Vina Kyoei, Pomina trước nỗi lo giảm lợi nhuận vì “vua thép” Trần Đình Long

Nguyên Phương Thứ sáu, ngày 06/12/2019 06:30 AM (GMT+7)
Giai đoạn I của dự án Khu liên hợp gang thép Hoà Phát Dung Quất dự kiến hoạt động hoàn toàn từ đầu năm 2020, có thể giúp Hoà Phát của ông Trần Đình Long tăng gấp đôi công suất thép dài. Song đồng thời cũng có thể gây ra tình trạng dư cung ngắn hạn và tranh giành thị phần, gây tổn hại lợi nhuận của các doanh nghiệp như Vina Kyoei, Pomina...
Bình luận 0

img

Ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Hoà Phát. 

Khu liên hợp gang thép Hoà Phát Dung Quất sẽ thay đổi cuộc chơi thép dài?

Những hệ luỵ từ tình trạng dư cung và sự biến động mạnh mẽ của giá nguyên liệu đầu vào đã khiến các doanh nghiệp ngành thép trải qua năm 2019 với kết quả kinh doanh thiếu tích cực. Và Công ty CP Tập đoàn Hoà Phát dưới sự điều hành của ông Trần Đình Long cũng không phải ngoại lệ.

Song khá may mắn là sau hai tháng 9 và 10 ghi nhận sản lượng tiêu thụ thép xây dựng sụt giảm so với các tháng cùng kỳ năm 2018, bước sang tháng 11/2019, doanh nghiệp của “vua thép” Trần Đình Long dần cho thấy dấu hiệu hồi phục khi tiêu thụ tới 300.000 tấn thép xây dựng, tăng 41% so với sản lượng tháng 10/2019 và 36% so với tháng 11/2018. Đồng thời, đây cũng là con số tiêu thụ thép xây dựng kỷ lục trong vòng một tháng của Hòa Phát tính từ khi thành lập tới nay.

Để đạt được con số này, theo lãnh đạo thép Hòa Phát, nguyên nhân chính do hoạt động thi công xây dựng dự án cuối năm bước vào giai đoạn cao điểm với nhu cầu khu vực dân dụng tăng đã giúp đẩy mạnh sản lượng bán hàng cuối năm, nhất là tại khu vực phía Nam.

Mặt khác, việc giá bán thép xây dựng trên thị trường thời gian qua tăng nhẹ cũng kích thích các đại lý lấy hàng nhiều hơn để phục vụ khách hàng.

Từ những con số đã nêu, có thể dựa báo sản lượng thép xây dựng cả năm 2019 của Tập đoàn Hoà Phát sẽ ở mức trên 2,7 triệu tấn, giúp doanh nghiệp đạt, thậm chí vượt chỉ tiêu kinh doanh được ĐHĐCĐ năm 2019 biểu quyết thông qua. Giờ có lẽ là lúc ông Trần Đình Long và các cộng sự của mình hướng tới năm 2020.

img

Hoà Phát cung cấp cho thị trường 300.000 tấn thép xây dựng trong tháng 11/2019.

Về giá bán, để chuẩn bị cho việc triển khai công suất từ dự án Khu liên hợp gang thép Hoà Phát Dung Quất, Hoà Phát đã tiến hành giảm giá thép xây dựng khoảng 10,8% sau 11 tháng của năm 2019, nhanh hơn so với các doanh nghiệp cùng ngành và đang chiếm một tỷ trọng thị phần nhất định ở khu vực phía Nam như Pomina hay VinaKyoei. Dự báo, Hoà Phát sẽ tiếp tục duy trì mức giá này trong thời gian tới để giành thêm thị phần, đặc biệt là ở khu vực miền Trung và miền Nam.

Về bối cảnh chung, khi tăng trưởng tiêu thụ thép dài của Việt Nam ước tính sẽ giảm xuống mức 5,5% trong năm 2019, thấp hơn rất nhiều so với mức 11,4% và 10,2% trong hai năm 2017 và 2018. Đồng thời, sẽ tiếp tục duy trì mức tăng trưởng 5,5% trong năm 2020. Việc Giai đoạn I của dự án Khu liên hợp gang thép Hoà Phát Dung Quất dự kiến hoạt động hoàn toàn từ đầu năm 2020, giúp tăng gấp đôi công suất thép dài của Hòa Phát lên 4,35 triệu tấn/năm đã dấy lên một số lo ngại.

Theo Công ty chứng khoán KIS, dựa trên nhu cầu thị trường, công suất tăng thêm của Hoà Phát tương đương với 18% tổng mức tiêu thụ của thị trường. Từ đó, gây ra tình trạng dư cung ngắn hạn. Và sẽ có một cuộc chiến ngắn hạn để giành thị phần, làm tổn hại lợi nhuận của các nhà sản xuất địa phương.

KIS cũng ước tính, doanh nghiệp của ông Trần Đình Long sẽ cung cấp 3,88 triệu tấn thép dài vào năm 2020, tăng 1,13 triệu tấn so với năm 2019, dẫn đến thị phần sẽ vươn lên 35% từ mức 25% hiện tại.

img

Hoà Phát mới chỉ chiếm 25% thị phần thép dài tại Việt Nam.

Về chính sách, Hoà Phát và một số doanh nghiệp thép Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục hưởng lợi khi Chính phủ đang áp dụng thuế tự vệ đối với phôi thép nhập khẩu và thép dài từ tháng 3/2016 đến tháng 3/2020.

Điều này khiến thép Trung Quốc mất lợi thế về giá so với các công ty thép trong nước. Các năm 2016, 2017, 2018 và thậm chí 10 tháng đầu năm 2019 đã ghi nhận sự sụt giảm đáng kể của nhập khẩu thép Trung Quốc.

Sau khi nhận được yêu cầu từ Hòa Phát và Vinasteel - 2 trong số 4 nguyên đơn trong cuộc điều tra thuế tự vệ trước đó, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 2605/QĐ-BCT để điều tra xem có nên gia hạn hay không thuế tự vệ hiện tại. Trong bối cảnh gia tăng chủ nghĩa bảo hộ toàn cầu và thực tế là Bộ KHĐT đã tích cực thúc đẩy các hoạt động để bảo vệ các nhà sản xuất địa phương trong năm 2019, khả năng cao chính sách thuế quan này sẽ được gia hạn sau tháng 3/2020.

img

Lộ trình áp thuế tự vệ với sản phẩm thép Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam.

Trong trường hợp xấu nhất, nếu thuế tự vệ không được áp dụng, Công ty Chứng khoán KIS ước tính rằng áp lực từ nhập khẩu thép của Trung Quốc sẽ không còn cao như trước năm 2016. Việc thu hẹp hàng tồn kho của Trung Quốc và thu hẹp chênh lệch giá giữa thép Trung Quốc và Việt Nam sẽ không khuyến khích các nhà sản xuất Trung Quốc xuất khẩu sang Việt Nam.

Chờ cuộc cạnh tranh giữa “vua tôn” Lê Phước Vũ và “vua thép” Trần Đình Long

Năm 2020, Hòa Phát dự kiến sẽ chính thức tham gia thị trường thép tấm bằng cách đưa nhà máy tôn mạ tại tỉnh Hưng Yên với công suất thiết kế 400.000 tấn - tương đương 10% lượng tiêu thụ trên thị trường đi vào hoạt động.

Tín hiệu này dẫn tới chỉ báo sẽ làm tăng thêm tình hình dư cung trên thị trường hiện nay khi Hòa Phát nhiều khả năng sẽ theo đuổi mục tiêu thị phần thay vì mục tiêu lợi nhuận cho dự án tôn mạ Hưng Yên như cách họ lên kế hoạch cho dự án thép dài Dung Quất.

img

Tập đoàn Hoa Sen của “vua tôn” Lê Phước Vũ sẽ là đối thủ cạnh tranh với Hoà Phát trên thị trường tôn mạ.

Đối thủ cạnh tranh trực tiếp của Hòa Phát sẽ là Tập đoàn Hoa Sen của “vua tôn” Lê Phước Vũ, một trong số ít các nhà sản xuất tôn mạ có nhà máy ở miền Bắc.

Lợi thế chính của Hòa Phát sẽ chỉ xuất hiện khi giai đoạn thứ hai của dự án Khu liên hợp gang thép Hoà Phát Dung Quất hoàn thành trong nửa cuối 2020. Đó là khả năng cung cấp 2 triệu tấn thép HRC mỗi năm và hoàn thành chuỗi giá trị đầy đủ của phân khúc thép dẹt.

Hiện tại, nhà sản xuất thép HRC nội địa duy nhất là Formosa Hà Tĩnh đã cung cấp 3,44 triệu tấn cho thị trường, trong đó xuất khẩu 18%. Do nhu cầu HRC của thị trường trong nước khá lớn, nhưng lượng sản xuất trong nước không đủ nên Việt Nam đã phải nhập khẩu khoảng 10 triệu tấn thép HRC trong năm 2018, chiếm gần 60% tổng lượng nhập khẩu.

Do chỉ phải cạnh tranh với hàng nhập khẩu, đà tăng trưởng của Formosa Hà Tĩnh được dự đoán sẽ kéo dài cho đến khi Hòa Phát gia nhập phân khúc.

Tuy nhiên, thép HRC cũng là một sản phẩm hoàn toàn mới của Hòa Phát. Nếu phát sinh sự cố trong giai đoạn vận hành giai đoạn hai của dự án Dung Quất sẽ khiến cho giai đoạn chạy thử kéo dài hơn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem