Thế giới tuần qua: Khủng hoảng Syria vẫn "rối như tơ vò"

Chủ nhật, ngày 05/08/2012 06:23 AM (GMT+7)
Dân Việt - Đặc phái viên hòa bình Kofi Annan từ chức, các thành viên chủ chốt của HĐBA Liên Hợp Quốc chưa tìm được tiếng nói chung… là bức tranh thiếu ý tưởng cho cuộc khủng hoảng Syria tuần qua.
Bình luận 0

LHQ thiếu đoàn kết

Hôm 2.8, Đặc phái viên chung của Liên Hợp Quốc (LHQ) và Liên đoàn A-rập (AL) bất ngờ tuyên bố từ chức trong bối cảnh tình hình tại Syria đang rối như tơ vò.

img
Ông Kofi Annan

Giải thích cho quyết định đường đột của mình, ông Annan lên tiếng khẳng định, sự thiếu đoàn kết, đổ lỗi và bêu xấu nhau trong nội bộ HĐBA LHQ là một trong những lý do khiến ông không muốn tiếp tục sứ mệnh của mình.

“Quân sự hóa ngày càng gia tăng và sự thiếu đoàn kết của HĐBA LHQ đã làm thay đổi căn bản các điều kiện cho việc thực thi sứ mệnh của tôi một cách hiệu quả”, ông Annan phát biểu.

Phản ứng trước diễn biến trên, cả Nga, Trung Quốc và Syria đều “lấy làm tiếc” về quyết định từ chức của ông Annan.

Bên cạnh đó, Damascus cam kết sẽ dùng mọi biện pháp để chống chủ nghĩa khủng bố, đem lại hòa bình cho đất nước. Thủ tướng Nga Vladimir Putin miêu tả tình hình tại Syria hiện nay là một “bi kịch”. Còn Bắc Kinh khẳng định, LHQ vẫn cần giữ vai trò trong việc giải quyết xung đột tại quốc gia Trung Đông này.

Trong khi đó, Nhà Trắng không ngần ngại cáo buộc, chính phủ Syria, Nga và Trung Quốc đã đẩy ông Annan đi tới quyết định từ chức.

Washington chỉ trích, Tổng thống Syria Bashar al-Assad không tuân thủ kế hoạch hòa bình của ông Annan, còn Nga và Trung Quốc thì có tới 3 lần phủ quyết dự thảo nghị quyết của HĐBA LHQ về Syria.

Nga, Mỹ có cứu được Syria?

Song song với thông báo từ chức, ông Kofi Annan cũng gây bất ngờ khi lên tiếng kêu gọi Nga và Mỹ gánh vác trách nhiệm cứu Syria khỏi cuộc nội chiến thảm khốc.

Với lập luận một giải pháp chính trị không toàn diện sẽ không phát huy hiệu quả, ông Annan nhấn mạnh: "Syria vẫn có thể thoát khỏi tai họa khủng khiếp. Thế nhưng, điều đó cần có sự can đảm và khả năng lãnh đạo, trước hết của các thành viên thường trực HĐBA LHQ, trong đó có Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Barack Obama."

Từ đó, một câu hỏi đặt ra là: Liệu Nga và Mỹ có khả năng “cứu” Syria như điều ông Annan kỳ vọng? Muốn làm được vậy, họ phải bắt tay nhau, phải tìm được tiếng nói chung. Còn trong bối cảnh hiện tại, Moscow, Washington vẫn như "nước với lửa" trong vấn đề Syria.

Mới đây, hôm 3.8, với số phiếu thuận áp đảo, Đại hội đồng LHQ đã thông qua nghị quyết về tình hình Syria, với nội dung lên án chính phủ Syria, yêu cầu các bên chấm dứt bạo lực và bắt tay vào tiến trình chuyển tiếp chính trị.

Cùng ngày, Nga đã phản ứng khá gay gắt trước nghị quyết trên của Đại hội đồng LHQ vì cho rằng, văn kiện này đã bênh vực một cách “trắng trợn” đối với phe nổi dậy Syria.

Moscow khẳng định, nghị quyết sẽ không những không thể chấm dứt khủng hoảng Syria mà còn đi ngược lại với những nỗ lực thực thi kế hoạch hòa bình sáu điểm do ông Annan soạn thảo.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem