Thú vị đi săn chuột đồng ở miền Tây

Thứ bảy, ngày 12/04/2014 13:09 PM (GMT+7)
Lâu nay, miền sông nước Cửu Long được xem là xứ sở của chuột đồng. Đến đây bất kể mùa nào cũng có chuột. Trên chục năm trước, thịt chuột bán không ai mua nên nông dân bắt chuột chủ yếu để chế biến vài món nhậu mỗi khi hết việc.
Bình luận 0

Giờ đây, thịt chuột phút chốc trở thành đặc sản và chiếm vị trí quan trọng trong thực đơn của không ít nhà hàng. Để có chuột xuất tỉnh mỗi ngày, ở miền Tây giờ đây xuất hiện nhiều người săn bắt chuột, lái chuột chuyên nghiệp, không những thỏa mãn niềm vui mà còn là nghề cho thu nhập khá ở nông thôn.

img

img
Một buổi đi bắt chuột của nhóm anh Điệp (Hậu Giang) bằng cách đào hang với chiếc bẫy đặt ở miệng hang.

Thú vị đi bắt chuột đồng

Khởi đầu mùa săn bắt chuột là giữa vụ lúa, cây lúa làm đòng, rồi đến lúa ngậm sữa và khi lúa trổ đều, chín vàng, thu hoạch... Ở những thời điểm này chuột tăng trưởng nhanh... vì có nhiều thức ăn như cua ốc, tép, cá, cây lúa non rồi hạt lúa chín rơi vãi trên đồng, nên con nào con nấy béo mập, no tròn, thịt mềm và nhiều mỡ. Hiện nay, bắt chuột đồng bằng nhiều cách như đào hang, bẫy đập, bẫy lồng, dậm cù, bắn chĩa.

Đã có hẹn trước, tôi khăn gói lên đường về Hậu Giang xin tháp tùng đội quân săn bắt chuột ở những đồng lúa và mía xã Phương Bình (Phụng Hiệp – Hậu Giang). Ăn sáng xong, anh Trần Văn Điệp, một trong những tay săn chuột chuyên nghiệp thúc giục anh em lên đường.

Cánh đồng Phương Bình phần lớn bà con nơi đây làm lúa 2 vụ và trồng mía nên chuột rất nhiều. Đồ nghề chúng tôi mang theo rất đơn giản, chỉ có cái len (xà ben), vài cái bẫy, thùng đổ đầy nước và 2 con chó là xong. Để săn chuột được nhanh và hiệu quả, anh Điệp chia gần chục người đi thành 2 nhóm để “đánh” dọc 2 bên bờ kênh.

Theo anh Điệp bảo: Chuột đồng thường sống ven kênh rạch, bờ mương, ruộng lúa, liếp mía và hay làm ổ trên ngọn cây… Tuy nhiên, chuột ở bụi rậm ven bờ ruộng là nhiều nhất.

Con chó phèn bắt chuột rất tài tình.
Con chó phèn bắt chuột rất tài tình.

Chia nhóm xong, anh Điệp suýt chó đi trước dẫn đường và tìm nơi chuột trú ẩn. Con phèn nặng gần chục ký của anh Điệp tỏ ra siêng năng khi liên tục nhảy vào các bụi rậm tìm chuột. Nhìn con chó nguýt đuôi, đeo miết vào bụi cỏ, chốc lát là chuột nhảy xuống bờ kênh lặn tìm đường tẩu thoát.

Cầm con chuột vừa bắt được giơ lên, một cậu tên Thanh (đi bắt chuột) tiết lộ: “Bắt chuột đồng dễ lắm, bởi khi chuột lặn bao giờ cũng lên tiêm (lên bọt nước) trên mặt nước. Chỉ cần lần theo và chờ chuột nổi đầu lên là tóm cổ lập tức”. Ngoài các bụi rậm thì con chó phèn liên tục phát hiện chuột sống trong hang ở liếp mía. Hang nào cạn thì con chó tự bới đất, khiến chuột hoảng sợ chạy theo hang ngách ra ngoài thì bị bắt. Riêng những hang sâu, dùng len đào và đổ nước ngập hang làm cho chuột ngộp phải ngoi lên.

Thông thường chuột làm từ hai đến ba miệng hang. Trong đó có một hang chính và những hang phụ để tìm cách tẩu thoát khi bị phát hiện. Do đó, trước khi đào hang chính thì phải tìm được các hang ngách phục kích sẵn, chờ chuột nhảy ra là tóm cổ hay đặt lồng bẫy trước miệng hang ngách. Với cách săn chuột đa dạng và kinh nghiệm, nên chỉ cần đi vài tiếng đồng hồ là cả nhóm đã bắt được khoảng chục ký chuột đồng.

Những chú chuột thoát khỏi miệng hang bị Thanh bắt lại được.
Những chú chuột thoát khỏi miệng hang bị Thanh bắt lại được.

Còn ban đêm về Sóc Trăng, nài nỉ mãi tôi mới được anh Trà Song ở xã Long Phú (huyện Long Phú – Sóc Trăng) cho đi theo chĩa chuột, với điều kiện phải tuyệt đối im lặng không được hé môi 2 từ “bắt chuột”. Theo giới chuyên bắt chuột đồng, chuột rất tinh khôn, nếu nói như thế thì những chú “tý” ra khỏi hang đi ăn đêm nghe được, sẽ không dám mò ra tìm thức ăn nữa.

Gần nửa đêm, khi bóng tối phủ trùm lên cánh đồng lúa vừa thu hoạch cũng là lúc anh Song xách đèn pin lội ra ruộng. Ở ruộng cũng đã có hàng chục ánh đèn pha của những người săn bắt chuột trên vai mang lồng sắt, trên đầu đội đèn pha, có người còn trang bị cả súng tự tạo giống loại súng bắn dây thun của trẻ con, với vài mũi tên làm bằng xăm xe đạp được giũa nhọn một đầu.

Vừa lội qua mẫu ruộng thứ 3, bỗng anh dừng lại. Mắt anh hướng về phía bờ ruộng có tiếng sột soạt từ bụi cỏ tranh. Khi ánh đèn pha vừa lia, tiếng sạch phát ra từ cây súng, căm xe găm thẳng vào đùi sau con chuột cống nhum to bằng bắp tay kêu “éc éc” lê lết lôi mũi tên. Nhẹ nhàng anh Song lao tới rồi tóm cổ thả vào lồng sắt một cách điệu nghệ.

Không riêng gì anh Song, hiện nay có rất nhiều “xạ thủ chuột” chuyên nghiệp với mỗi lần bắn là trúng. Với cách săn chuột chuyên nghiệp như thế, vào những đêm không có ánh trăng chỉ cần đi vài giờ đã bắt được năm ba ký chuột là chuyện bình thường.

Anh Trà Song sau một đêm bắt chuột đồng.
Anh Trà Song sau một đêm bắt chuột đồng.

Một nghề vui, nhưng có thu nhập

Theo ghi nhận của chúng tôi, mỗi ngày hơn chục chợ bán chuột dọc theo Quốc lộ 1A từ Hậu Giang đến Sóc Trăng, với khoảng vài tấn chuột được đưa về TP.Cần Thơ, TP.HCM và Đồng Nai.

Để mua được nhiều chuột, những tay lái thường bắt mối với cánh thợ săn bằng cách đầu tư vài triệu đồng trang bị lồng, đèn, súng. Vốn thu hồi được khấu trừ dần vào chuột. Với cách làm này, hiện nay có khá nhiều chợ chuột vừa tạo thu nhập, công ăn việc làm và đẩy mạnh phong trào săn bắt chuột.

img

img
Tại chợ chuột Sà Lôn, anh Thạch Vũ đang mua chuột.

Chuột chuẩn bị lên xe đi tiêu thụ.
Chuột chuẩn bị đưa lên xe đi tiêu thụ.

Chuột lên xe đi tiêu thụ.
Chuột lên xe đi tiêu thụ.

Anh Sơn Hòa Huôl ở xã Đại Tâm (Mỹ Xuyên – Sóc Trăng) - người có thâm niên hơn 10 năm theo nghề bắt chuột. Có dịp tiếp xúc với chúng tôi, anh nói: “Nhà nông mà, kiếm đồng tiền đâu phải dễ, nếu đi xa trúng ổ đậm từ 10 – 15 kg/ngày là chuyện bình thường, bình quân có từ 3 – 5 kg/ngày.

Con sống để trong lồng, con chết muối nước đá, sau một đêm cho thu nhập từ 100 – 200 ngàn đồng ngon hơn đi làm mướn, chưa kể nếu bắt được rắn thì có thu nhập cao hơn, cạn nguồn chuột ở đồng này thì sang đồng khác.

Vùng này nhờ chuột đồng mà không ít người có cái ăn cái mặc, lo tiền cho con cái đến trường”. Anh “lái chuột” tại chợ chuột khu vực cống Sà Lôn (xã Đại Tâm – Mỹ Xuyên – Sóc Trăng) Lâm Hoàng Vũ tươi cười khoe: Mỗi ngày tại chợ chuột này có hơn một tấn chuột được tiêu thụ. Mua chuột ở đây giá 25.000 – 28.000 đồng/kg, nhưng khi những “chú chuột” chui vào lồng sắt vượt trăm cây số từ Sóc Trăng lên TP.Cần Thơ và TP.HCM thì giá nâng lên đến 40.000 – 50.000 đồng/kg.

Với mức giá này, trừ chi phí “phiêu lưu cùng chuột đồng” lãi cả triệu đồng. Quả là một con số không nhỏ đối với những nông dân quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”.

XEM THÊM

>> Thịt chuột đồng lọt top 10 món đặc biệt nhất thế giới

Phương Nghi (Phương Nghi)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem