Quốc hội thông qua Luật Đất đai sửa đổi

Thứ sáu, ngày 29/11/2013 11:39 AM (GMT+7)
Sáng nay (29.11), Quốc hội tổ chức bỏ phiếu thông qua Luật Đất đai sửa đổi, gần 90% số đại biểu đã tán thành.
Bình luận 0
Đại biểu Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua từng phần và toàn bộ Luật Đất đai (sửa đổi). Trong đó, Điều 26 "Bảo đảm của Nhà nước đối với người sử dụng đất" có hơn 92% đại biểu (ĐB) tán thành; Điều 126 "Đất sử dụng có thời hạn" có hơn 90% tán thành; Điều 166 "Quyền chung của người sử dụng đất" hơn 92% tán thành và toàn bộ dự thảo Luật Đất đai sửa đổi được 89,96% số ĐB tán thành. Có 20 ĐB không tán thành, 5 ĐB không biểu quyết.

Quốc hội bỏ phiếu thông qua Luật Đất đai sửa đổi.
Quốc hội bỏ phiếu thông qua Luật Đất đai sửa đổi.

Báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày đã thể hiện sự tiếp thu khá toàn diện ý kiến của ĐB Quốc hội (tập trung vào 9 nội dung cơ bản và một số vấn đề khác) đã được đưa vào Luật Đất đai sửa đổi lần này như: Kỳ quy hoạch sử dụng đất là 10 năm; khung giá đất, việc bồi thường thiệt hại khi thu hồi đất…

Luật Đất đai sửa đổi được thông qua gồm 14 chương, 212 điều, sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1.7.2014.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng bổ sung quy định về theo dõi biến động giá đất và quy định tỉ lệ biến động giá đất thị trường để điều chỉnh khung giá đất, bảng giá đất. Theo đó, Chính phủ ban hành khung giá đất định kỳ 5 năm một lần đối với từng loại đất, theo từng vùng. Trong thời gian thực hiện khung giá đất mà giá đất phổ biến trên thị trường tăng từ 20% trở lên so với giá tối đa hoặc giảm từ 20% trở lên so với giá tối thiểu trong khung giá đất thì Chính phủ điều chỉnh khung giá đất cho phù hợp.

Luật Đất đai được bổ sung quy định về sự tham gia của cơ quan tư vấn giá đất trong hội đồng thẩm định giá đất để đảm bảo sự khách quan. Theo đó, UBND tỉnh quyết định giá đất cụ thể. Cơ quan quản lý đất đai cấp tỉnh có trách nhiệm giúp UBND cấp tỉnh tổ chức việc xác định giá đất cụ thể. Trong quá trình thực hiện, cơ quan quản lý đất đai cấp tỉnh được thuê tổ chức có chức năng tư vấn định giá đất để tư vấn xác định giá đất cụ thể.

Về bồi thường thiệt hại do việc trưng dụng đất được thực hiện theo quy định sau: Người có đất trưng dụng được bồi thường thiệt hại trong trường hợp đất trưng dụng bị hủy hoại; trường hợp người có đất trưng dụng bị thiệt hại về thu nhập do việc trưng dụng đất trực tiếp gây ra; trường hợp đất trưng dụng bị hủy hoại thì việc bồi thường được thực hiện bằng tiền theo giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất trên thị trường tại thời điểm thanh toán; trường hợp thu nhập của người có đất trưng dụng bị thiệt hại do việc trưng dụng đất trực tiếp gây ra thì mức bồi thường được xác định căn cứ vào mức thiệt hại thu nhập thực tế tính từ ngày giao đất trưng dụng đến ngày hoàn trả đất trưng dụng được ghi trong quyết định hoàn trả đất trưng dụng.

Mức thiệt hại thu nhập thực tế phải phù hợp với thu nhập do đất trưng dụng mang lại trong điều kiện bình thường trước thời điểm trưng dụng đất; chủ tịch UBND cấp tỉnh, cấp huyện nơi có đất trưng dụng thành lập hội đồng để xác định mức bồi thường thiệt hại do thực hiện trưng dụng đất gây ra trên cơ sở văn bản kê khai của người sử dụng đất và hồ sơ địa chính. Căn cứ vào mức bồi thường thiệt hại do hội đồng xác định, chủ tịch UBND cấp huyện quyết định mức bồi thường; tiền bồi thường thiệt hại do việc trưng dụng đất gây ra được ngân sách nhà nước chi trả một lần, trực tiếp cho người có đất trưng dụng trong thời hạn không quá 30 ngày, kể từ ngày hoàn trả đất.

Lương Kết (Lương Kết)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem