Bản lĩnh Thống đốc Lê Minh Hưng

Trần Giang Thứ sáu, ngày 17/11/2017 12:58 PM (GMT+7)
Lần đầu tiên đăng đàn sau 2 năm ngồi ghế nóng, nhưng phiên trả lời chất vấn của Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng đã thể hiện được bản lĩnh của nhà điều hành chính sách tiền tệ và nhận được không ít lần khen của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và đại biểu Quốc hội.
Bình luận 0

Trong phiên trả lời chất vấn sáng nay, ngày 17.11, là người điều hành phiên chất vấn của Thống đốc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã không ít lần khen Thống đốc “câu trả lời của Thống đốc đã rõ” và “nắm vững vấn đề”.

Thống đốc “nắm vững vấn đề”

Trong phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã nhắc Thống đốc trả lời câu hỏi Đại biểu Hoàng Đức Thắng về “tăng trưởng tín dụng sẽ đạt 18% năm nay, hệ thống ngân hàng có an toàn, vốn sẽ đi vào sản xuất kinh doanh?”.

Về câu hỏi này, Thống đốc Lê Minh Hưng đã tỏ ra là một nhà điều hành đầy bản lĩnh. Ông khẳng định: “Về mức tín dụng 21%, đây không phải là chỉ đạo của Chính phủ. Đây cũng không phải là chỉ tiêu bắt buộc mà phụ thuộc vào từng sức khoẻ ngân hàng”.

img

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khen phần trả lời chất vấn của Thống đốc Lê Minh Hưng. (Ảnh: Đàm Duy)

Thống đốc giải thích thêm, NHNN điều hành chính sách tiền tệ căn cứ vào Nghị quyết của Quốc hội và Nghị quyết của Chính phủ theo hướng tăng trưởng tín dụng cuối năm đạt quanh mức 18% để “không gây bất ổn”.

Câu trả lời này của Thống đốc đã được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khen “nắm vững vấn đề”, “làm các đại biểu thoả mãn và đặc biệt các giải pháp điều hành “phù hợp” với diễn biến kinh tế vĩ mô. Đây là nhận xét hiếm đối với các trưởng ngành khi đứng trên bục chất vấn của Quốc hội.

Tinh thần đó rất đáng nể trong cơ chế hiện nay, khi NHNN là cơ quan thuộc Chính phủ, chứ không phải là ngân hàng trung ương, điều hành chính sách độc lập, tách biệt như các quốc gia khác.

Thống đốc chắc cũng đã hiểu những hệ luỵ của tăng trưởng tín dụng quá đà trong những năm trước của người tiền nhiệm đã gây ra hệ luỵ lớn cho nền kinh tế mà đến nay vẫn chưa khắc phục hết (như năm 2007 tăng gần 54%, năm 2009 tăng 36%...).

Khi Bộ trưởng bị nhắc "trả lời vòng vo"

Không chỉ vậy người đứng đầu ngành ngân hàng còn đưa ra những con số, những yêu cầu rõ ràng trong hoạt động cho vay của các ngân hàng.

“Với lĩnh vực cho vay rủi ro như chứng khoán, bất động sản, NHNN đã có giải pháp kiểm soát tín dụng vào bất động sản như nâng hệ số rủi ro, điều chỉnh tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn và chỉ cho vay phân khúc nhà ở xã hội, trung bình, thu nhập thấp...”, Thống đốc Lê Minh Hưng nhấn mạnh.

Ông cũng cho biết, đối với lĩnh vực chứng khoán tỷ trọng hiện nay thấp, giảm mạnh so với 2016. Cụ thể tỷ trọng cho vay hiện khoảng 10.000 tỷ đồng, giảm 40% so với cuối 2016.

“Điều kiện để cho vay chứng khoán là các ngân hàng phải có tỷ lệ nợ xấu dưới 3% mới được cho vay; ngân hàng chỉ được cho vay đầu tư chứng khoán giới hạn 5% vốn điều lệ... Quan diểm NHNN rõ ràng, chặt chẽ. Với các quy định này chúng tôi tin tưởng đủ chặt để kiểm soát rủi ro”, Thống đốc Lê Minh Hưng khẳng định.

Với câu trả lời này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã khen “câu trả lời của Thống đốc đã rõ”.

Trước đó, sáng ngày 16.11, trong phiên trả lời chất vấn, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng liên tục bị Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân “nhắc nhở” vì những câu trả lời vòng vo, không đúng trọng tâm.

Khi đại biểu Quốc hội chất vấn về nợ công, nợ thuế, quản lý hoá đơn thuế, chuyển giá thì Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng trả lời vòng vo. Chỉ sau một vài phút trả lời chất vấn, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đã bị Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhắc nhở vì những câu trả lời không đúng trọng tâm của mình.

Ngay khi trả lời về hiệu quả kiểm tra chuyên ngành của đại biểu Nguyễn Tạo, đoàn Lâm Đồng, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đã bị Chủ tịch Quốc hội ngắt lời và đặt câu hỏi: “Với những nỗ lực của ngành tài chính thì có hoàn thành kế hoạch giảm thủ tục kiểm tra chuyên ngành năm nay?”

Hay như câu trả lời về nợ đọng thuế của Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đã bị Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tiếp tục nhắc lại câu hỏi của đại biểu không phải về khoán thuế mà là hỏi về câu chuyện giải pháp để xử lý thất thu thuế, ngân sách.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng đã bị chính đại biểu Quốc hội chất vấn về việc nợ đọng thuế không phải của doanh nghiệp. Nói như vậy làm giảm uy tín của doanh nghiệp Việt Nam, vì thực tế có rất nhiều doanh nghiệp đóng thuế đầy đủ. Bộ trưởng cần phải có thống kê rõ ràng để doanh nghiệp đóng thuế đầy đủ không bị hiểu lầm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem