Xuất khẩu cá tra phải có điều kiện

Thứ năm, ngày 05/07/2012 07:40 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Nhóm 50 nhà xuất khẩu cá tra hàng đầu đã thống nhất kiến nghị lên Bộ NNPTNT giảm bớt đầu mối xuất khẩu cá tra, đưa cá tra trở thành ngành kinh doanh có điều kiện để dễ quản lý.
Bình luận 0

Liên tục hạ giá và chơi nhau

Mặc dù cá tra là sản phẩm độc quyền của Việt Nam (VN) nhưng các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu cá tra vì chạy theo lợi nhuận đã luôn bán phá giá lẫn nhau (bán giá thấp). Những năm 1998 - 2000, khi đó cá basa, cá tra xuất khẩu có giá tới 4,2 - 4,5 USD/kg. Từ đó trở về sau, khi bắt đầu chuyển qua xuất khẩu hoàn toàn bằng cá tra thì giá xuất khẩu liên tục bị phá giá.

img
Một trong những điều kiện Vasep đang kiến nghị là muốn xuất khẩu cá tra phải có nhà máy chế biến.

Đến giữa năm ngoái, tháng 6.2011, giá cá tra xuất khẩu vào thị trường EU, thị trường bị phá giá nhiều nhất, chỉ còn 3,5 USD/kg. Thế nhưng chỉ trong vòng 1 năm nay, giá cá tra đã giảm mạnh, cứ mỗi lần có hội chợ thủy sản là càng giảm sâu, từ hội chợ ở Mỹ đến hội chợ ở Bỉ.

Đỉnh điểm đến Hội chợ Thủy sản VietFish vừa diễn ra tại Việt Nam cuối tháng 6 vừa qua, một số DN VN đã phá giá đến mức chào bán còn có 2,2 USD/kg, trong khi trước hội chợ giá cá tra xuất khẩu sang EU có giá đến 2,8 USD/kg.

"Nhiều nước đã lợi dụng điều này để bôi nhọ hình ảnh con cá tra Việt Nam, làm ảnh hưởng đến thương hiệu và uy tín quốc gia. Đặc biệt trong mấy tháng qua, thị trường EU sụt giảm, hiện các DN chào hàng đều không được các nhà nhập khẩu hồi đáp. Nguyên nhân một phần do các DN liên tục hạ giá làm các nhà nhập khẩu e dè không dám ký hợp đồng tiếp vì sợ lỗ" - ông Dương Ngọc Minh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) nêu thực trạng.

Đồng quan điểm trên, ông Châu Minh Đạt - Tổng Giám đốc Công ty Chế biến thủy sản Hoàng Long, cũng rất bức xúc khi thị trường Brazil mới mở trong 2 năm qua đầy tiềm năng nhưng bị một vài DN môi giới phá nát cũng với chiêu bài bán phá giá, người bán sau chào giá thấp hơn người bán trước. Và hiển nhiên, để có lời, giá thấp sẽ kèm với chất lượng kém, thậm chí là làm bậy bạ khiến khách hàng khiếu nại và quay lưng với cá tra VN.

"Trong đó lực lượng bán phá giá nhiều nhất, làm "nhiễu" thị trường chính là các DN thương mại, môi giới. Họ đã độn thêm nước hoặc bơm hóa chất vào làm tăng trọng con cá nhằm kiếm lời. Nếu không quản lý được đội ngũ này, hình ảnh con cá tra của ta sẽ còn tiếp tục bị bôi nhọ" - ông Ngô Phước Hậu - Chủ tịch HĐQT Công ty Agifish cảnh báo.

Giảm 140 DN xuất khẩu

Trước thực trạng đó, để khắc phục, 50 DN xuất khẩu cá tra hàng đầu, thông qua VASEP, đã gửi kiến nghị lên Bộ NNPTNT đề nghị xuất khẩu cá tra trở thành ngành kinh doanh có điều kiện. Trong đó điều kiện ưu tiên đầu tiên là muốn xuất khẩu cá tra, DN phải có nhà máy chế biến và có code (mã số) xuất khẩu vào thị trường EU.

Ông Ngô Phước Hậu giải thích, trong tình hình xuất khẩu hiện tại, đặt ra điều kiện xuất khẩu là để loại trừ bớt các đầu mối trung gian, thành phần không đủ điều kiện xuất khẩu nhưng lại đang làm ăn chụp giựt, phá nát thị trường. Còn những DN một khi đã có nhà máy chế biến xuất khẩu thì vì thương hiệu của DN mình sẽ làm ăn đàng hoàng và chất lượng hơn, đặc biệt khi đã có mã code vào EU thì phải thực hiện theo đúng tiêu chuẩn chất lượng của họ mới xuất hàng qua đó được. " Thực ra điều kiện này cũng không loại bỏ hoàn toàn các đơn vị môi giới vì nếu muốn xuất khẩu, họ có thể gia công, liên kết với các doanh nghiệp đủ điều kiện để xuất hàng" - ông Hậu nói.

Để cá tra xuất khẩu chất lượng hơn, các DN cũng kiến nghị độ ẩm (hàm lượng nước) trong cá tra không được quá 86%, theo tiêu chuẩn của FAO, và độ ẩm này phải được ghi rõ vào hợp đồng cũng như trên bao bì sản phẩm để cộng đồng dễ kiểm soát.

Nếu Bộ NNPTNT đồng ý với điều kiện này thì số DN xuất khẩu cá tra sẽ giảm từ 200 hiện nay xuống còn 65 DN. "Do 65 doanh nghiệp này hiện đang chiếm gần 80% số cá tra xuất khẩu nên cũng không ảnh hưởng gì đến xuất khẩu và tiêu thụ cá tra trong nước. Ngược lại, nó sẽ còn giúp chúng ta dễ quản lý hơn và công cuộc sắp xếp, chấn chỉnh lại hoạt động xuất khẩu cá tra cũng thuận lợi và hiệu quả hơn" - ông Trương Đình Hòe - Tổng Thư ký VASEP nhận định.

Đó là giải pháp lâu dài, còn trước mắt, các DN Vasep đã thống nhất giải pháp sắp tới là các DN phải đăng ký hợp đồng xuất khẩu với VASEP, xem đây như một điều kiện ràng buộc để mở tờ khai hải quan. "Mục đích của việc đăng ký hợp đồng qua VASEP là nhằm để nắm lại sản lượng và chất lượng một cách thống nhất. Qua đó, tất cả sẽ cùng đồng thuận một mức giá bán hợp lý, thể hiện trách nhiệm của cả cộng đồng là cùng nhau kiểm soát" - ông giải thích.

Cụ thể qua các cuộc họp hàng tháng, các DN cá tra sẽ cùng thống nhất một mức giá sàn xuất khẩu vào ngày 15 hàng tháng. Mức giá sàn này sẽ thay đổi tùy theo từng thị trường nhưng sẽ không được thấp hơn giá thành xuất khẩu. Và việc đăng ký hợp đồng qua Vasep là để ngăn chặn những DN bán dưới mức giá sàn này.

"Trước tiên, chúng tôi sẽ áp dụng liền ở thị trường Mỹ vì thị trường này hiện chỉ có 18 DN xuất khẩu rất dễ quản lý. Còn thị trường EU hiện chỉ đang ở mức khuyến nghị và cảnh cáo, kiểm điểm trong nội bộ"- ông Hòe cho biết.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem