Tiền mặt của 10 “ông lớn” đủ mua đứt Vinamilk của bà Mai Kiều Liên

Huyền Anh Thứ hai, ngày 17/02/2020 08:48 AM (GMT+7)
Tổng lượng tiền mặt của 10 “ông vua” tiền mặt hiện lên tới trên 186.203 tỷ đồng, tăng 28,5% so với năm 2018. Tuy nhiên, vị trí của các “vua tiền” đã có nhiều xáo trộn trong năm 2019 khi ACV “vượt mặt” GAS trở thành “quán quân” và NVL của ông Bùi Thành Nhơn “rớt” khỏi TOP 10 khi lượng tiền các loại “bốc hơi” 44,2% sau 1 năm.
Bình luận 0

Thống kê từ Báo cáo tài chính của các doanh nghiệp đang niêm yết (chưa bao gồm nhóm tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, vốn là những ngành nghề đặc thù “kinh doanh tiền” có số dư tiền và dòng tiền luân chuyển cao) đến cuối năm 2019 cho thấy, tổng lượng tiền mặt của 10 “ông vua” tiền mặt trên thị trường chứng khoán lên tới trên 186.203 tỷ đồng, tăng 28% so với năm 2018.

10 đại gia tiền mặt đã lộ diện, bao gồm GAS, ACV, VIC, PLX, MSN, SAB, GVR, VNM, VEA và FPT. Tuy nhiên ngôi vị “vua tiền” đã có sự xáo trộn so với năm 2018.

Theo đó, sau 4 năm giữ ngôi vị quán quân về tiền mặt trên sàn chứng khoán (từ năm 2016 đến năm 2019), Tổng công ty Khí Việt Nam (GAS) năm nay tụt một bậc trong bảng xếp hạng “vua tiền” khi lượng tiền các loại của GAS ghi nhận ở mức 29.391 tỷ đồng. Con số này tăng gần 1.100 tỷ đồng so với cuối năm 2018, chiếm tới 47,2% quy mô tổng tài sản của doanh nghiệp. Cùng kỳ năm ngoái, tỷ lệ này chỉ ở mức 45,2%.

Thay vào đó, Tổng công ty cổ phần Cảng hàng không (ACV) với 31.271 tỷ đồng, “vượt mặt” GAS và trở thành “vua tiền” trên sàn chứng khoán tính đến cuối năm 2019. Nếu so với cùng kỳ năm trước, lượng tiền các loại của ACV tăng hơn 6.900 tỷ đồng, tương đương với mức tăng trưởng lên tới 28% so với cuối năm 2018. Trong đó chỉ có gần 350 tỷ đồng là tiền gửi không kỳ hạn và gần 31.000 tỷ đồng là tiền gửi có kỳ hạn. Với số tiền đem gửi trong “ngân hàng”, AVC thu được về cho mình xấp xỉ 1.796 tỷ đồng, tăng gần 500 tỷ so với lãi tiền gửi trong năm 2018.

img

Vị trí thứ ba thuộc về Tập đoàn Vingroup (VIC) của tỷ phú Phạm Nhật Vượng với gần 29.000 tỷ đồng, tăng tới 86% so với cuối năm 2018. Tuy nhiên, nếu so với tổng tài sản, lượng “tiền mặt” của VIC chỉ chiếm khoảng 7% tổng tài sản của doanh nghiệp. Do đặc thù ngành, VIC ưu tiên nắm giữ tiền và các khoản tương đương tiền nhiều hơn với 18.489 tỷ đồng, trong khi đó khoản đầu tư tài chính ngắn hạn là hơn 10.400 tỷ.

Do tính chất trọng yếu của ngành dầu khí, doanh nghiệp lớn nhất ngành xăng dầu Petrolimex (mã ck: PLX) cũng có trong tay 16.676 tỷ đồng tiền mặt. Dù tăng tới 1.741 tỷ do với cuối năm 2018 và vẫn nằm trong TOP 5 “vua tiền mặt”, song Petrolimex đã tụt 1 bậc trong danh sách này, nhường chỗ cho Tổng công ty máy động lực và nông nghiệp Việt Nam (VEAM – Mã ck: VEA).

Tính đến cuối năm 2019, Tổng công ty máy động lực và nông nghiệp Việt Nam có tới 5.577 tỷ đồng tiền và các khoản tương đương; 11.265 tỷ đồng đầu tư tài chính ngắn hạn. Tổng cộng, VEA nắm giữ tới 16.842 tỷ đồng lượng tiền các loại, đứng sau VIC trong TOP những “ông vua” tiền mặt.

Đứng vị tiếp theo trong bảng danh sách những “ông vua” tiềm mặt phải kể cái tên quen khác là Tổng công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn Sabeco.

Đáng nói, lượng tiền mặt của Sabeco (SAB) liên tiếp gia tăng sau khi về tay ông chủ người Thái. Cụ thể, tính đến thời điểm tháng 12/2019, Sabeco có tới 16.509 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số 12.000 ghi nhận cuối năm 2018 và chiếm tới 60% tổng tài sản. Trước đó, ở thời điểm cuối năm 2017, Sabeco có lượng tiền 10.827 tỷ đồng.

Với số tiền rất lớn đem gửi ngân hàng, Sabeco ghi nhận doanh thu tài chính ở mức 890 tỷ đồng, trong đó, lãi tiền gửi, tiền cho vay chiếm 855 tỷ đồng.

Ba vị trí tiếp theo trong danh sách có lượng tiền mặt trên 10.000 tỷ đồng lần lượt là CTCP Sữa Vinamilk (VNM) với 15.101 tỷ đồng; Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (GVR) với 13.683 tỷ đồng, và CTCP FPT (FPT) với 10.236 tỷ đồng và HVN của Vietnam Airlines với 8.901 tỷ đồng.

Cuối năm 2018, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (GVR) nắm giữ 10.634 tỷ đồng, CTCP Sữa Vinamilk (VNM) với 10.196 tỷ đồng, và CTCP FPT (FPT) nắm 9.495 tỷ đồng.

img

Tập đoàn địa ốc Novaland (NVL) của ông Bùi Thành Nhơn ghi nhận 6.932 tỷ đồng tiền mặt. So với năm 2018, lượng tiền các loại của VNL đã “bốc hơi” tới trên 44% trong vòng 1 năm. Trong đó, tiền và các khoản tương đương giảm gần 1 nửa từ mức 12.327 tỷ đồng xuống chỉ còn 6.513 tỷ đồng. Chính vì vậy, NVL của ông Bùi Thành Nhơn đã không thể giữ được vị trí trong TOP 5 “vua tiền” của năm 2018 và rời khỏi TOP 10 “vua” tiền mặt năm 2019. Thậm chí, Novaland (NVL) của ông Bùi Thành Nhơn còn là quán quân về tiền mặt trong năm 2015 với số lượng tiền các loại lên tới trên 41.000 tỷ đồng, gấp 1,7 lần số tiền mà doanh nghiệp “á quân” là GAS có được tại thời điểm đó.

Một gương mặt mới trong bảng xếp hạng “vua” tiền mặt năm 2019 là CTCP Tập đoàn Masan (HOSE: MSN) với 7.585 tỷ đồng – đứng cuối bảng xếp hạng.

Như vậy, nếu tính theo vốn hóa hiện tại, thì lượng tiền của 10 “vua tiền” mua đứt một số doanh nghiệp lớn như CTCP Sữa Việt Nam (HOSE: VNM) của bà Mai Kiều Liên (185.631 tỷ đồng), Tổng Công ty Khí Việt Nam - CTCP (HOSE: GAS) vốn hóa 169.385 tỷ đồng và Tổng Công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn với 121.715 tỷ đồng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem