“Tiến sỹ Học làm giàu” Phạm Thanh Hải sắp ra tòa phúc thẩm

Nhóm PV Thứ hai, ngày 25/03/2019 06:58 AM (GMT+7)
TAND Cấp cao tại Hà Nội sắp đưa ra xét xử phúc thẩm vụ án  Phạm Thanh Hải – nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty IDT, từng là “ông chủ” trang Học làm giàu.
Bình luận 0

Trước đó, tháng 5.2018 HĐXX sơ thẩm TAND TP Hà Nội đã tuyên phạt bị cáo Phạm Thanh Hải (nguyên Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty IDT) tù Chung thân vì phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Tuy nhiên, phiên tòa sơ thẩm này được cho là “kỳ lạ” khi nhiều người góp vốn cho bị cáo Phạm Thanh Hải không nhận là bị hại, muốn thỏa thuận dân sự với bị cáo, thậm chí còn kêu oan cho bị cáo.

Quá trình bị bắt

Theo kết luận điều tra ngày 21.10.2016 của Công an TP Hà Nội, vào ngày 19.10.2016 tổ công tác của Công an TP Hà Nội đã phát hiện tại tầng 20 Tòa nhà CharmVit diễn ra sự việc ký kết hợp đồng vào giao nộp số tiền lớn.

Cụ thể, ông Đinh Trung Nghĩa (Đông Trạch, Ngũ Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội) ký hợp đồng góp vốn 500 triệu đồng với ông Phạm Thanh Hải – Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Thương mại và Phát triển Công nghệ quốc tế (Công ty IDT). Ông Hà Minh Thiện (Nam Thượng, Kim Bôi, Hòa Bình) ký hợp đồng góp vốn 100 triệu đồng với ông Phạm Thanh Hải.

Tổ công tác đã tiến hành lập biên bản bắt người phạm tội quả tang đối với Phạm Thanh Hải và lập biên bản tạm giữ số tiền 480 triệu đồng. Khoản tiền đó sau này đã được trả lại cho ông Đinh Trung Nghĩa và Hà Minh Thiện.

img

Bị cáo Phạm Thanh Hải IDT tại phiên tòa sơ thẩm tháng 6.2018. Ảnh IT.

Ngày 27.10.2015, Cơ quan CSĐT – Công an TP Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Phạm Thanh Hải về tội Kinh doanh trái phép.

Cùng ngày, cơ quan này có đơn đề nghị VKSND TP Hà Nội phê chuẩn quyết định khởi tố bị can thay đổi biện pháp ngăn chặn.

Ngay sau đó, VKSND TP Hà Nội đã ra quyết định hủy bỏ biện pháp tạm giữ để thay đổi bằng biện pháp Cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Phạm Thanh Hải.

Một ngày sau, ngày 28.10.2015 Cơ quan CSĐT – Công an TP Hà Nội nhận được đơn tố cáo của bà Lê Thị Hằng đối với Phạm Thanh Hải. Bà Lê Thị Hằng lúc này đang là bị can trong một vụ án khác. Sau đó, Cơ quan CSĐT xác định vụ án Phạm Thanh Hải có dấu hiệu tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Ngày 29.10.2015, Cơ quan CSĐT, Công an TP Hà Nội đã ra Quyết định bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự, Quyết định bổ sung quyết định khởi tố bị can về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản đối với Phạm Thanh Hải. Ngay sau đó, bị can Phạm Thanh Hải bị bắt tạm giam.

Ngày 16 – 21.5.2018, TAND TP Hà Nội đã tiến hành xét xử sơ thẩm vụ án Phạm Thanh Hải.

Huy động hàng nghìn tỷ đồng

Theo bản án sơ thẩm, bị cáo Phạm Thanh Hải (Sn 1966) là Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty IDT. Cơ quan điều tra xác định từ năm 2008, Phạm Thanh Hải bắt đầu tổ chức hoạt động huy động vốn cho cá nhân.  

Các hoạt động giới thiệu, quảng bá để thu hút các nhà đầu tư góp vốn đều được thực hiện với danh nghĩa công ty và tại trụ sở của công ty IDT.


img

Dù tòa sơ thẩm TAND TP Hà Nội tuyên Phạm Thanh Hải có tội, nhưng nhiều nhà đầu tư vẫn không nhận mình là bị hại của vụ án.

Phạm Thanh Hải đã đưa ra các hợp đồng với lãi suất cao hơn rất nhiều lãi suất ngân hàng, cắt lãi ngay khi nộp tiền. Đồng thời, Hải khuyến khích việc mở rộng mạng lưới huy động vốn bằng cách chi từ 2 – 10% tiền thưởng kết nối cho mỗi hợp đồng mới.

Theo xác định của cơ quan điều tra, từ tháng 10.2014 – 10.2015, Phạm Thanh Hải đã huy động được trên 2.700 tỷ đồng từ 2.574 nhà đầu tư (8303 hợp đồng chưa tất toán).

HĐXX sơ thẩm cho rằng sau khi có tiền Phạm Thanh Hải đã sử dụng vào mục đích cá nhân. Cụ thể, sử dụng hơn 157 tỷ đồng với danh nghĩa cá nhân góp vốn vào các công ty khác đến nay chưa phát sinh lợi nhuận gì; tự ý cho vay không lãi suất hơn 114 tỷ đồng đến nay khó có khả năng trả nợ; gửi ngân hàng 133,7 tỷ đồng. Số tiền mất vốn không chứng minh được của các nhà đầu tư góp vốn chưa tất toán là trên 2.200 tỷ đồng.

HĐXX sơ thẩm TAND TP Hà Nội đã tuyên phạt bị cáo Phạm Thanh Hải phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản với mức án tù Chung thân.

Điều kỳ lạ sau phiên tòa sơ thẩm

Sau khi bị cáo Phạm Thanh Hải bị tuyên án Chung thân, nhiều nhà đầu tư được cho là bị hại trong vụ án đã liên tục đi kêu oan cho ông Hải. Họ cho rằng trong vụ án này còn nhiều uẩn khúc cần phải làm rõ.

Bà Trần Thị Thanh Tâm (Đặng Văn Ngữ, Đống Đa, Hà Nội) là một trong những nhà đầu tư không cho rằng mình là bị hại trong vụ án, bà Tâm cho rằng việc góp vốn chỉ là quan hệ dân sự.

“Tôi ký hợp đồng góp vốn với cá nhân ông Hải chứ không phải Công ty IDT, trong đó đã đồng ý ủy quyền cho bên B toàn quyền quản lý số tiền góp vốn đầu tư. Số tiền góp vốn tôi vẫn được trả lãi đầy đủ trước khi ông Hải bị bắt.

Tôi được biết, trước ngày ông Phạm Thanh Hải bị bắt, chưa có ai thắc mắc hay khiếu kiện vì các hợp đồng vẫn chưa đến hạn thanh toán. Cơ quan điều tra cũng từng nhận xét trong công văn ký ngày 28.10.2015 là “đến nay Hải vẫn trả đầy đủ tiền cho khách theo hợp đồng, chưa có khách hàng nào thắc mắc hay khiếu kiện. Vậy sao lại gọi là chiếm đoạt tài sản? ” – bà Tâm nói.

img

Nhiều người cho rằng việc góp vốn với ông Hải chỉ là quan hệ dân sự. Tuy nhiên, HĐXX sơ thẩm lại nhận định rằng hành vi phạm tội của bị cáo Phạm Thanh Hải là đặc biệt nghiêm trọng. 

Hợp đồng góp vốn chưa tất toán được bà Tâm ký với ông Phạm Thanh Hải ngày 23.6.2015. Theo nội dung hợp đồng, ngày 23.12.2015 ông Hải sẽ phải thanh toán một phần góp vốn, ngày 23.3.2016 sẽ thanh toán số tiền góp vốn còn lại. Tuy nhiên, ngày 27.10.2015 ông Phạm Thanh Hải đã bị khởi tố bị can.

Ông Dương Văn Khoa (Sn 1944, Cổ Nhuế 1, Bắc Từ Liêm) – một trong những người đi kêu oan cho bị cáo Phạm Thanh Hải cho rằng đến khi bị bắt, ông Hải chưa mất khả năng thanh toán.

Theo ông Khoa, cơ quan chức năng cũng đã xác định Phạm Thanh Hải đầu tư hơn 114 tỷ đồng, cho vay hàng chục tỷ đồng, hàng trăm tỷ gửi ngân hàng. Theo ông Khoa, các khoản này là có thật, khi ông Hải bị bắt tiền mặt tại Công ty IDT cũng còn hơn 759 triệu đồng.

“Tôi không cho rằng Phạm Thanh Hải mất khả năng thanh toán, các khoản tiền dự trữ vẫn đủ để Hải thanh toán với nhà đầu tư” – ông Khoa cho biết.

Được biết, ngày 27.3 tới đây, TAND Cấp cao tại Hà Nội sẽ đưa ra xét xử phúc thẩm vụ án trên. Cơ quan chức năng, những người tham gia tố tụng sẽ tiếp tục được tranh tụng tại tòa để làm rõ những vấn đề có liên quan đến vụ án.

Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin về vụ án này.

Cơ quan điều tra đã làm việc với toàn bộ 2574 người cho Phạm Thanh Hải vay vốn, nhưng chỉ có 508 người hợp tác. Trước khi mở phiên tòa sơ thẩm có 8 người có đơn đề nghị Tòa buộc bị cáo phải bồi thường số tiền đang chiếm giữ của họ. Nhiều người không hợp tác hoặc không cho mình là người bị hại, không bị Phạm Thanh Hải lừa đảo.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem