Ngân hàng điêu đứng vì khoản thua lỗ nghìn tỷ của “ông lớn”

Trần Giang Thứ hai, ngày 26/09/2016 11:46 AM (GMT+7)
Dù chỉ một vài “ông lớn” Nhà nước là tập đoàn, tổng công ty công bố báo cáo tài chính, nhưng đã hé mở một phần bức tranh tín dụng của các ngân hàng, trong đó có những khoản nợ vay khó trả do nhiều dự án, khoản đầu tư thua lỗ nghìn tỷ...
Bình luận 0

Theo số liệu mới nhất của NHNN, tại thời điểm cuối tháng 6.2016, dư nợ tín dụng với toàn bộ nền kinh tế ở mức 5,037 triệu tỷ đồng, tăng 8,21% so với cuối năm trước và tỷ lệ nợ xấu cùng thời điểm là 2,58% trên tổng dư nợ.

Theo tính toán, tỷ lệ nợ xấu này tương đương con số tuyệt đối là xấp xỉ 130.000 tỷ đồng. Còn theo báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2016 của 13 ngân hàng cho thấy quy mô của nợ xấu lại tăng thêm 10.729 tỷ đồng, từ 40.284 tỷ đồng lên 51.013 tỷ đồng.

6 DNNN nợ ngân hàng 422.466 tỷ đồng

Ví như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN). Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2015 cho thấy PVN có 102.000 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng, trong đó có khoảng 25.273 tỷ đồng tiền mặt không kỳ hạn, 76.343 tỷ đồng là các khoản tiền gửi ngắn hạn hoặc khoản tương đương tiền của PVN có thời hạn thu hồi gốc kỳ hạn 3 tháng tại các NHTM.  Nhờ khoản tiền khổng lồ gửi ngân hàng mà năm 2015, lãi tiền gửi, tiền cho vay của PVN lên tới gần 7.000 tỷ đồng.

imgTỷ lệ nợ xấu của 13 ngân hàng 6 tháng đầu năm 2016

Dù vậy, PVN cũng là DNNN có vay nợ khủng. Tính đến thời điểm cuối năm 2015, PVN có tổng cộng 319.304 tỷ đồng nợ phải trả, riêng tổng vay, nợ thuê tài chính ngắn hạn và vay, nợ thuê tài chính dài hạn của PVN lên tới 183.842 tỷ đồng, chiếm 65,4% vốn góp chủ sở hữu. Đây là con số ấn tượng.

Trong năm 2015, chi phí trả lãi vay của PVN là 16.891 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với năm 2014 (8.316 tỷ đồng). Như vậy, bình quân mỗi ngày, ông lớn ngành dầu khí phải trả gần 23 tỷ đồng tiền lãi.

Báo cáo tài chính năm 2015 của Tập đoàn hoá chất Việt Nam (Vinachem) cũng cho thấy tổng nợ vay ngân hàng là 31.812 tỷ đồng, trong đó, vay nợ ngắn hạn là 11.825 tỷ đồng, vay nợ dài hạn là 19.987 tỷ đồng.

Tuy nhiên, đến cuối quý II.2016, nợ phải trả của Vinachem lên tới 38.807 tỷ đồng, tương đương 65,9% tổng tài sản tại cùng thời điểm.

Báo cáo tài chính năm 2015 của cũng cho thấy Công ty TNHH MTV Tổng công ty lương thực Miền Nam (Vinafood 2) đang vay ngân hàng 5.246 tỷ đồng. Ngoài ra, Vinafood 2 còn có khoản phải trả liên quan đến hàng viện trợ Chính phủ là 575 tỷ đồng. Đây là khoản liên quan đến hàng viên trợ cho Chính phủ nước ngoài tương ứng 25,6 triệu USD, nguồn này được Chính phủ hỗ trợ.

Trong năm 2015 chi phí tài chính của Vinafood là 701 tỷ đồng, trong đó riêng chi phí lãi vay là 299 tỷ đồng.

Báo cáo tài chính năm 2015 cho thấy Tổng công ty cà phê Việt Nam đang vay ngân hàng khoảng 1.068 tỷ đồng, trong đó vay ngắn hạn là 856 tỷ đồng, vay dài hạn là 212 tỷ đồng.

Báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2016 cho thấy Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) vay ngân hàng 1.333 tỷ đồng, trong đó vay ngắn hạn là 926 tỷ đồng, vay dài hạn là 407 tỷ đồng.

Tổng công ty rượu bia nước giải khát Hà Nội (Habeco) cũng đang vay nợ ngân hàng 1.239 tỷ đồng, tính đến cuối tháng 6.2016. Hay như Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin), tính đến tháng 6.2015 đang nợ phải trả là 63.532 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn là 23.759 tỷ đồng, nợ dài hạn là 39.772 tỷ đồng.

Báo cáo tài chính năm 2015 của Tổng công ty Sông Đà cho thấy vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp là 2.645 tỷ đồng nhưng nợ phải trả lên tới 10.190 tỷ đồng, hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu vượt 3,8 lần.

Hàng chục nghìn tỷ đồng đầu tư thua lỗ

Tuy nhiên, báo cáo tài chính của các DNNN cũng cho thấy rất nhiều khoản đầu tư vào dự án thua lỗ. PVN là DNNN điển hình trong việc đầu tư thua lỗ ngoài ngành. Điển hình như thương vụ đầu tư 800 tỷ đồng vào Ngân hàng TMCP Đại dương (OceanBank). Năm 2015, OceanBank đã bị Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng, điều này đồng nghĩa với khoản đầu tư này bị mất trắng.

Không những vậy, nhiều khoản đầu tư khác của PVN cũng không hiệu quả như việc tập đoàn cùng hai cổ đông khác đã đầu tư 325 triệu USD xây dựng Nhà máy sản xuất xơ sợi Polyester Đình Vũ. Tuy nhiên, đến cuối năm 2015, công ty này đã lỗ 1.255 tỷ đồng, âm vốn chủ sở hữu 504 tỷ đồng. Một trường hợp khác là Công ty Nhiên liệu Sinh học Dầu khí miền Trung có vốn đầu tư 1.887 tỷ đồng, thuộc PVN cũng đã phải tạm ngừng hoạt động do khó khăn...

Đặc biệt, báo cáo kiểm toán tiết lộ Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) đã có công văn gửi Tập đoàn về việc xử lý các dự án dầu khí không hiệu quả năm 2014. Theo PVEP, dự tính các dự án không hiệu quả với chi phí thất thoát có thể lên tới 5.986 tỷ đồng.

imgKhoản đầu tư 800 tỷ đồng của PVN vào OceanBank đã bị mất trắng do ngân hàng này bị mua 0 đồng

Trong đó, chi phí phát triển mỏ là lớn nhất, kế đến chi phí tìm kiếm, thăm dò và chi phí trả trước dài hạn. Ngày 20.1.2016, Văn phòng Chính phủ yêu cầu PVN nhanh chóng quyết toán, đánh giá cụ thể các khoản nợ xấu và báo cáo Thủ tướng quyết định. Đến ngày lập báo cáo, công ty kiểm toán Deloitte cho biết vẫn chưa có phê duyểt cuối cùng.

Hay như Vinachem với khoản đầu tư thua lỗ ở hai dự án nhà máy phân bón là Công ty TNHH MTV Phân đạm và Hoá chất Hà Bắc (Đạm Hà Bắc) và Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình (Đạm Ninh Bình). Báo cáo mới đây cho thấy 2 dự án này đang lỗ hơn 3.863 tỷ đồng và nợ 15.000 tỷ đồng.

Báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2016, cho thấy Sabeco có khoản đầu tư vào Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) là 216 tỷ đồng. Khoản đầu từ này hiện đã thua lỗ và Sabeco đã phải trích lập dự phòng 158 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm.

Ngân hàng thứ hai là Ngân hàng TMCP Đông Á (DongABank) với khoản tiền là 136 tỷ đồng. Khoản đầu tư này cũng khiến Sabeco phải hạch toán lỗ và trích lập tới 111 tỷ đồng. DongABank đã bị NHNN đưa vào diện kiểm soát đặc biệt từ tháng 8.2015.

Hay như năm 2015, Vinafood 2 bị lỗ luỹ kế khoảng 1.062 tỷ đồng. Một trong những nguyên nhân khiến công ty này thua lỗ là do những khoản đầu tư không hiệu quả.

Chẳng hạn, Công ty Lương thực thực phẩm An Giang lỗ 18 tỷ đồng, Bột mỳ Bình Đông lỗ 14 tỷ, Lương thực Đồng Tháp lỗ 53 tỷ đồng, Lương thực Bạc Liêu lỗ 32 tỷ đồng; Lương thực Sóc Trăng lỗ 45 tỷ đồng; Nông sản Thực phẩm Tiền Giang lỗ 24 tỷ đồng; Lương thực Vĩnh Long lỗ 54 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Tô Châu, khi bị lỗ luỹ kế 135 tỷ đồng, âm vốn chủ sở hữu gần 34 tỷ đồng; công ty Lương thực thực phẩm Vĩnh Long lỗ luỹ kế đã lên tới 155 tỷ đồng, nợ ngắn hạn đã vượt tài sản ngắn hạn khoảng 102 tỷ đồng…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem