúng ta đã làm cho địch mất tinh thần, hoảng loạn thấy trước ngày tận số.
Nguyễn Thiên Việt (Nguyễn Thiên Việt)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem