Thôi, quên vàng đi!

Trần Giang Thứ ba, ngày 12/07/2016 14:14 PM (GMT+7)
Trao đổi với Dân Việt, nhiều chuyên gia cho rằng, câu chuyện huy động vàng trong dân là một tư duy sai lầm, vì đây là tài sản của người dân và họ có quyền sử dụng tài sản đó theo cách của họ.
Bình luận 0

“Chẳng có nước nào trên thế giới huy động vàng trong dân cả. Vàng là tài sản của dân sao lại bảo họ bỏ ra cho người khác sử dụng. Lại còn có ý tưởng “vàng giấy” (chứng chỉ vàng) có giá trị thanh toán như đồng tiền do NHNN phát hành nữa chứ. Nếu cầm chứng chỉ vàng đi thanh toán, mua nhà, giao dịch bất động sản thì có khác gì một loại tiền mới, tương đương với tiền đồng do NHNN phát hành”, một chuyên gia kinh tế bình luận.

Hãy để dân tự quyết định tài sản của mình

Theo vị chuyên gia này, Chính phủ chỉ giao cho NHNN nghiên cứu phương án, điều đó có thể hiểu nghiên cứu khả thi thì làm, còn thấy không khả thi, rủi ro thì không huy động nữa.

“Thôi, quên vàng đi. Đây là tài sản của người dân, tại sao mình lại huy động mà không để họ tự bỏ ra kinh doanh? Muốn thu hút được nguồn vốn này, việc cần làm là cải thiện môi trường kinh doanh, thủ tục hành chính, khuyến khích khối doanh nghiệp tư nhân… Nếu người dân thấy môi trường lành mạnh, thông thoáng, họ tự khắc sẽ đem khoản tích trữ này ra lưu thông trong nền kinh tế”, vị này phân tích.

imgHuy động vàng trong dân là một tư duy sai lầm

Vị chuyên gia này cho biết, việc huy động vàng trong dân là ý tưởng của một nhóm lợi ích, họ muốn khởi động lại vàng, kinh doanh vàng nên mới vậy. Việc huy động vàng trong dân có thể làm cho thị trường vàng trong nước biến động mạnh.

TS. Trần Hoàng Ngân, Giám đốc Học viện cán bộ TP.HCM, cũng cho rằng việc tái khởi động huy động vàng có thể kích thích tâm lý găm giữ vàng, tác động không ít đến tỷ giá và không có lợi cho nền kinh tế lẫn người dân bởi giá vàng biến động khó lường.

Ông Ngân phân tích, thời gian qua, vàng cũng luôn gây áp lực lên việc điều hành tỷ giá, quỹ dự trữ ngoại hối thâm hụt khi hàng tỉ USD mỗi năm thường xuyên bị chảy ra nước ngoài để nhập vàng. Nhưng rủi ro lớn nhất nằm ở sự biến động dữ dội của giá vàng trước các "cơn sóng ngầm" từ thế giới.

“Giả sử lúc đó NHNN vay vàng của dân, liệu rằng có thể đảm bảo chắc chắn sẽ mua đủ vàng để trả? Hoặc quỹ dự trữ ngoại hối sẽ bị thâm thủng bao nhiêu khi mỗi lượng vàng đã vay bị đội lên gần 3 triệu đồng/lượng?”, ông Ngân đặt dấu hỏi.

Biểu hiện của niềm tin với nền kinh tế

Viêc ý tưởng huy động vàng chúng ta nên hiểu giống như phát hành trái phiếu huy động bằng vàng thay vì bằng đồng hay ngoại tệ, đây là ý tưởng tuyệt vời. 

Để ý tưởng này khả thi, Chính phủ cần đứng ở vai trò bên cần huy động vốn cần chuẩn bị tài liệu giống như huy động trái phiếu quốc tế để người dân nghiên cứu với vai trò là nhà đầu tư. Khi người dân thấy phương án khả thi, đầu tư vào trái phiếu vàng của chính phủ là an toàn, hiệu quả, và nếu trái phiếu này niêm yết để tăng tính thanh khoản thì thậm chí sẽ xếp hàng đầu tư. Các tổ chức tài chính trong và ngoài nước sẵn sàng hợp tác để bảo lãnh cho việc phát hành này.

(Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT Công ty chứng khoán Sài Gòn (SSI)

Đồng tình quan điểm, TS. Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), cho rằng việc huy động vàng trong dân chỉ làm hỗn loạn thị trường vàng. “Vàng của dân thì để dân giữ, sao lại nghĩ đến việc huy động. Nên hiểu đó là tài sản của họ và không nên quan tâm. Đã gọi là tài sản cá nhân thì họ có quyền quyết định việc sử dụng tài sản đó thế nào”, ông Thành bình luận.

Theo ông Thành, đề xuất huy động vàng trong dân là một tư duy sai lầm. Đề xuất trên không khác nào đang bác bỏ hoàn toàn mọi công sức, nỗ lực "loại vàng và ngoại tệ ra khỏi hệ thống tín dụng" của NHNN trong suốt 25 năm qua.

“Đến bao giờ người ta mới thôi tư duy "huy động" vàng trong dân? Đây là tư duy sai lầm dai dẳng và khó sửa nhất. Tư duy đã sai lầm thì mọi phương án chỉ càng làm tình hình rối loạn. Không hiểu sao cái tư duy "huy động" vàng trong dân nó lại có thể tồn tại được và lại còn tồn tại dai dẳng nữa”, ông Thành băn khoăn.

Về vấn đề huy động vàng trong dân bằng cách phát hành chứng chỉ vàng, TS. Quách Mạnh Hào, chuyên gia kinh tế, cho biết chứng chỉ vàng là cái không lạ với thế giới và người dân tự nguyện nhận tờ giấy đó vì họ tin rằng khi cần họ sẽ đổi được vàng thật.

“Phải có niềm tin thực sự vào ngân hàng, vào nền kinh tế họ mới dám làm thế. Lựa chọn giữ vàng thật hay giấy là thể hiện niềm tin. Và khi có 500 tấn vàng trong dân, điều này cũng có nghĩa là dân họ không đặt nhiều niềm tin vào ngân hàng, nền kinh tế”, ông Hào bình luận.

Theo ông Hào, 500 tấn vàng trong dân không phải là nguồn vốn phát triển kinh tế, mà là biểu hiện của “quả bom” niềm tin đang âm ỉ.

“Như vậy, thông tin về vàng giấy - vàng thật thực ra là rất hữu ích để chúng ta hiểu về thực trạng kinh tế xã hội hiện tại", ông Hào bình luận.

Tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chủ trì nghiên cứu, xem xét và báo cáo Chính phủ về vấn đề huy động được nguồn lực trong dân (gồm cả vàng và tiền), tạo nguồn vốn phục vụ tăng tưởng kinh tế.

Đề xuất huy động vàng trong dân xuất phát từ ý tưởng của Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam. Theo Hiệp hội kinh doanh vàng, hiện có khoảng 500 tấn vàng đang được cất giữ trong dân chưa được đưa vào lưu thông. Nếu huy động được nguồn lực này, Chính phủ và doanh nghiệp (DN) sẽ có thêm nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem