Ở đâu có rừng, ở đó có lâm tặc

Thứ tư, ngày 21/12/2011 19:46 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Rừng ở các tỉnh miền Trung có tổng diện tích khoảng 13 triệu ha, với nhiều loại gỗ quý. Cũng vì những giá trị đó, rừng ở đây vẫn đang từng ngày, từng giờ bị tàn phá, tận diệt, bất chấp sự có mặt của lực lượng kiểm lâm.
Bình luận 0

Tiếng cưa máy hạ sát gỗ roèn roẹt vang lên suốt ngày, gỗ được lâm tặc ngang nhiên vận chuyển dưới sông như chốn không người. Đó là tình trạng đang diễn ra tại một số cánh rừng miền tây Nghệ An và Quảng Nam.

img
Rừng phòng hộ đầu nguồn Thanh Thuỷ, Thanh Chương, Nghệ An bị chặt phá.

Ngang nhiên như lâm tặc

Quốc lộ 46 nối từ đường mòn Hồ Chí Minh lên cửa khẩu Thanh Thủy (Thanh Chương, Nghệ An) dài 21km. Cửa khẩu chưa thông thương nên lưu thông trên đường chủ yếu là… lâm tặc. 9 giờ sáng, cứ độ mười phút lại có một tốp 2-3 xe máy chở theo cưa máy, ba lô phóng bạt mạng lên hướng cửa khẩu. Lâm tặc đang vào rừng! Chúng tôi rẽ sang tuyến đường tuần tra biên giới nằm phía nam Quốc lộ 46. Đây là đoạn đường thuận lợi cho lâm tặc lợi dụng để hạ cây lấy gỗ. Hai bên đường, những khúc gỗ to, rỗng ruột bị vứt lại la liệt, vết cưa còn rất mới.

Lần theo một lối mòn do lâm tặc kéo gỗ, dễ dàng thấy nhiều cây táu to đã bị lâm tặc hạ sát, chỉ còn trơ gốc. Qua khỏi vị trí cây gỗ vừa bị đốn hạ, chúng tôi giật mình khi nghe tiếng cưa máy phát ra ở cánh rừng phía đông con đường. Tiếng cưa réo liên tục, có khi nghe tiếng của 2-3 cưa máy hoạt động cùng lúc tựa như trong một xưởng mộc. Tiếng cây bị đốn đổ rầm rầm.

img
Gỗ lậu trôi trên sông Cả, được người dân vớt lên ở địa bàn xã Tam Đình, Tương Dương, Nghệ An.

Trên con đường ở ngay gần ngã tư Quốc lộ 46 cắt đường Hồ Chí Minh, nhiều vật chứng của nạn phá rừng hiển hiện. Một tiệm trưng biển “sửa cưa máy” to đùng, gần đó là tiệm sửa chữa xe máy chuyên “độ” xe từ 2 thành 4 giảm xóc phục vụ cho lâm tặc vận chuyển gỗ...

Nguyễn Văn Sơn - một lâm tặc ở Tương Dương (Nghệ An) cho biết: "Ngày nào cũng có gỗ thả ngầm trôi theo 2 dòng Nậm Nơn Nậm Mộ và sông Cả. Nhiều bè chở nứa khổng lồ trên sông nhưng bên dưới là gỗ cả đó. Nếu bị kiểm lâm phát hiện thì họ cho nước vào can, vào thùng phuy rồi cột dây vào gỗ cho gỗ chìm xuống lòng sông để phi tang. Nhưng đó là dạng cò con, còn làm lớn thì phải có "chúa rừng" bảo kê mới lâu dài".

Qua khỏi vị trí cây gỗ vừa bị đốn hạ, chúng tôi giật mình khi nghe tiếng cưa máy phát ra ở cánh rừng phía đông con đường. Tiếng cưa réo liên tục, có khi nghe tiếng của 2-3 cưa máy hoạt động cùng lúc tựa như trong một xưởng mộc. Tiếng cây bị đốn đổ rầm rầm.

Tại Quảng Nam để ghi nhận tình trạng rừng bị phá, PV có mặt ở tiểu khu 584 thuộc rừng phòng hộ Phú Ninh. Ngay tại khu vực đầu của tiểu khu này, chúng tôi phát hiện rất nhiều cây thông có đường kính thân từ 20 - 30cm chỉ còn trơ lại gốc. Hình ảnh này càng vào sâu càng nhiều. Rừng vẫn còn nhưng toàn là cây nhỏ, có lẽ sống sót là do lâm tặc chê.

Ông Lê Đình Thinh - Trưởng thôn Đại An, xã Tam Đại, huyện Phú Ninh, nhà gần tiểu khu 584, bức xúc: “Khu rừng này phía trên có trạm kiểm lâm, phía dưới thì có đồn công an, nhưng gỗ vẫn ùn ùn về xuôi được. Dân tình ai cũng bức xúc, lên tiếng hoài mà tình hình chẳng thay đổi. Dân ở đây không còn tin vào lực lượng kiểm lâm nữa!”.

Kiểm lâm bắt tay với lâm tặc?

Cuối tháng 8 vừa qua, hai PV của Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện Thanh Chương (Nghệ An) đã phục kích và ghi được hình ảnh xe tải chở gỗ lậu xuôi từ hướng cửa khẩu Thanh Thủy. Khi qua trạm kiểm soát của kiểm lâm (ban ngày), một cán bộ kiểm lâm hạ rào chắn, định kiểm tra xe. Tuy nhiên, sau khi gọi điện cho ai đó, anh này lại cho xe đi qua.

Theo những người dân sống ở bên đường Quốc lộ 7A và 48B, mỗi ngày có hàng chục xe chở gỗ lậu đi trót lọt qua các trạm kiểm lâm ở những địa phương này để đi về xuôi. Như vậy, việc kiểm lâm tiếp tay cho lâm tặc là hiển nhiên. Ngày 14.7, cơ quan chức năng Nghệ An đã làm rõ vụ Hạt phó Hạt Kiểm lâm huyện Đô Lương Lê Phùng Thắng nhận hối lộ 10 triệu đồng của một chủ hàng vận chuyển 5 cây cổ thụ.

Nhiều bè chở nứa khổng lồ trên sông nhưng bên dưới là gỗ cả đó. Nhưng đó là dạng cò con, còn làm lớn thì phải có "chúa rừng" bảo kê mới lâu dài.

Khi PV NTNN đặt câu hỏi, rừng phòng hộ có trạm kiểm lâm quản lý vậy sao lâm tặc vẫn ngang nhiên vào chặt hạ được, ông Huỳnh Ngọc Anh - Trưởng trạm Quản lý bảo vệ rừng Tư Yên (Quảng Nam) “triết lý”: Không có cái gì lại không mất mát hết, chiếc xe để trong nhà cũng bị trộm vào lấy, chứ huống hồ rừng nằm trên núi.

Ông Thái Văn Toàn - Phó Giám đốc ban Quản lý rừng phòng hộ Phú Ninh lại nêu lý do “muôn thuở”: Lực lượng kiểm lâm ở trạm quá mỏng, chỉ có 5 người nên khó kiểm soát hết địa bàn. Lâm tặc vận chuyển gỗ ban đêm nên kiểm lâm khó phát hiện...

"Ở đâu có rừng, ở đó có lâm tặc" - câu nói này như đã trở thành một câu ngạn ngữ ở Nghệ An. Vậy lâm tặc là ai? Có những người dân vì nghèo khó đã lén lút vào rừng chặt gỗ đem bán. Nhưng đáng sợ nhất vẫn là những lâm tặc lắm phương tiện hiện đại, chặt gỗ có tổ chức, lại có sự tiếp tay của những người giữ rừng. Điều này càng làm cho các cánh rừng miền Trung bị thảm sát nhanh hơn.n

(Còn nữa)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem