25% sinh viên thất nghiệp, doanh nghiệp vẫn “khát” lao động

Anh Thơ Thứ hai, ngày 22/04/2019 19:40 PM (GMT+7)
Con số 46% nguồn nhân lực trong ngành nông nghiệp chưa đáp ứng được các yêu cầu của việc ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ cho thấy, đã đến lúc công tác đào tạo phải có sự chuyển biến rõ rệt về chất, sao cho đúng và trúng nhu cầu của doanh nghiệp.
Bình luận 0

Nhân lực vừa thừa vừa thiếu

Theo thống kê, Việt Nam hiện có 54 cơ sở đào tạo liên quan đến ngành nông nghiệp, mỗi năm hàng vạn cử nhân tốt nghiệp, ra trường. Điều đáng nói là, tuy số lượng được đào tạo tương đối lớn nhưng chất lượng chưa đảm bảo, chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động khi có đến 25% số cử nhân được đào tạo trong lĩnh vực nông nghiệp rơi vào tình cảnh thất nghiệp.

img

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường (thứ 2 từ trái sang), Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ (ngoài cùng bên trái) tham quan gian trưng bày sáng tạo công nghệ của Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Nguyễn Chương

"Không phải chỉ các trường nông - lâm - ngư nghiệp mới có thể đào tạo được nhân lực cho ngành nông nghiệp mà các ngành công nghệ thông tin, khoa học quản lý từ hàng trăm cơ sở đào tạo cũng có thể đào tạo nhân lực cho nông nghiệp”.

Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ

Dù số lượng sinh viên thất nghiệp không hề nhỏ nhưng các doanh nghiệp lại đang “khát” lực lượng cán bộ có trình độ chuyên môn cao, nhất là ở những lĩnh vực mới, ứng dụng công nghệ tiên tiến. Ông Nguyễn Văn Minh - đại diện Tập đoàn Mavin – một doanh nghiệp hàng đầu về chăn nuôi - sau một thời gian đăng tin tìm các ứng viên cho nhiều vị trí công việc hấp dẫn trong công ty nhưng vẫn chưa có được hồ sơ ưng ý đã than thở khi khó có thể tìm được những ứng cử viên sáng giá, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp (DN).

Đồng quan điểm, bà Phạm Thị Thanh Bình – đại diện Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam cho rằng, nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ nông nghiệp đang gặp nhiều bất cập, số nhân lực được đào tạo ngày một gia tăng nhưng chất lượng, khả năng thích ứng công việc và phát huy kết quả đào tạo lại thấp, số lao động đã qua đào tạo nhưng phát huy được tác dụng chưa cao.

“Nguyên nhân là do các cơ sở đào tạo chưa gắn kết với DN và thị trường lao động nên chưa nhìn ra những hạn chế đó. Đó là chưa kể, việc thu hút cán bộ khoa học công nghệ giỏi còn vướng mắc nhiều vấn đề như thu nhập thấp, điều kiện nghiên cứu, thí nghiệm tại địa bàn nông thôn không có hoặc ít có điều kiện học tập nâng cao trình độ chuyên môn” – bà Bình nói.

Liên kết doanh nghiệp, đào tạo theo địa chỉ

Tại tọa đàm “Gắn kết cơ sở giáo dục đại học và DN để phát triển nguồn nhân lực trình độ cao” tổ chức mới đây tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ khẳng định, để khắc phục tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành nông nghiệp, các cơ sở đào tạo phải đổi mới chương trình đào tạo.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, cần tạo điều kiện cho các trường đại học và DN liên kết đào tạo nhân lực. Tạo hệ sinh thái cùng nhau trong một môi trường ngay tại nhà trường hoặc DN để khoảng cách thực tiễn và đào tạo nhà trường không còn quá xa. Việc kết nối nhà trường – doanh nghiệp không chỉ dừng lại ở việc cấp học bổng hay tạo cơ hội thực tập cho sinh viên tốt nghiệp mà còn phải ở nhiều phương diện khác như xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học, đặt hàng đào tạo, xác định chuẩn đầu ra. Có như vậy mối gắn kết mới đi vào thực chất và hiệu quả.

Bà Phạm Thị Thanh Bình cho biết, những năm qua, ngày càng có nhiều cuộc tiếp xúc giữa DN với các cơ sở đào tạo để cùng nhau xây dựng chương trình, thống nhất phương pháp đào tạo theo hướng tiếp cận đào tạo năng lực. Đây có thể coi là điểm đột phá so với trước đây. “Nói cách khác, đào tạo phát triển nguồn nhân lực đã tiếp cận theo nhu cầu thực tế, xu hướng phát triển của nền kinh tế, đào tạo theo địa chỉ hoặc theo đơn đặt hàng cụ thể” – bà Bình nói.

Theo GS-TS Nguyễn Thị Lan-Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, để lấp đầy nguồn nhân lực thiếu hụt trong ngành nông nghiệp đến năm 2020 (dự báo thiếu khoảng 3,2 triệu lao động qua đào tạo), Chính phủ cần có chính sách và chương trình đầu tư thỏa đáng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho nông nghiệp.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định, việc DN tham gia vào quá trình đào tạo của cơ sở giáo dục đại học là rất cần thiết. Muốn vậy, cần thay đổi chiến lược về đào tạo nguồn nhân lực nông nghiệp để có thể đáp ứng được sự phát triển của doanh nghiệp, tạo ra bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn. n

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem