Thủy điện Sơn La về đích sớm: Những tháng ngày sục sôi

Thứ hai, ngày 15/10/2012 16:47 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Mỗi lần đến với đại công trường Thuỷ điện Sơn La, chúng tôi lại có những cảm nhận riêng, nói chung là rất đặc biệt. Trong những ngày mùa thu lịch sử này, đến thăm công trường này lại thấy càng đặc biệt...
Bình luận 0

Tất cả cho công trình

Chúng tôi còn nhớ, vào những thời điểm mặt bằng xây dựng đòi hỏi khối lượng công việc lớn nhất như 2-3 năm trước đây, số nhà thầu tham gia xây dựng nhà máy lên tới 13 nhà thầu với gần 2 vạn công nhân làm việc liên tục 3 ca trong ngày.

img
Tổ máy 6 - tổ máy cuối cùng được hoà lưới điện quốc gia hôm 26.9.

Khi đó, công trường Thuỷ điện Sơn La (xã Ít Ong, huyện Mương La) trở thành nơi không có bóng đêm trên thượng nguồn dòng sông Đà. Dù mưa dầm, giá rét cắt thịt, cắt da hay những ngày hè nắng lửa, cháy két đá thì cả chục ngàn con người cùng hàng ngàn máy móc vẫn hừng hực không khí làm việc.

Một công nhân Công ty Xây dựng Sông Đà 908 từng tâm sự: Nhiều hôm chúng em làm việc tới 2 ca/ngày, miễn là vẫn đảm bảo được sức khoẻ và an toàn lao động. Cán bộ công ty của các nhà thầu ở đây rất chu đáo với công nhân nên việc ăn uống, nghỉ ngơi và lương bổng cũng đảm bảo. Vì thế nên ai làm việc cùng hăng hái.

Còn vào thời điểm xây dựng thân đập - yếu tố quan trọng nhất của nhà máy, chúng tôi đã chứng kiển những buổi làm việc của các nữ công nhân Công ty Sông Đà 7 khi sắp sang năm mới. Trước khi vào ca sáng, chị Nguyễn Thị Thuỷ (quê Nam Định) đã tắt máy điện thoại di động.

Chị bảo: "Khi làm việc chúng em cần tập trung cao vì thân đập là công trình đảm bảo an toàn không chỉ riêng cho nhà máy này mà còn cho hàng triệu người phía hạ lưu. Mỗi công nhân chỉ cần nêu cao tinh thần làm việc thêm một ít là cả công trình sẽ được nâng lên về chất lượng và rút ngắn thời gian thi công".

Ca làm việc của buổi sáng hôm ấy là một ngày cuối năm 2009, tiết trời lạnh đến mức khó tả. Trên thân đập cao cả trăm mét lồng lộng gió heo may nhưng chỉ sau hơn nửa tiếng làm việc những lưng áo công nhân trong đội trải bê tông đã đẫm mồ hôi. Anh Hoàng Văn Kỳ ở cùng đội làm việc với chị Thuỷ cho biết: Trải bê tông đầm lăn cần phải thi công nhanh, chính xác, cẩn thận và phối hợp khoa học cả đội thì mới đảm bảo chất lượng, khối lượng, an toàn lao động và tiết kiệm vật liệu.

Hối hả về đích...

Hôm nay trở lại với công trường Thuỷ điện Sơn La, không còn thấy cái không khí lao động sôi sùng sục như những lần trước. Ông Vũ Tiến Lăng - Chủ tịch công đoàn Tổng Công ty Sông Đà-đơn vị chủ lực trong xây dựng công trình, cho biết: Sau thời điểm phát điện tổ máy số 6-tổ máy cuối cùng của nhà máy, hầu hết cán bộ, công nhân của các nhà thầu trên công trường này đã di chuyển đến những công trình mới trên khắp mọi miền Tổ quốc.

Công nhân còn lại nơi đây chủ yếu chỉ là công nhân của Nhà máy Thuỷ điện Sơn La đang làm nhiệm vụ khai thác sản phẩm và một số công nhân của Công ty cổ phần LILAMA đang làm nốt những công việc cuối cùng của giai đoạn xây dựng.

Công trường Thuỷ điện Sơn La trong 5 năm qua đã có 13 nhà thầu tham gia xây dựng với gần 18.000 cán bộ, công nhân; đào xúc hơn 16,6 triệu m3 đất, đá; vận chuyển hơn 20 triệu m3 đất, đá; lắp đặt trên 115 tấn thiết bị máy móc. Ngày 26.9.2012, nhà máy đã thực hiện phát điện 6/6 tổ máy. Dự kiến lễ khánh thành nhà máy sẽ diễn ra trong tháng 12.2012.

Theo chân một nhóm công nhân vào nhà máy-nơi có những tổ máy nặng hàng ngàn tấn đang quay tít để làm ra dòng điện cho Tổ quốc, thấy các cán bộ, công nhân đang thực hiện những công việc của “một nhà thầu có trách nhiệm với công trình” - như cách nói của anh công nhân đang khoan lắp chiếc cửa kính trong nhà máy.

"Chỉ ít ngày nữa là chúng tôi lại xa nơi đây, đến với những công trình khác. Tuy công việc đã hoàn thành 99,99% nhưng phần việc nhỏ nhất còn lại cũng phải làm thật tốt" - công nhân tên Dũng bảo vậy.

Trong nhà máy, mọi thứ đều sạch bóng, gọn gàng, ngăn nắp và không ồn ào như chúng tôi tưởng. Ánh sáng từ những bóng điện lắp trên trần, trên tường làm mỗi gian nhà rộng lớn thêm ấm áp. Một nam công nhân đang mải miết lau cọ nền nhà dù nó đã quá sạch sẽ. Anh công nhân bảo: Công trình này là biểu tượng của sự phát triển khoa học kỹ thuật về xây dựng thuỷ điện của nước ta. Đây là lần đầu tiên một công trình thuỷ điện lớn hoàn toàn do ta thiết kế, thi công với nhiều công nghệ mới, sáng tạo mới. Vì vậy chúng em sẽ bảo quản, khai thác, vận hành công trình tốt nhất.

Chia tay với những người công nhân trên công trường Thuỷ điện Sơn La, chợt nhận thấy một công trình xây dựng khác đang được thi công ngay trên lưng chừng núi đầu nhà máy. Ông Lăng tiết lộ: Đó là Đài tưởng niệm của công trường Thuỷ điện Sơn La. Trên công trình này, có rất không ít con người đã cống hiến hết mình cho chất lượng và tiến độ công trình. Bây giờ đã đến lúc thảnh thơi để chúng tôi lo về việc ghi danh họ...

Kỳ 2: Trí tuệ Việt cho công trình thế kỷ

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem