Thủ tướng Yingluck bị ép từ chức

Chủ nhật, ngày 01/12/2013 15:42 PM (GMT+7)
Chính phủ của nữ Thủ tướng Thái Lan - Yingluck Shinawatra - đang đối mặt với cuộc biểu tình đòi bà từ chức của phe phản đối điều họ gọi là “chế độ Thaksin nối dài”
Bình luận 0
Bạo lực đường phố có thể bùng nổ nếu khoảng 50.000 người thuộc phe áo đỏ - tập kết tại một sân vận động ở Bangkok để ủng hộ chính phủ của bà Yingluck - đổ ra đường.

Khuya thứ hai qua, người phát ngôn của cảnh sát nói họ sẽ thương lượng với phe biểu tình để chính quyền nắm lại quyền kiểm soát các trụ sở công quyền, và họ sẽ nỗ lực hết mình để tránh việc sử dụng vũ lực. Đảng Dân chủ cũng dự tính tăng yêu sách bà Yingluck phải từ chức bằng cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm chính phủ vào ngày 26.11.

Nữ Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra
Nữ Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra

Bà Yingluck phải vận dụng Luật An ninh nội địa (ISA) trên toàn địa phận thủ đô Bangkok cùng một số khu vực lân cận từ ngày 25.11, gồm các sân bay quốc tế. Hồi năm 2008, người chống cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra từng chiếm giữ hai sân bay ở Bangkok suốt một tuần, sau khi chiếm Phủ thủ tướng hơn 3 tháng. Luật ISA cho phép chính quyền ra lệnh giới nghiêm, lập chốt kiểm soát, khóa các con phố, hạn chế hoạt động của các nhóm biểu tình, có biện pháp xử lý các nỗi đe dọa an ninh và cấm sử dụng các thiết bị điện tử trong những vùng chỉ định. ISA cũng cho phép các cuộc tập kết hòa bình. 3 quận nhạy cảm ở Bangkok đã thuộc diện ISA từ tháng 8, khi có những tín hiệu ban đầu của sự bất ổn chính trị.

Trong bài diễn văn phát qua TV, bà Yingluck nói: “Phe phản đối đã tăng hoạt động, khác với trước đây là trong hòa bình”. Bà khẳng định chính phủ tôn trọng quyền tự do ngôn luận của người dân, nhưng chính phủ cũng có trách nhiệm gìn giữ hòa bình, ổn định cùng các tài sản, sự an toàn của công dân và quyền tiếp cận các công sở. Bà lo ngại: “Công chức không có vũ khí và chúng tôi không muốn chứng kiến bất kỳ vụ bạo lực nào. Nếu các cuộc biểu tình tiếp tục thế này, tôi e rằng tình hình sẽ càng căng thẳng”.

Cuộc biểu tình đông nhất từ trước tới nay
Cuộc biểu tình đông nhất từ trước tới nay

Việc mở rộng thêm khu vực chịu luật ISA được áp dụng, sau khi phe phản đối đã chiếm một số khu vực ở hai bộ Tài chính và Ngoại giao vào sáng thứ hai qua. Vụ chiếm hai bộ này là động thái táo bạo nhất của các cuộc biểu tình khởi đầu từ tháng 10, đo Đảng Dân chủ đối lập cầm đầu. Họ lập chiến lược mới là làm tê liệt chính phủ bằng cách buộc các công chức không thể đi làm. Các quan chức làm việc ở Phủ thủ tướng và Quốc hội Thái Lan đã được sơ tán để tránh nguy cơ bị người biểu tình bao vây, trong khi 84 đại đội cảnh sát được triển khai để đảm bảo an ninh.

Ngày 24.11, hơn 150.000 người xuống đường ở Bangkok, lập nên cuộc biểu tình lớn nhất từ trước đến nay để chống “chế độ Thaksin”. Họ cũng cắt nguồn điện, nước ở hai bộ và Cục Quan hệ công chúng. Thủ lĩnh phe Dân chủ Suthep Thaugsuban (cựu phó thủ tướng) là người chỉ huy nhóm phản đối chiếm Bộ Tài chính. Ông kêu gọi phe đối lập chiếm các trụ sở công quyền khác ở Bangkok và trên toàn quốc: “Hãy lên từng tầng, vào từng phòng nhưng đừng phá hủy gì cả. Hãy cho họ thấy quyền lực của nhân dân”.

Cuộc biểu tình lớn nhất này kết thúc hai năm tương đối yên tĩnh của chính phủ bà Yingluck, em gái ông Thaksin. Gần đây sức ép của phe đối lập đã khiến Thượng viện Thái Lan phải bác luật ân xá chính trị do chính phủ đề xuất, do người phản đối nói đó là cách mở đường giúp ông Thaksin kết thúc cuộc lưu vong và trở về nước. Nhưng các cuộc biểu tình lại xảy ra khi lãnh đạo phe đối lập chuyển mục tiêu hành động: lật đổ “chế độ Thaksin”.

Người phản đối muốn bà Yingluck từ chức vì cho rằng chính phủ vẫn chịu sự điều khiển của ông Thaksin, người bị quân đội lật đổ hồi năm 2006 với lý do ông tham nhũng, khi ông đang dự cuộc họp thượng đỉnh Liên Hiệp Quốc tại New York (Mỹ). Họ tỏa khắp 13 địa điểm ở Bangkok, gây ùn tắc giao thông và gieo nỗi lo sợ sẽ bùng phát bạo lực tại Thái Lan vốn luôn bất ổn chính trị. Nhưng chuyên gia phân tích Michael Montesano ở Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ở Singapore) nói: “Người biểu tình hiện còn thiếu sự ủng hộ của quân đội vốn có khả năng lật đổ chính phủ nhanh. Nếu xảy ra tình trạng rối loạn, chúng ta sẽ chờ xem quân đội sẽ còn đứng ngoài cuộc bao lâu nữa”. Quân đội hiện chưa có ý kiến nào, trong khi Thái tử Maha Vajiralongkorn kêu gọi các thần dân kết thúc sự chia rẽ bằng một cuộc đối thoại. Bộ Ngoại giao Mỹ kêu gọi hai bên chống và ủng hộ chính phủ bà Yingluck nên kiềm chế, tránh gây bạo lực và tôn trọng luật pháp.
Diên Hy (Thế giới&Hội nhập) (Diên Hy (Thế giới&Hội nhập) )
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem