Quên nỗi sợ hãi, khối ngoại chi gần 38 tỷ gom HPG của tỷ phú Trần Đình Long

Nguyễn Ngân Thứ sáu, ngày 12/10/2018 18:08 PM (GMT+7)
Quên nỗi sợ hãi, càng về cuối phiên giao dịch, dòng tiền đổ vào thị trường càng trở nên mạnh hơn giúp các chỉ số đóng cửa tại vùng giá cao nhất phiên với Vn-Index tăng 24,19 điểm (2,56%) lên 970,08 điểm. Tài sản chứng khoán của tỷ phú Trần Đình Long tăng gần 500 tỷ khi khối ngoại chi 37,47 tỷ đồng gom HPG.
Bình luận 0

VnIndex tăng 24 điểm, khối ngoại chi 300 tỷ gom cổ phiếu

Phiên giao dịch ngày cuối tuần (12.10) khép lại với một diễn biến khá bất ngờ. Càng về cuối phiên giao dịch, dòng tiền đổ vào thị trường càng trở nên mạnh hơn giúp các chỉ số đóng cửa tại vùng giá cao nhất phiên. Cụ thể, Vn-Index tăng 24,19 điểm (2,56%) lên 970,08 điểm; Hnx-Index tăng 2,58 điểm (2,41%) lên 109,76 điểm và Upcom-Index tăng 0,65 điểm (1,24%) lên 52,69 điểm.

Theo đó, số mã tăng điểm áp đảo hoàn toàn với 417 mã, trong khi số mã giảm điểm chỉ là 143, hình ảnh này trái ngược hoàn toàn so với phiên trước khi hàng loạt cổ phiếu giảm sàn la liệt.

img

Thanh khoản toàn thị trường ở mức khá cao với giá trị khớp lệnh đạt 4.800 tỷ đồng. Khối ngoại giao dịch khá tích cực khi mua ròng gần 300 tỷ trên toàn thị trường.

Điểm đáng lưu ý là dòng tiền đổ vào thị trường chứng khoán. Theo đó, VPB là cổ phiếu khối ngoại mua ròng nhiều nhất phiên với 151,6 tỷ đồng và phần lớn là giao dịch thỏa thuận. Xếp tiếp theo trong top mua ròng của khối ngoại lần lượt là VCB (39,39 tỷ đồng), HPG (37,47 tỷ đồng), HBC (28,9 tỷ đồng), STB (27,45 tỷ đồng).

Chốt phiên, giao dịch khối ngoại cũng là điểm nhấn đáng chú ý khi họ đã trở lại mua ròng khá tích cực với giá trị hơn 300 tỷ đồng. Trên HoSE, khối ngoại trở lại mua ròng khá quyết liệt với 11,96 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị 272,93 tỷ đồng.

Cùng với sự tăng điểm là biến động về tài sản chứng khoán của các tỷ phú Việt Nam. Theo đó, bộ ba “cổ phiếu họ Vin” là cổ phiếu VIC của tỷ phú Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup, tăng 3000 đồng lên 96.000 đồng/cổ phiếu, thanh khoản đạt gần 1,7 triệu đơn vị. Tuy nhiên, khối ngoại vẫn bán ròng ở VIC hơn 100 nghìn đơn vị. Cổ phiếu VRE tăng 0,65 điểm lên 38.050 đồng/cổ phiếu và cổ phiếu VHM tăng 0,5 điểm lên 77.000 đồng/cổ phiếu. Nhờ vậy, tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã tăng thêm khoảng 5.600 tỷ đồng.

Trong khi đó, VJC (Vietjet Air) của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo lại có mức tăng khá khiêm tốn sau chuỗi ngày lao dốc. Kết phiên, VJC chỉ tăng được 200 đồng lên 141.000 đồng/cổ phiếu. Tài sản của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo tăng lên không đáng kể.

Cú hích từ người tiên phong, khối ngoại gom mạnh HPG

Đáng chú ý là cổ phiếu HPG hôm nay trở thành tâm điểm của nhà đầu tư nước ngoài khi chi 37,47 tỷ đồng để gom cổ phiếu của tỷ phú Trần Đình Long. Theo đó, cổ phiếu HPG của tỷ phú Trần Đình Long cũng hồi phục được 900 đồng lên 40.800 đồng/cổ phiếu. Tài sản chứng khoán của tỷ phú Trần Đình Long tăng lên 480 tỷ đồng.

img

Khối ngoại chi 37,47 tỷ đồng gom cổ phiếu HPG của tỷ phú Trần Đình Long

Một thông tin tích cực cho cổ phiếu HPG của tỷ phú Trần Đình Long là mới đây, Tập đoàn Hoà Phát vừa đưa ra thị trường những lô xỉ hạt lò cao nghiền mịn S95 đầu tiên. Điều này cho thấy quyết tâm của Hòa Phát trong việc tối ưu hóa công nghệ, biến chất thải phát sinh trong quá trình luyện gang thành sản phẩm vật liệu xây dựng, bảo vệ môi trường, đem lại giá trị gia tăng đáng kể cho chuỗi sản xuất thép của Tập đoàn.

Xỉ hạt lò cao (GBFS - Granulated Blast Furnace Slag) là dạng chất thải rắn, sản phẩm phụ của quá trình sản xuất gang trong lò cao. Quy trình sản xuất xỉ hạt lò cao nghiền mịn không quá phức tạp và khá phổ biến tại nhiều quốc gia phát triển trên thế giới. Sau khi được đưa vào dây chuyền nghiền, xỉ hạt được nghiền mịn đến tỷ diện lớn hơn 5.000 cm2/g, đạt tiêu chuẩn loại S95 theo TCVN 11586:2016, mịn hơn xi măng và trở thành một loại phụ gia khoáng hoạt tính rất tốt cho xi măng, bê tông và vữa.

img

Đầu năm 2018, thực hiện chủ trương chế biến, xử lý sâu tại chỗ và tận dụng nguồn nhiệt dư trong quá trình luyện gang thép, Tập đoàn Hòa Phát của tỷ phú Trần Đình Long đã cải tạo hệ thống tạo xỉ hạt bằng nước lạnh áp lực cao và đầu tư thêm 01 dây chuyền nghiền xỉ hạt lò cao tại Khu liên hợp sản xuất gang thép Hải Dương. Đây là dây chuyền công nghệ nghiền đứng, đồng bộ vào loại hiện đại nhất hiện nay, công suất 115 tấn/h, tương đương 750.000 tấn/năm.

Như vậy, Hòa Phát đã và trở thành doanh nghiệp sản xuất thép đầu tiên của Việt Nam biến chất thải rắn thành sản phẩm vật liệu xây dựng có giá trị kinh tế cao.

Toàn bộ sản phẩm xỉ hạt lò cao nghiền mịn S95 của Thép Hòa Phát đã được các doanh nghiệp sản xuất xi măng, bê tông trong và ngoài nước, các nhà thầu xây dựng, các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội bê tông cọc Việt Nam đăng ký mua hoặc làm nhà phân phối.

Bên cạnh đó, khi Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất hoàn thành và hoạt động hết công suất vào năm 2020, dự kiến tổng lượng xỉ hạt lò cao phát sinh là 2,6 triệu tấn/năm. Với sản lượng này, Tập đoàn Hòa Phát của tỷ phú Trần Đình Long tin tưởng sẽ đáp ứng được đáng kể nhu cầu phụ liệu xi măng cao cấp trên toàn lãnh thổ Việt Nam.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem