Tín dụng ưu đãi Ngân hàng CSXH giúp nông dân Quỳ Hợp ở Nghệ An chăn nuôi, làm du lịch

Đức Thịnh Thứ ba, ngày 27/06/2023 10:25 AM (GMT+7)
Từ nguồn vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH), hàng nghìn hộ nông dân trên địa bàn huyện Quỳ Hợp, Nghệ An đã mạnh dạn đầu tư chăn nuôi, trồng rừng, kinh doanh dịch vụ… mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao thu nhập.
Bình luận 0

Ủy thác vốn vay Ngân hàng CSXH hiệu quả

Theo báo cáo Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH, tính đến cuối tháng 5/2023, Ngân hàng CSXH huyện Quỳ Hợp đã triển khai hiệu quả 17 chương trình tín dụng chính sách cho hơn 12.500 hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn ưu đãi với tổng dư nợ đạt hơn 685 tỷ đồng. Trong đó hơn 99% tổng dư nợ được ủy thác qua 4 tổ chức chính trị - xã hội là: Hội ND, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên.

Ông Vi Văn Quý – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Quỳ Hợp cho biết: Đến 28/4/2023, Tổng dư nợ ủy thác Hội Nông dân huyện quản lý là 181,4 tỷ đồng, có 89 tổ tiết kiệm vay vốn với 3.439 hộ đang còn dư nợ.

Bên cạnh thực hiện có hiệu quả công tác nhận uỷ thác giải quyết vốn vay cho hộ nghèo, Hội Nông dân huyện Quỳ Hợp tích cực tham mưu với Ngân hàng CSXH huyện quan tâm giải quyết các vốn vay giải quyết việc làm cho hội viên, tạo động lực cho nhiều hội viên nông dân có ý tưởng khởi nghiệp...

Mở đường phát triển chăn nuôi, làm du lịch ở Quỳ Hợp - Ảnh 1.

Cán bộ Ngân hàng CSXH huyện Quỳ Hợp (tỉnh Nghệ An) kiểm tra một số mô hình vay vốn hiệu quả ở xã Minh Hợp. Ảnh: Thu Hường

Mở đường phát triển chăn nuôi, làm du lịch ở Quỳ Hợp - Ảnh 2.

Điển hình như gia đình anh Đinh Văn Cường (ở thôn Quang Hưng, xã Châu Quang). Năm 2019 anh được vay 50 triệu đồng, anh Cường đã đầu tư trồng trên 3ha keo. Bên cạnh đó, anh mua thêm 3 con bò sinh sản và trồng thêm trên 1 sào cỏ voi để phục vụ chăn nuôi. Đến nay gia đình anh Cường có 6 con bò mẹ, mỗi năm cho thu nhập hơn 50 triệu đồng, nhờ đó đã có nhà ở khang trang hơn, có điều kiện chăm lo cho con cái ăn học.

Động lực cho nông dân Quỳ Hợp phát triển sản xuất

Chị Sầm Thị Bích - hội viên nông dân ở xã Châu Tiến từ 50 triệu đồng vốn vay Ngân hàng CSXH đã sửa lại nhà sàn truyền thống của đồng bào Thái làm homestay cho khách du lịch đến trải nghiệm, nghỉ dưỡng.

Bên cạnh đó, chị Bích còn phát triển thêm nghề dệt thổ cẩm. Nhiều mặt hàng thổ cẩm được tạo ra, đáp ứng nhu cầu thị trường. Đến nay, các sản phẩm mặt hàng thổ cẩm của HTX làng nghề thổ cẩm Hoa Tiến do chị Sầm Thị Bích làm Giám đốc đã có mặt ở nhiều thị trường trong và ngoài nước…

Lãnh đạo Ngân hàng CSXH huyện Quỳ Hợp cho biết: Được thành lập năm 2003. Đến nay, đã xây dựng được 21 điểm giao dịch cố định tại 21 xã, thị trấn; từ đó, tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ tín dụng chính sách xã hội đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, tiết giảm chi phí, thời gian đi lại, đảm bảo hoạt động tín dụng chính sách xã hội dân chủ, công khai với cách thức "giao dịch tại nhà, giải ngân, thu nợ tại xã".

Sau 20 năm hoạt động, đến nay đã triển khai 19 chương trình tín dụng được Chính phủ giao và một số chương trình từ nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương; tổng doanh số cho vay 20 năm qua đạt 1.830 tỷ đồng, với 72.662 hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn; mức đầu tư cho người vay tăng từ 3 triệu đồng/hộ năm 2003 lên 100 triệu đồng/hộ năm 2022.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem