Thực hư việc Công an Hà Tĩnh giữ người và tài sản trái pháp luật

Ngọc Vũ Thứ hai, ngày 15/04/2019 11:49 AM (GMT+7)
Một công dân ở tỉnh Quảng Trị đã phản ánh đến PV Báo Dân Việt về việc Công an tỉnh Hà Tĩnh giữ người, tài sản và sử dụng tài sản trái pháp luật.
Bình luận 0

Giữ người và tài sản trái luật?

Tối 12.4, anh Hoàng Đức Ý (36 tuổi, trú khu phố 5, phường 5, TP.Đông Hà, Quảng Trị) phản ánh đến PV Báo Dân Việt việc anh bị Công an Hà Tĩnh giữ người, giữ tài sản và sử dụng tài sản của anh trái pháp luật.

img

Anh Hoàng Đức Ý kể lại quá trình bị áp tải lên trụ sở khu cảnh sát công an tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Ngọc Vũ

Anh Ý cho biết, khoảng 10h ngày 9.4, khi anh rời một quán cà phê trên đường Nguyễn Huệ (TP.Đông Hà) chuẩn bị lên xe về nhà thì bỗng xuất hiện một người đàn ông tự xưng là công an đề nghị phối hợp làm việc liên quan đến chiếc xe. Người này mời anh Ý trở vào quán cà phê.

“Người tự xưng công an nói làm việc với tôi vì liên quan đến một vụ giấy tờ giả, mà hiện người đó đã bị bắt, khởi tố rồi. Tiếp đó có khoảng 5-6 người đến vây quanh bàn tôi ngồi rồi buộc tôi phải giao nộp 3 chiếc điện thoại cùng chìa khoá xe ô tô tôi đang đi” – anh Ý kể lại.

Tiếp theo nhóm người đã dùng xe của anh Ý để áp tải anh Ý lên một phòng ở tầng 5, khu cảnh sát thuộc Công an tỉnh Quảng Trị. Nhóm người trên nói rằng, anh Ý đã đặt mua một giấy đăng ký xe giả nên cần phải xác minh.

Nhóm người này còn yêu cầu anh Ý cung cấp mật khẩu máy điện thoại để vào xem danh bạ, hình ảnh, tin nhắn…

Sau khi xem ảnh, phát hiện trong điện thoại anh Ý có hình ảnh 6 xe ô tô nên nhóm người này đã yêu cầu anh Ý giải trình về số xe trên. Anh Ý đã trả lời các câu hỏi của nhóm người trên và khẳng định 6 chiếc xe đều hợp pháp, đang cho thuê dịch vụ.

Đến khoảng 21h cùng ngày, nhóm người tự xưng công an yêu cầu anh Ý phải gọi điện điều những chiếc xe ô tô của anh đang cho thuê dịch vụ trở về, đưa lên trụ sở khu cảnh sát Công an tỉnh Quảng Trị.

img

Giấy biên nhận của Cơ quan cảnh sát điều tra công an tỉnh Quảng Trị sau khi anh Hoàng Đức Ý trình báo vụ việc. Ảnh: Ngọc Vũ

Đến khoảng 23h cùng ngày, nhóm người yêu cầu anh Ý ký vào biên bản với nội dung tự nguyện giao nộp xe để xác minh, phục vụ công tác điều tra. 30 phút sau nhóm người tiếp tục yêu cầu anh Ý ký vào một biên bản khác với nội dung tự nguyện đi theo công an để phục vụ điều tra.

Sau đó, nhóm người này đưa anh Ý đến nhà nghỉ Công an tỉnh Quảng Trị để ngủ, có người giám sát.

9h ngày 10.4, sau khi buộc anh Ý giao nộp đủ 6 chiếc xe ô tô, nhóm người trên yêu cầu anh Ý đi cùng vào Đà Nẵng để phục vụ điều tra nhưng anh Ý không chấp thuận.

Đến 11h ngày 10.4 (sau 25 giờ bị giữ) anh Ý mới được cho về nhà. Tuy nhiên, lúc ra về anh Ý chỉ được trả lại 1 điện thoại, còn 2 điện thoại và chứng minh nhân dân bị nhóm người thu giữ, mang theo vào Đà Nẵng. Phải đến khi anh Ý cùng luật sư của mình lặn lội vào tận Đà Nẵng đòi thì nhóm người kia mới trả lại vào lúc 16h ngày 11.4.

"Những người xưng là công an Hà Tĩnh giữ và buộc tôi giao tài sản mà không căn cứ vào bất kỳ quyết định nào của cơ quan có thẩm quyền" - anh Ý nói.

Tự ý sử dụng tài sản công dân?

Khoảng 8h ngày 12.4, anh Ý đến sân của trụ sở khu cảnh sát Công an tỉnh Quảng Trị kiểm tra thì phát hiện một trong sáu chiếc xe ô tô anh bị ép giao nộp đã biến mất. Chiếc xe biến mất hiệu Polo, biển kiểm soát 51G 45247. Hoảng hốt, anh Ý nhờ người thân toả khắp TP.Đông Hà để tìm xe.

img

Chiếc xe ô tô biển số 51G 45247 điều tra viên Đậu Duy Hưng, cán bộ Công an tỉnh Hà Tĩnh điều khiển từ nơi tạm giữ là trụ sở khu cảnh sát công an tỉnh Quảng Trị về đỗ ở gần trụ sở Công an phường 1, TP.Đông Hà. Ảnh: Ngọc Vũ

Khoảng 10h30 cùng ngày, anh Ý phát hiện xe ô tô 51G 45247 nằm ở đường Hai Bà Trưng, gần trụ sở Công an phường 1, TP.Đông Hà, cách vị trí tạm giữ hơn 2km. Người điều khiển chiếc xe là một cán bộ Công an Hà Tĩnh.

Toàn bộ sự việc anh Ý đã trình báo Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Trị và đã được tiếp nhận vào đầu giờ chiều 12.4.

Đến khoảng 16h30 ngày 12.4, tại trụ sở Công an phường 1, TP.Đông Hà, dưới sự chứng kiến của Công an TP.Đông Hà, Công an phường 1 thì vụ việc mới được lập biên bản.

Trong biên bản vụ việc có nội dung, ngày 12.4, ông Đậu Duy Hưng, điều tra viên thuộc Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hà Tĩnh thực hiện nhiệm vụ đưa chiếc xe 51G 45247 về Hà Tĩnh phục vụ công tác xác minh. Khi ông Hưng điều khiển xe đỗ ở đường Hai Bà Trưng thì bị anh Ý phát hiện, không cho di chuyển khỏi nơi đang đỗ. Sau khi lập biên bản, chiếc xe được đưa trở lại nơi tạm giữ ban đầu, trụ sở khu cảnh sát Công an tỉnh Quảng Trị.

Anh Ý bức xúc cho rằng, Công an Hà Tĩnh giữ người, giữ tài sản và sử dụng tài sản của anh mà không hề căn cứ vào một quyết định nào của cơ quan có thẩm quyền là trái pháp luật.

img

Biên bản vụ việc chiếc xe biển số 51G 45247 rời nơi tạm giữ, đỗ gần trụ sở công an phường 1, TP.Đông Hà. Ảnh: Ngọc Vũ

Sáng 13.4, trả lời PV Dân Việt qua điện thoại, Đại tá Võ Trọng Hải, Giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh cho biết, đơn vị này đang điều tra đường dây làm giấy tờ, con dấu giả, buôn bán xe lậu trong đó nghi ngờ 6 chiếc xe của anh Hoàng Đức Ý liên quan đến vụ án. Vì vậy, cán bộ công an Hà Tĩnh đã mời anh Hoàng Đức Ý làm việc để xác minh làm rõ 6 chiếc xe có phải xe lậu hay không chứ không phải giam giữ người.

Trả lời về việc chiếc xe 51G 45247 di chuyển khỏi nơi tạm giữ, ông Hải nói rằng có khả nghi là xe lậu nên cán bộ Công an Hà Tĩnh tiến hành lái xe đưa ra Hà Tĩnh phục vụ điều tra thì bị một số người ngăn chặn, sau đó vụ việc đã được lập biên bản.

Theo ông Hải, 6 chiếc xe của anh Ý có liên quan đến vi phạm pháp luật nên tới đây Công an Hà Tĩnh sẽ đề nghị Công an Quảng Trị phối hợp, hỗ trợ đưa toàn bộ xe ra Hà Tĩnh để điều tra, làm rõ.

Thế nhưng, lúc 17h cùng ngày (13.4), ông Đậu Duy Hưng, điều tra viên Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hà Tĩnh đã có biên bản trả 5/6 chiếc xe cho anh Hoàng Đức Ý, trong đó có chiếc biển kiểm soát 51G 45247.

Chiều 14.4, trả lời PV Dân Việt, Đại tá Võ Trọng Hải, Giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh nói rằng, sau khi xác minh có 5 chiếc xe đã chứng minh được nguồn gốc hợp pháp nên trả lại cho anh Ý, còn 1 chiếc xe không chứng minh được nguồn gốc đang đưa về Hà Tĩnh để điều tra.

PV Dân Việt hỏi: “Theo ông, cán bộ công an Hà Tĩnh làm việc với anh Hoàng Đức Ý về mặt thủ tục, cách làm việc đúng hay sai?” thì ông Hải nói: “Việc đó nhà anh (tôi-PV) chưa trả lời được. Nhà anh làm theo pháp luật, còn sai pháp luật nhà anh chịu trách nhiệm”.

Anh Hoàng Đức Ý cho biết, hiện Công an Hà Tĩnh còn giữ của anh chiếc ô tô biển kiểm soát 51G 45160 mà không hề căn cứ vào một quyết định nào

img

Biên bản công an tỉnh Hà Tĩnh trả 5 chiếc ô tô đã giữ của anh Hoàng Đức Ý. Ảnh: Ngọc Vũ

Trả lời PV Dân Việt qua điện thoại, Đại tá Đặng Hoài Sơn, Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan cảnh sát điều tra công an tỉnh Hà Tĩnh khẳng định, việc giữ chiếc xe 51G 45160 của anh Hoàng Đức Ý là đúng pháp luật.

Theo luật sư Trần Đức Anh (Văn phòng luật sư Trần và cộng sự, TP.Đông Hà), việc giữ người phục vụ công tác điều tra phải được thông báo đến gia đình, phải có phê chuẩn của Viện kiểm sát cùng cấp. Trong trường hợp khẩn cấp, sau khi giữ người phải lập tức báo cáo, xin lệnh phê chuẩn của người có thẩm quyền.

Việc thu giữ tài sản phải có biên bản xử lý vi phạm của tài sản. Pháp luật không quy định người dân tự đến nộp tài sản, vì vậy biên bản tự nguyện giao nộp 6 chiếc xe ô tô anh Ý ký không có giá trị.

Trong trường hợp này, Công an Hà Tĩnh đã giữ người, giữ tài sản của anh Ý mà không hề dựa vào một quyết định nào là trái pháp luật.

“Hai biên bản tự nguyện ở lại cùng công an và tự nguyện giao nộp xe ôtô đều không đúng pháp luật. Việc sử dụng chiếc xe ô tô của cán bộ công an tỉnh Hà Tĩnh cũng trái pháp luật bởi khi sử dụng xe đang tạm giữ thì phải có quyết định trưng cầu” – Luật sư Đức Anh nói.

Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin vụ việc

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem