Thảm sát phu trầm: Không chỉ là bóng tối

Chủ nhật, ngày 07/04/2013 06:25 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Vụ thảm sát 5 người nông dân Quảng Bình đi tìm trầm trong rừng biên giới Việt Lào đang làm dư luận kinh hoàng. Kinh hoàng không chỉ là một vụ giết người hàng loạt. Một vụ giết người theo kiểu quá dã man.
Bình luận 0

Một vụ giết người trong bóng tối rừng thẳm nơi tưởng chỉ có cuộc sống hồn nhiên của chim chóc, muông thú và những người dân tộc thiểu số Vân Kiều có tiếng thật thà chất phác lâu nay. Nhiều người cho rằng đó là lỗi của bóng tối, con người nơi rừng thẳm sống cách xa thế giới văn minh nên thú tính được nuôi dưỡng.

img
Một đối tượng sát hại phu trầm bị bắt giữ

Không phải như thế! Người Bru-Vân Kiều vẫn là người Bru-Vân Kiều như ta đã biết đã quen qua ký ức chiến tranh. Từ nửa cuối thế kỷ XIX, khi kinh đô Huế thất thủ, họ đã tích cực bảo vệ Vua Hàm Nghi, nghĩa binh Vân Kiều, Pakô đã tham gia hộ tống Nhà vua vượt qua Mai Lĩnh chạy giặc. Đồng bào Vân Kiều, Pakô đã kéo đến Bun-cha-ta lập căn cứ cùng các chính trị phạm vượt ngục Lao Bảo đánh lại quân Pháp.

Những cô gái Vân Kiều trên sông Pakô đi tải đạn. Những chàng trai Vân Kiều làm giao liên. Những bản làng Vân Kiều đói rách tả tơi nhưng sẵn sàng nhường cơm độn sắn cho "bộ đội về làng"! Vậy thì những sát thủ mặt người dạ thú này từ đâu đến? Đâu phải vì chúng tối tăm không được học hành? Đâu phải vì chúng sống trong bóng tối rừng thẳm mà trở nên ngu muội, dã man?

Không phải như thế. Xem xét nhân thân của Hồ Văn Công, Hồ Văn Thành, 2 nghi phạm người Vân Kiều thì thấy họ không phải sinh ra từ bóng tối. Một người là con ông phó chủ tịch xã, người kia con một ông cấp trưởng phòng ở huyện Hướng Hóa, cả hai đều đã về hưu. Sinh ra trong một gia đình như thế, chắc chắn cả hai đã được học hành, nghĩa là có điều kiện hơn nhiều thanh niên Vân Kiều khác tiếp nhận ánh sáng văn minh.

Ở đây yếu tố đạo đức từ nền văn hóa tuy sơ khai nhưng bền vững và trong sáng của nhiều dân tộc thiểu số đã có hàng trăm năm tồn tại. Con người trọng danh dự, thật thà, chất phác, không dối trá. Bản làng không có trộm cắp, lừa đảo. Phong tục phạt vạ bất thành văn nhưng nghiêm minh được tuân theo. Tội ác đã lọt vào chỗ nào và lúc nào?

Theo dân bản thì 2 kẻ giết người con cán bộ này đã hư hỏng từ lâu. Cả hai có điều kiện hơn nhiều thanh niên khác nhưng là "con ông cháu cha", cả hai ông bố đều là loại cán bộ có quyền - ỷ thế bố nên họ đã coi thường cả phong tục dân tộc lẫn pháp luật nhà nước. Cả hai không được dạy dỗ chu đáo dù bố họ có thể đã từng dạy dỗ dân bản.

Họ không bị gia đình kiềm chế, không bị bà con dân bản răn đe, "phạt vạ" vì chính bà con cũng sợ, cái sợ vô hình lẫn hữu hình khi đụng phải con cái của những người có thần có thế. Họ đã nhiễm phải thói đua đòi, cờ bạc, siêng ăn nhác làm. Nghĩa là, họ nghiễm nhiên thừa hưởng "ân huệ" trời cho mà đa số thanh niên trong bản đầu tắt mặt tối không được hưởng. Tội ác đã dựa hơi quyền lực, đưa đến cho họ những thứ quyến rũ chết người của xã hội tiêu dùng và thị trường.

Môi trường miền núi đang bị ô nhiễm và vụ án kinh hoàng này là một lời cảnh báo không thể bỏ qua. Phải chăng những gì tốt đẹp, hồn nhiên của cuộc sống nơi rừng sâu núi thẳm đang bị đe dọa? Vì sự tha hóa của quyền lực, của nạn "con ông cháu cha", của đạo đức và truyền thống?

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem