Tiêu cực trong đấu thầu và câu chuyện của cựu Bộ trưởng Bộ Công nghiệp

Nguyễn Quốc Phong Thứ sáu, ngày 03/05/2024 11:30 AM (GMT+7)
Chuyện ông Phạm Thái Hà - Trợ lý của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ - vừa bị bắt vì liên quan đến Tập đoàn Thuận An khiến nhiều người phải giật mình nhìn lại.
Bình luận 0

Ông Phạm Thái Hà, trong suốt hai chục năm qua từng là người giúp việc đắc lực (khi là Thư ký, khi là Trợ lý) cho ông Vương Đình Huệ, kể từ khi ông Huệ còn làm Tổng Kiểm toán Nhà nước cho đến Bộ trưởng Bộ Tài chính, đến Trưởng ban Kinh tế Trung ương Đảng, rồi Phó Thủ tướng Chính phủ, Bí thư thành uỷ Hà Nội rồi Chủ tịch Quốc hội.

Tôi không bàn sâu chuyện công tác cán bộ nói trên trong bài viết này. Tôi chỉ muốn đề cập ở một khía cạnh khác, đó là chuyện nếu những người làm Trợ lý, Thư ký lợi dụng ảnh hưởng của cấp trên họ - người có quyền lực - để trục lợi, phục vụ lợi ích nhóm thì sẽ tai hại ra sao đối với xã hội, với đất nước?

Tôi đã hiểu ít nhiều sau hàng loại các vụ bê bối của các Tập đoàn - nhà thầu như AIC của bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Phúc Sơn của Hậu "pháo" và Thuận An của ông Nguyễn Duy Hưng.

Có thể dễ hiểu vì sao họ trúng thầu dễ như vậy trong khi các ông lớn của Nhà nước, vốn doanh nghiệp cả chục ngàn tỷ đồng mà vẫn không thắng nổi khi cùng tham gia dự thầu dù nhiều khi vốn ban đầu của họ, như Phúc Sơn, như Thuận An chỉ vài chục tỷ đến vài trăm tỷ đồng.

Thậm chí như Công ty Phúc Sơn, khi còn ở dưới huyện xa xôi, họ cũng thắng thầu dễ dàng nhiều ông lớn Nhà nước đích thực có bề dày về cả kinh nghiệm lẫn nguồn vốn.

Phải chăng, họ là các doanh nghiệp tư nhân nên luôn có những "cơ chế thoáng", dễ "ngoại giao dưới gầm bàn" hơn các doanh nghiệp Nhà nước. Thế nên họ thắng thầu dễ dàng hơn?

Bù lại, họ còn có khả năng nâng khống vốn đầu tư lên gấp nhiều lần ngoài sức tưởng tượng, mà lại do từ trên rót vốn xuống địa phương, kiểu như Công ty AIC của bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn giúp Đồng Nai, giúp Quảng Ninh...

Họ không cần (hoặc không muốn) địa phương phải trực tiếp xin vốn Trung ương, họ sẽ tự tiếp cận và xin vốn giúp địa phương. Và ngạc nhiên thay, trong nhiều vụ việc, vốn xin được còn cao gấp nhiều lần so với dự kiến (?)

Thế mới là điều đáng bàn!

Đó phải chăng chính là chuyện có bóng dáng "nhóm lợi ích" thao túng và chi phối khi tham gia đấu thầu. Thậm chí, để can thiệp sâu hơn, họ có thể bố trí nhiều "quân xanh" tung hứng, "ban bật" giúp họ thắng thầu ngoạn mục. Đây cũng là điều đáng lo lắng khiến ngân sách Nhà nước vốn đã eo hẹp nhưng lại phải chi cho những doanh nghiệp năng lực kém cỏi do họ thắng thầu quá dễ dàng với mức vốn bị đội lên một cách phi lý.

Để làm được những điều tưởng như "vô lý nhưng lại hết sức có lý" như vậy, rõ ràng họ phải có những thế lực ngầm "chống lưng" phía sau. Phải chăng trường hợp như ông Phạm Thái Hà, cựu Trợ lý Chủ tịch Quốc hội là một ví dụ điển hình cần được đưa ra mổ xẻ, phân tích kỹ lưỡng để có những giải pháp ngăn ngừa từ xa?

Tiêu cực trong đấu thầu và câu chuyện của cựu Bộ trưởng Bộ Công nghiệp- Ảnh 2.

Ông Phạm Thái Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội - Trợ lý Chủ tịch Quốc hội thời điểm bị bắt tạm giam. Ảnh: Bộ Công an

Tôi rất tán đồng chủ trương của Đảng ta khi Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 114-QĐ/TW ngày 11/7/2023 về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ.

Mới hôm rồi, tôi có đến thăm nguyên Bộ trưởng Công nghiệp Đặng Vũ Chư để hỏi chuyện vì sao bây giờ đấu thầu dự án kinh tế lại có tình trạng như vậy và ngày trước, thời ông làm có gặp phải tình trạng tương tự không?

Tiến sĩ Đặng Vũ Chư từng có 12 năm làm Bộ trưởng của các bộ Công nghiệp Nhẹ (1990 - 1997) và Công nghiệp (1997 - 2002) của 3 đời Thủ tướng gồm các ông: Võ Văn Kiệt, Phan Văn Khải và Nguyễn Tấn Dũng.

Vì là bộ có quá nhiều công trình, dự án khủng nên ông cũng nhiều lần bị phiền toái, phải giải trình trước Trung ương hoặc Quốc hội xung quanh những nghi vấn trong công tác đấu thầu. Nhưng nhờ làm đúng nguyên tắc và đúng pháp luật, cuối cùng ông đều chứng minh tính đúng đắn trong các quyết định của Bộ mà ông là người đứng đầu và chịu trách nhiệm trước Chính phủ và Quốc hội.

"Tuy vậy, có một phong bì hồ sơ dự thầu bị một ai đó lỡ tay mở. Do nguyên tắc phải bảo đảm tính khách quan và tuyệt mật nên việc lỡ tay mở phong bì hồ sơ này lại trở nên rất phức tạp. Sau này nếu sinh chuyện thì khó thanh minh với các đối tác và Việt Nam sẽ bị kiện ngược".

Ông nhớ lại một chuyện cũ bởi nó từng khiến ông bị một phen điêu đứng. Việc này do báo chí nêu và đích thân Tổng Bí thư Đỗ Mười yêu cầu ông lên báo cáo Bộ Chính trị.

Chuyện là, gói thầu xây dựng mở rộng, nâng công suất nhà máy Nhiệt điện Phả Lại từ 400 MW lên 1000 MW với tổng vốn đầu tư 600 triệu đô la, dùng từ nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản, trong đó có gói thầu nhỏ "Mô hình analog" với vỏn vẹn 2 triệu đô la, không nhiều nhặn gì.

Tuy nhiên, ít ai hiểu, dù chỉ là "mô hình" nhưng nó mô phỏng tương tự quy trình công nghệ nhà máy chính bằng thiết bị điện tử để thí nghiệm, tìm ra những thông số tối ưu khi vận hành và đạo tạo lý thuyết, đào tạo trưởng ca. Thế cho nên mới có cái giá cao như vậy dù chỉ là thiết bị mô hình.

Nguyên Bộ trưởng Đặng Vũ Chư cho biết, đây là gói thầu tuy nhỏ nhưng lại nằm trong gói thầu lớn nên phải chỉ đạo rất chặt chẽ. Các nhà thầu trong và ngoài nước đã nộp hồ sơ dự thầu từ trước Tết Nguyên đán. Theo dự kiến, sau khi nhận hồ sơ thầu sẽ niêm phong toàn bộ, nghỉ Tết xong sẽ chấm.

Tuy vậy, có một phong bì hồ sơ dự thầu bị một ai đó lỡ tay mở. Do nguyên tắc phải bảo đảm tính khách quan và tuyệt mật nên việc lỡ tay mở phong bì hồ sơ này lại trở nên rất phức tạp. Sau này nếu sinh chuyện thì khó thanh minh với các đối tác và Việt Nam sẽ bị kiện ngược.

Biết chuyện này, ông yêu cầu Hội đồng chấm thầu mở hết toàn bộ các hồ sơ, lập biên bản sau khi đánh dấu trang rồi chở lên khu Nhà khách Trung ương trên Quảng Bá. 

Ông yêu cầu phải được chấm luôn trong những ngày nghỉ Tết theo nguyên tắc "nội bất xuất, ngoại bất nhập", thu toàn bộ điện thoại của các thành viên rồi nhờ Bộ Công an canh gác suốt thời gian Bộ ông tổ chức chấm thầu.

Tiêu cực trong đấu thầu và câu chuyện của cựu Bộ trưởng Bộ Công nghiệp- Ảnh 3.

Tác giả bài viết - Nhà báo Nguyễn Quốc Phong. Ảnh: DV

Sau Tết, Bộ trưởng Đặng Vũ Chư lên nghe báo cáo kết quả. Quy trình làm tưởng đã hết sức chặt chẽ đến như vậy, thế mà còn có người không thiện chí (không loại trừ có cả "nhóm lợi ích" nhưng không đúng ý họ nên chọc ngoáy) báo cáo lên cấp trên.

Chuyện đến tai Tổng Bí thư Đỗ Mười. Vậy là Tổng Bí thư yêu cầu điều tra xác minh rồi báo cáo sự việc. Quốc hội cũng chất vấn Chính phủ khi một số tờ báo phản ánh, nhưng lại thiếu thông tin xác minh từ nhiều phía.

Ông Đặng Vũ Chư phải đến giải trình trước Bộ Chính trị, trong đó có vị lãnh đạo được "cấp dưới" báo cáo lên - cùng ngồi nghe và lúc này chính vị này mới thừa nhận, ông cũng không hề hiểu "Mô hình analog" trong gói thầu là cái gì, chức năng, nhiệm vụ, công dụng ra sao...?

Tổng Bí thư Đỗ Mười sau khi trực tiếp nghe báo cáo cũng đã đứng dậy, đi qua chỗ ông Chư ngồi và nói nhỏ vào tai vị Bộ trưởng: "Thôi, tôi hiểu cả rồi, anh không cần báo cáo nữa!".

Sau 22 năm nghỉ hưu, vị cựu Bộ trưởng có lẽ đã trở nên "lạc hậu" với thời cuộc khi mà bây giờ, đọc báo, nghe đài, thấy thông tin về sai phạm trong các vụ đấu thầu, thấy rõ các "nhóm lợi ích" lại có thể can thiệp một cách ngang nhiên với nhiều chiêu trò tinh vi, lạ kỳ đến vậy!

Một khi đã là cán bộ, công chức nhà nước, nếu giữ vị trí càng cao thì càng cần phải khách quan và công tâm trong việc đưa ra các quyết sách chung.

Còn nếu làm cán bộ mà thiếu sự khách quan, minh bạch, chỉ tìm cách "đi đêm" với các "nhóm lợi ích", các doanh nghiệp "sân sau", những cán bộ đó chắc chắn sẽ chỉ đưa ra những quyết sách với mục đích trục lợi cá nhân, cho "nhóm lợi ích" của mình mà gây hại cho nhân dân, cho đất nước, gây thất thoát, lãng phí tài sản công.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem