Bán "thần dược", Trung tâm đông y ảo mạo danh nhiều bác sĩ "xịn"

Vinh Hải - Đình Việt Thứ sáu, ngày 11/01/2019 11:15 AM (GMT+7)
Ngoài việc lập ra địa chỉ ảo và hàng loạt website để bán thuốc rởm, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Đông Nam dược Việt Nam tự xưng còn ngang nhiên sử dụng hình ảnh và uy tín của một số chuyên gia, bác sỹ nhằm đánh lừa người tiêu dùng.
Bình luận 0

Như đã nêu ở bài trước, sau khi nhận được đơn thư phản ánh của bạn đọc về một trung tâm thuốc đông y “ảo” có tên “Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Đông Nam dược Việt Nam, PV Dân Việt đã vào cuộc tìm hiểu, xác minh và thấy rằng những phản ánh của bạn đọc là có căn cứ.

img

Với mỗi loại thuốc trung tâm này sẽ lập ra một website riêng để quảng cáo.

Cụ thể, trung tâm này đã lập nhiều website để bán một số loại thuốc của mình sản xuất, theo quan sát, các website này đều sử dụng chung một số điện thoại đường dây nóng. PV đã liên lạc theo số điện thoại trên và mua được một số sản phẩm của trung tâm này.

Ngoài ra, khi vào cuộc xác minh, chúng tôi có thể khẳng định rằng, tại thị trấn Ít Ong, Mường La, Sơn La không có cơ sở thuốc đông y nào tên “Trung tâm nghiên cứu và Phát triển Đông Nam dược Việt Nam”. Tại thị trấn Sìn Hồ, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu cũng không có cơ sở thuốc nào có tên tương tự.

Trung tâm đông y tự xưng này sử dụng hệ thống website để lấy lòng tin của khách hàng. Các website đều có trích dẫn ý kiến khách hàng thể hiện sự hài lòng với sản phẩm. Tuy có cả hình ảnh kèm theo nhưng tên tuổi và địa chỉ của khách hàng hết sức chung chung. 

Các website còn có các bài viết giống với bài báo để "thổi" sản phẩm lên như "thần dược". Các bài viết thường kể câu chuyện người bệnh đã khỏi bệnh thần kì thế nào sau khi dùng sản phẩm của Đông Nam dược Việt Nam và có cả ý kiến chuyên gia. 

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV, thông tin các chuyên gia đánh giá, phân tích trên các website quảng bá "thần dược" kể trên là không có thật. 

img

Trung tâm này đã ngang nhiên mạo danh một số y, bác sỹ có tiếng để bán thuốc.

Như trường hợp người có tên Nguyễn Quốc Hùng từng công tác tại Bệnh viện Y học cổ truyền được cho là Giám đốc Trung tâm. Vị này lúc được giới thiệu là Thạc sĩ, lúc lại là Tiến sĩ. Tuy nhiên, PV Dân Việt  đã xác minh tại hai đơn vị là Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương và Bệnh viện Y học cổ truyền Hà Nội thì cả hai bệnh viện này đều xác nhận, đơn vị mình từ trước đến nay không có bác sỹ nào tên Nguyễn Quốc Hùng. Thậm chí, đại diện Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương còn cho biết, bệnh viện không có khoa Đông y thực nghiệm.

Trên website mà trung tâm này lập ra để bán thuốc Ngọc Tố Đan (thuốc nở ngực), trong mục “đánh giá của chuyên gia”, trung tâm này đã tự ý sử dụng tên và hình ảnh, thậm chí tự bịa ra tên của bác sỹ để nhận xét về loại thuốc mà mình đang bán. 

Ví dụ, trên website giới thiệu hình ảnh PGS.BS Lê Thùy Anh có chuyên ngành chuyên khoa II phục hồi thẩm mỹ đã có những lời "có cánh" về Ngọc Tố Đan. 

Thế nhưng, theo tìm hiểu của Dân Việt, hình ảnh được sử dụng cho PGS.BS Lê Thùy Anh thực chất là của bác sỹ Vũ Thúy Hạnh hiện đang công tác tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc. 

Bác sĩ chuyên khoa II Vũ Thúy Hạnh hiện đang là bác sĩ Nội nhi truyền nhiễm Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc. Bác sĩ Vũ Thúy Hạnh từng đảm nhiệm vị trí Trưởng Khoa Nội Bệnh viện Thanh Nhàn, giảng dạy tại Viện Sốt rét Trung Ương. 

Đại diện Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc xác nhận hình ảnh mà website www.ngoctodan.com sử dụng để quảng bá sản phẩm chính là bác sỹ Vũ Thúy Hạnh. Bác sỹ Hạnh không hề biết đến Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Đông Nam dược Việt Nam và cũng chưa từng biết đến sản phẩm mang tên Ngọc Tố Đan. Do đó, bác sỹ Hạnh không hề có lời quảng cáo nào cho sản phẩm này. 

Sau khi biết thông tin Dân Việt cung cấp về việc website này mạo danh, bác sỹ Hạnh thông qua Báo Điện tử Dân Việt yêu cầu website phải bỏ ngay hình ảnh của mình khỏi những đoạn quảng cáo sản phẩm. 

Một trường hợp nữa được giới thiệu là PGS.TS Nguyễn Thị Lâm - Trưởng khoa Nội tiết tố thực chất đây là PGS.BS Nguyễn Thị Lâm - nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia. 

Bác sỹ Lâm cũng khẳng định chưa bao giờ tư vấn và làm chuyên gia cho trung tâm kể trên. Bác sỹ rất bức xúc vì hình ảnh và uy tín của mình bị trung tâm đông y ảo này sử dụng vào mục đích sai trái. 

Như vậy, có thể thấy rằng, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Đông Nam dược Việt Nam đã trắng trợn sử dụng hình ảnh trái phép, mạo danh các bác sỹ uy tín nhằm thổi phồng sản phẩm, đánh lừa khách hàng. 

Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem