“Vua cá tra” Hùng Vương liên tục dính... "lỗi đánh máy"?

Quốc Hải Thứ sáu, ngày 19/01/2018 15:42 PM (GMT+7)
Liên tục có những “sai số” nghiêm trọng trong các báo cáo tài chính tự lập của "Vua cá tra" Thủy sản Hùng Vương (mã chứng khoán HVG) so với báo cáo tài chính sau kiểm toán, khiến nhiều nhà đầu tư “lao đao” theo đà rơi thẳng đứng của giá cổ phiếu.
Bình luận 0

Sau sự kiện hơn 1.000 tỷ đồng hàng tồn kho biến mất trên báo cáo tài chính (BCTC) của Công ty CP Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (mã chứng khoán TTF) bị phát hiện tháng 2.2016, nhiều công ty niêm yết khác bị phát hiện có vấn đề về BCTC. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, cái tên được nhà đầu tư “cảnh giác” lại là Thủy sản Hùng Vương.

img

Nhà đầu tư bị hố nặng vì BCTC tự lập của Hùng Vương liên tục "chênh" với BCTC sau kiểm toán (Ảnh: IT)

Liên tục “từ lãi nhẹ sang lỗ nặng”

Mới đây, ngày 13.1, HVG bất ngờ công bố BCTC đã kiểm toán với số lỗ bất ngờ tăng thêm 642 tỷ đồng so với BCTC mà doanh nghiệp này tự lập trước đó không lâu. Theo BCTC đã được kiểm toán, chi phí quản lý doanh nghiệp của HVG tăng thêm hơn 500 tỷ đồng, lên 756 tỷ đồng (gấp 2,8 lần so với năm 2016), chủ yếu đến từ dự phòng nợ phải thu khó đòi hơn 566 tỷ đồng (năm 2016 chỉ 70,5 tỷ đồng).

Kết quả, sau kiểm toán, HVG lỗ 705 tỷ đồng, chênh lệch tới 642 tỷ đồng so với báo cáo tự lập là lỗ 63 tỷ đồng. Thông tin này như “gáo nước lạnh” giội vào nhà đầu tư và khiến giá trị cổ phiếu HVG lập tức lao dốc.

Chưa dừng lại ở đó, đến ngày 17.1, Công ty CP Xuất nhập khẩu Thủy sản An Giang - một “đứa con” của HVG (HVG nắm 79,58% vốn) - sau kiểm toán cũng bất ngờ lỗ ròng 187 tỷ đồng, chênh lệch đến 191 tỷ đồng so với con số lãi 4 tỷ đồng mà BCTC doanh nghiệp này tự lập.

Cụ thể, doanh thu bán hàng của Agifish giảm mạnh đến 31% so với với cùng kỳ năm trước, chỉ đạt 2.274 tỷ đồng và giảm 178 tỷ đồng so với con số doanh thu BCTC tự lập trước đó là 2.452 tỷ đồng. Theo đó, lãi gộp thu được chỉ còn 89 tỷ đồng so với 225 tỷ đồng thực hiện cùng kỳ năm trước, và giảm 110 tỷ đồng so với con số tự lập 199 tỷ đồng trước đó.

Giá vốn hàng bán giảm khoảng 69 tỷ đồng so với con số BCTC tự lập, trong khi đó công ty vẫn phải tốn một khoản chi phí 72 tỷ đồng, cùng với chi phí bán hàng 123 tỷ đồng. Đặc biệt, chi phí quản lý lên đến 103 tỷ đồng (tăng 82 tỷ đồng so với con số tự lập) khiến công ty chịu lỗ ròng đến 187 tỷ đồng.

img

Cổ phiếu HVG liên tục đỏ sàn

Đáng chú ý, khoản lỗ ròng 187 tỷ đồng BCTC sau kiểm toán này của Agifish chênh lệch lên đến 191 tỷ đồng so với con số lãi 4 tỷ đồng mà BCTC doanh nghiệp tự lập.

Kết quả kinh doanh của Agifish sau kiểm toán và của chính HVG khiến nhà đầu tư bất ngờ và một lần nữa đặt câu hỏi về trình độ kế toán của các DN trực thuộc Tập đoàn Thủy sản Hùng Vương. Bởi câu chuyện chênh lệch số liệu lớn sau kiểm toán không phải là lạ với HVG. Còn nhớ, năm 2016, BCTC kiểm toán của HVG cũng bị điều chỉnh giảm hơn 2.000 tỷ đồng doanh thu; lợi nhuận thuộc công ty mẹ âm 49,3 tỷ đồng, giảm mạnh so với con số 309 tỷ đồng trong BCTC doanh nghiệp tự lập.

Trong báo cáo bán niên năm 2017, HVG lỗ gần 173 tỷ đồng so với số lỗ 31 tỷ đồng ở BCTC tự lập của doanh nghiệp này.

"Mắc kẹt" với cổ phiếu HVG

HVG không Fairplay?

“Nếu HVG thực hiện công bố báo cáo kiểm toán trước, sau đó là thông tin về các vấn đề như nợ vay sẽ được thanh toán, tình hình hàng tồn kho, xu thế thị trường, kế hoạch thoái vốn, bán vốn cho nhà đầu tư chiến lược... thì có lẽ đà rơi của cổ phiếu sẽ không xảy ra mạnh như vậy và nhà đầu tư cũng cân nhắc trước khi đầu tư vào HVG...”, anh Nguyễn Vân Long, một nhà đầu tư chứng khoán nói.

Theo đánh giá của một chuyên gia chứng khoán đến từ Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt, chưa có cơ sở để nói HVG thao túng BCTC. Tuy nhiên, thiệt hại của nhà đầu tư khi “kẹp hàng” HVG là không thể tránh khỏi. Lấy ví dụ, phiên giao dịch ngày 10.1, HVG chính thức công bố bán hơn 50% vốn tại Thức ăn Chăn nuôi Việt Thắng (mã chứng khoán VTF), cổ phiếu HVG ngay lập tức tăng giá trần. Tiếp đó, ngày 11.1, HVG tiếp tục chia sẻ về việc thoái vốn công ty con, hoàn thành thanh lý 2 lô đất và giải quyết phần lớn hàng tồn kho, cũng như kế hoạch phát hành 20% cổ phần cho đối tác chiến lược vào quý 2.2018.

“Với những thông tin trên, nhiều nhà đầu tư kỳ vọng khoản nợ sẽ có hướng ra và hoạt động của doanh nghiệp tạm ổn định. Tuy nhiên, đây cũng là ngày mà HVG bị HoSE nhắc nhở về việc chậm công bố BCTC kiểm toán niên độ 2016 - 2017. Và sau đó 2 ngày, ngày 13.1 (thứ 7) khi thị trường chứng khoán không giao dịch thì HVG bất ngờ công bố BCTC kiểm toán với số lỗ tăng thêm 642 tỷ đồng so với BCTC tự lập, khiến giá cổ phiếu HVG giảm sàn ngay trong phiên giao dịch đầu tuần (15.1) khiến nhiều nhà đầu tư bị... ‘kẹp hàng’”, chuyên gia này nói.

Trong khi đó, anh Nguyễn Vân Long, một nhà đầu tư chứng khoán chia sẻ, tôi cho rằng HVG đã có hành vi thao túng BCTC khi công bố kết quả kinh doanh một đằng, kết quả kiểm toán lại khác.

“Cơ quan chức năng cần kiểm soát kỹ vấn đề này bởi hành vi thao túng BCTC không chỉ giúp đội lái thao túng giá chứng khoán, ảnh hưởng đến giá cổ phiếu, mà còn tác động tiêu cực đến các cổ đông, tính minh bạch và niềm tin của công chúng đầu tư trên thị trường”, anh Long đề nghị.

Liên quan đến những sai lệch của BCTC tự lập so với BCTC sau kiểm toán, Luật sư - Tiến sỹ Bùi Quang Tín, chuyên gia tài chính, cho biết, theo quy định pháp luật, những công ty nào đang niêm yết thì phải tuân thủ nguyên tắc lập BCTC theo quy định của Bộ Tài chính và DN nào lập sai thì phải chỉnh sửa lại.

“Việc lập sai cũng có nhiều lý do, nếu sai mà bên Bộ Tài chính kiểm tra có hành vi làm ‘khống’, gây thiệt hại cho nhà đầu tư thì sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự. Còn nếu sai theo hướng vi phạm quy định hành chính của Nhà nước thì sẽ bị xử lý hành chính...”, ông Tín nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem